Cưới thử

,
Chia sẻ

Thiên hạ thiếu tiền nên mới ngại sinh con, còn Huyền không dám có con vì ngại cảnh ly hôn.

Huyền sợ tình cảm với chồng không bền vững, khi đã chán nhau rồi chia tay, con cái sẽ khổ. Từ hồi yêu, Huyền đã biết Kiên là “tay sát gái” có hạng nhưng vì tình yêu mù quáng nên cô chấp nhận. Đến khi quyết định sống chung, bản chất “trêu hoa, ghẹo nguyệt” của Kiên không đổi, khiến Huyền mất lòng tin. Huyền tính toán rằng, sẽ đợi một thời gian, nếu Kiên sửa đổi thì cô mới có con.

Nhiều lần, chị gái Huyền động viên: “Dì phải có con thì gia đình mới trọn vẹn. Biết đâu, chú ấy vì yêu con nên sẽ ở nhà với vợ nhiều hơn” nhưng cô không đồng ý. Huyền thích kiếm tiền để mua quà cho mấy đứa cháu của mình hơn là việc phải stress khi chăm con của kẻ ngoại tình.
 

Cùng cảnh cố tình muộn con như Huyền, Thúy (Q3, TP HCM) còn sống theo kiểu thoáng hơn. Thúy và Việt – chồng cô, có tổ chức cưới xin đàng hoàng nhưng hai người lại không ra ủy ban phường, đăng ký kết hôn. Thúy biết bản thân cô và Việt có quá nhiều điểm khác biệt nên quyết định dọn về với anh một thời gian, để xem xét có hạnh phúc không. Nếu sống được, Thúy muốn có con sau 1-2 năm nữa; ngược lại, anh chị giải tán sẽ không làm khổ con.

Mặc hai bên nội - ngoại giục giã, Thúy vẫn cương quyết kế hoạch. Thúy quan niệm, vợ chồng tuy đã kết hôn nhưng cần thêm thời gian để hòa hợp thì mới nên có con. Nếu có con sớm, tình cảm vợ chồng có khi còn rạn nứt nhanh hơn vì Thúy không lạ gì chuyện nhiều anh chồng “ăn nem” khi vợ mang bầu.
 

Nguy hiểm khi mang hạnh phúc làm phép thử

Một số ít người vợ coi hạnh phúc gia đình hiện tại chỉ là tạm bợ. Họ quyết định đánh cược với tổ ấm của mình... Tư tưởng này cũng chẳng khác mấy việc sống thử của các cặp đôi trẻ bây giờ, cứ góp gạo thổi cơm chung, nếu hòa thuận thì cưới, không thì thôi.

Điểm nguy hiểm của kiểu hạnh phúc này nằm ở chính tâm lý không ràng buộc của cả đôi bên. Mang hạnh phúc vợ chồng ra thử chẳng khác nào khi cả hai cùng sống dưới một túp lều, vợ sẽ nói: “Không cần mua sắm đồ đạc gì, mai là chuyển đi ấy mà” còn chồng đứng bên cạnh, ủng hộ “chính sách” của vợ.

Do đó, thay vì chung sức sắm bàn ghế, mâm bát để hoàn thiện và biến căn lều thành mái nhà thực thụ, vợ chồng chẳng cần làm gì. Không được gia cố vững chắc thì một cơn gió thoảng qua cũng khiến chiếc lều nghiêng ngả, sụp đổ.

Mang so điều trên với tâm lý chưa muốn có con vì cứ sống xem sao đã thì không khác nhau là mấy. Người vợ sẽ mang trong mình tâm lý tự do, không lo chuyện chăm con nên cũng chẳng cần phải chiều chồng.

Nếu những người vợ khác tìm mọi cách để giữ chồng cho con họ có đầy đủ cả bố lẫn mẹ thì nhóm người vợ này… mặc kệ. Với họ, nếu chồng không tự hoàn thiện để làm vừa lòng vợ thì nên chia tay. Vợ không cố gắng vun đắp hạnh phúc, chồng cũng thường xuyên xa nhà, chơi bời. Khi đã sẵn sàng tâm lý bỏ nhau thì chuyện bỏ nhau chỉ còn là vấn đề thời gian.
 
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ