Da nổi mụn, tổn thương vì dùng khăn lạnh

,
Chia sẻ

Khăn lạnh bẩn sẽ được phân thành 2 loại: loại không cần dùng axit tẩy trắng (chỉ dùng nước Javel), loại phải dùng cả nước Javel lẫn nước rửa bát và ngâm trong axit tẩy trắng, sau đó giặt lại

Những chiếc khăn lạnh được dùng trong nhà  hàng, sau đó được thu gom rồi  đem đi tái chế bằng nhiều loại hóa chất khác nhau. Người sử dụng (đặc biệt là người có làn da nhạy cảm) có thể bị nổi mụn trên da, mẩn ngứa, thậm chí mắc bệnh da liễu nếu sử dụng loại khăn này thường xuyên. 

Khăn lạnh tái chế thủ công, không qua tiệt trùng 

Theo tìm hiểu, chủ những cơ sở cung cấp khăn lạnh trên phố Thụy Khuê cho biết quy trình tiêu thụ và tái chế khăn lạnh khá đơn giản: Mua các sản phẩm bị lỗi từ các công ty may, sau đó xử lý kích cỡ thành khăn lạnh thông thường. Số khăn này được phân phối cho các nhà hàng. 

Thay vì  mua hàng loạt khăn mới dùng một lần rồi bỏ để đảm bảo vệ sinh, để có lợi cho cả nhà cung cấp và nhà hàng, khăn lạnh luôn được quay vòng tái chế. Quy trình tái chế không mất nhiều thời gian vì toàn bộ khăn lạnh đều được xử lý bằng hóa chất. 

Khăn lạnh sau khi được khách sử dụng sẽ được nhân viên nhà hàng, quán ăn tận dụng dùng để lau nồi, xoong, sàn nhà, bàn ghế, … Kết quả là khi đem về cơ sở tái chế, khăn lạnh đã dính đầy dầu mỡ và tạp khuẩn. 

Theo quan sát tại các cơ sở sản xuất, số khăn lạnh bẩn này sẽ được phân thành 2 loại: một loại không cần dùng axit tẩy trắng (chỉ dùng nước Javel), loại còn lại phải dùng cả nước Javel lẫn nước rửa bát và ngâm trong axit tẩy trắng, sau đó giặt lại xà phòng giặt. 

Để  đẩy mùi axit, mùi nước Javel và các loại mùi hóa chất ra khỏi khăn, sau khi được tái chế thành khăn trắng, số khăn này được ngâm tiếp trong hương liệu dạng nước pha lẫn cồn. 

Theo tiết lộ của chủ nhân một trong những cơ sở sản xuất khăn ở Thụy Khuê, việc pha hương liệu với cồn sẽ khiến mùi thơm bốc lên mạnh hơn, nhất là thời điểm vừa mở khăn, khiến khách hàng cảm thấy dễ chịu. 

Chưa hết, sau khi được tẩm hương liệu là công đoạn đóng gói. Điểm đáng chú ý là tất cả các khâu đều được làm bằng tay mà không có găng bảo quản. khi đóng gói, để tạo độ phồng cho túi khăn, công nhân trực tiếp lấy hơi mình thổi vào rồi dập miệng túi lại. 

Có  thể gây bệnh da liễu khó  chữa 

TS Nguyễn Thị Xuân, một chuyên gia nghiên cứu hóa sinh cho biết: “Khăn lạnh làm với công nghệ như trên sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại cho người sử dụng’. 

TS Xuân phân tích: Việc dùng nhiều hóa chất cho khăn lạnh, sau đó người dùng có thể lấy để lau tay, thậm chí lau mặt. Việc này khiến các hóa chất thâm nhập vào da, khiến da nổi mẩn, nổi mụn (nhất là da nhạy cảm). Đặc biệt, hóa chất trong khăn khiến lớp chất nhờn bảo vệ da bị bào mòn, khiến da trở nên khô rát, tạo điều kiện cho hóa chất thấm sâu hơn. 

“Nếu dùng lâu loại khăn không được đảm bảo chất lượng này thường xuyên có thể gây các bệnh da liễu khó chữa, thậm chí ung thư da”, TS Xuân nói. 

Chưa hết, theo TS Xuân, việc đóng gói không qua tiệt trùng, người công nhân thổi hơi trực tiếp từ miệng mình vào túi bóng rồi đạp kín lại có thể là nguyên nhân lây các bệnh nếu người đóng gói đang có bệnh. Bản than người đóng gói, làm ra khăn lạnh cũng bị độc hại nếu làm như thế này. 

“Vì vậy tốt nhất không nên dùng khăn lạnh. Trước và sau khi ăn có thể rửa tay với nước. Trong trường hợp phải dùng thì không nên lau mặt, lau tay xong không nên sử dụng các thực phẩm phải dùng tay để ăn”, TS Xuân khuyến cáo. 

Ngọc Anh
Chia sẻ