Đau lòng cái chết của bé trai 5 tháng tuổi bị mẹ ruột cắt cổ

Lê Hồng Nhung; Ảnh: Dương Winamp,
Chia sẻ

Các nhân chứng cho biết chính người mẹ trẻ đã đâm xuyên con dao qua ngực và cắt cổ đứa con 5 tháng tuổi. Đằng sau vụ thảm án thương tâm này là một bi kịch...

Ngày 16/03, các cơ quan báo chí đưa tin về vụ việc bé trai 5 tháng tuổi tên là Chu Đình Hoàng tử vong trong tình trạng trên người có nhiều vết cắt, mẹ của cháu là chị Chu Thị Huệ (sinh năm 1982) nhập viện trong tình trạng tương tự. Câu chuyện này gây hoang mang và xôn xao trong dư luận... Được biết, cơ quan công an đã kết luận cháu bé chết do những nhát dao từ người mẹ (thông tin trên báo Pháp luật và Đời sống).

Chúng tôi đã tìm đến thôn Yên Thịnh, thuộc xã Sơn Đà, Ba Vì  - nơi ở của gia đình nạn nhân để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc thương tâm này. 

Đến thôn Yên Thịnh sau khi lễ mai táng cháu Chu Đình Hoàng vừa kết thúc, nỗi tiếc thương và sự bàng hoàng hiện rõ trên từng khuôn mặt những người dân nơi đây. Nhắc đến vụ việc đau lòng này, ai ai cũng xót xa cho số phận đáng thương của cháu Chu Đình Hoàng chưa đầy 5 tháng tuổi. Theo người hàng xóm đã trực tiếp đưa 2 mẹ con chị Huệ vào viện thì bác sĩ đã khẳng định cháu bé chết do nhiều nhát dao đâm vào người. 

Tiếp xúc với chị L.T.S, một hàng xóm cận kề với gia đình nạn nhân và cũng là một trong những người trực tiếp đã đưa cháu Chu Đình Hoàng và chị Chu Thị Huệ đi cấp cứu, chị S. chùi nước mắt, kể về câu chuyện đau lòng của gia đình chị Huệ. 

Chị Chu Thị Huệ và anh Chu Đình Hiệp (sinh năm 1978, bố của cháu Chu Đình Hoàng) kết hôn với nhau đã được 3 năm. Hiếm muộn con cái, hai vợ chồng thường xuyên nhờ thầy, cúng vái, làm lễ cầu con, xin con ở nhiều nơi... Sau một lần sẩy thai, niềm vui cũng đến với gia đình anh chị sau 3 năm mòn mỏi chờ đợi. Vào tháng 10 năm 2011, cháu Chu Đình Hoàng ra đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình thì cũng là lúc chị Chu Thị Huệ bắt đầu có những triệu chứng tâm lý bất bình thường. Cháu Hoàng từ lúc sinh ra chưa hề có được một giọt sữa của mẹ mình, không nhận được sự chăm sóc, vỗ về từ người mẹ bởi chị Huệ dường như trở nên mất nhận thức, thường xuyên có triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh ngay sau khi sinh con. 

Chị Huệ vẫn biết là mình có con trai, có chồng nhưng không cư xử như một người mẹ, người vợ mà ngày ngày chỉ ngồi một chỗ, ánh mắt vô hồn, không nói năng, không làm việc gì, thỉnh thoảng lại gào thét, đập phá đồ đạc. Trong 5 tháng, kể từ khi con trai chào đời, chị đã hai lần lấy dây điện thắt vào cổ con trai của mình nhưng may bố mẹ chồng nghe tiếng khóc thét của cháu Hoàng nên đã kịp thời ngăn cản. Chồng chị là thợ xây, thường xuyên nhận công trình nên không ở nhà nhiều, thế nên vừa chăm cháu vừa canh con dâu không điều dại dột lại vừa làm đồng, nấu cơm ăn nước uống trong nhà… đều đổ dồn lên đôi vai của bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi. Canh con dâu không đến gần cháu mình là việc đã trở thành thói quen của bố mẹ chồng chị Huệ, thế nhưng hai cụ không ngờ được chuyện đau lòng lại xảy ra. 

“Hôm đám cưới em gái của Huệ là Chu Thị Tuyết vào ngày 20 tháng Giêng, Huệ tự dưng nổi khùng lên nói với bao nhiêu người là sẽ giết con mình. Nghe Huệ nói thế, ai cũng bất an và sợ hãi” – cô Chu Thị Xoan, chị gái của chị Huệ kể lại. Thế nhưng, chằng ai ngờ rằng sau lời nói đó không lâu, vào 2 giờ sáng ngày 16 tháng 3 vừa qua, trong lúc nửa đêm, Huệ đã lén bế con trai của mình ra hiên nhà, đặt con mình vào một chiếc rổ lớn, dùng một con dao dài 40cm đâm hai nhát xuyên qua ngực cháu Hoàng, và một nhát cắt sâu vào cổ cháu. Nghe tiếng ré kêu của con, anh Chu Đình Hiệp vội vàng tỉnh giấc, chạy ra hiên nhà thì thấy thảm cảnh xảy ra. Anh vội vàng lấy cành cây ném vào tay vợ mình để làm rơi con dao, hô hoán mọi người và bế con trai đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, gần như đã tử vong tại chỗ. 

Nhà chồng chị Chu Đình Huệ - nơi xảy ra vụ việc thương tâm. 
Đã hai ngày nay, không khí tang thương bao trùm ngôi nhà. Bố mẹ chồng của chị Huệ đau khổ, 
khóc hết nước mắt vừa trách con vừa thương dâu con vừa tiếc thương cháu

Khác với thông tin mà báo chí đã đưa, theo lời kể của chị S. là người đã bế cháu thì chị Huệ không hề có ý định tử tự sau khi đã đâm nhiều nhát dao vào người con trai mình. Trên người chị không có một vế cắt ở đùi nào, bởi quần áo chị không hề bị rách sau đó. Trên đường đưa cháu Hoàng đi cấp cứu, chị Huệ cũng đi cùng. Trên xe, chị liên tục đòi bế con, mọi người xung quanh bảo rằng cháu đang nguy kịch gần tử vong rồi thì chị bảo sống chết gì cũng đưa cho chị bế, rồi gấp chiếc áo khoác của mình giả làm thành con rồi ấp bế vào lòng mà không hề biết gì về chuyện kinh hoàng do chính mình vừa gây ra.

Nguyên nhân một phần do mê tín

Đằng sau câu chuyện thương tâm này nổi cộm lên một vấn đề khiến nhiều người phải giật mình suy ngẫm. Khi chưa sinh con, chị Huệ vốn là một người đảm đang, hiền lành, được nhiều người trong thôn yêu quý. “Sau khi sinh con, Huệ trở nên như người mất hồn, gặp ai là Huệ không chào hỏi như mọi khi nữa mà nhìn chằm chằm vào người đó khiến họ phát sợ. Ở nhà việc tắm giặt, ăn uống của chị Huệ đều do chị em gái, mẹ đẻ lo cho, Huệ dường như quên đi việc chăm sóc bản thân.” – Chị S. xót xa kể lại.

Có nhiều người hỏi rằng tại sao thay vì canh con dâu ngày này qua ngày khác thì gia đình nhà chồng chị Huệ không dành thời gian đó để chữa bệnh thâm thần cho chị ngay sau khi chị có biểu hiện của bệnh?  Chị S. kể rằng anh Hiệp và gia đình nhà chồng Huệ  đã liên tiếp mời thầy từ nhiều nơi về làm lễ, trừ tà, xua ma… với chi phí lên đến 20 – 30 triệu đồng để chữa chạy cho con dâu. Sau mỗi đợt mời thầy làm lễ như thế, cả thôn Yên Thịnh ai cũng hồi hộp chờ kết quả, mong cơ may nào đó chữa được bệnh cho chị Huệ để chị có thể cười nói và chăm sóc con mình. 

Thế nhưng, đã qua nhiều lần làm lễ, bệnh của chị Huệ không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Sau đó, trong thời gian tìm một người thầy khác, anh Hiệp được người dân khuyên nên đưa vợ đến bệnh viện điều trị xem sao thì lúc đó anh mới đưa chị Huệ đến bệnh viên ở Vĩnh Phúc để khám. Sau khi theo dõi triệu chứng và khám thần kinh, bác sĩ đã kết luận chị Huệ đang lâm vào hội chứng trầm cảm sau khi sinh và do không điều trị kịp thời đã dẫn đến chứng loạn tinh thần sau sinh. Bác sĩ nói rằng gia đình đưa chị Huệ đến khám đã muộn và đặc biệt chứng bệnh trầm cảm không phải chữa được trong ngày một ngày hai, phải kết hợp nhiều phương pháp tâm lý nên phải mất một thời gian dài để chị Huệ mới có thể bình phục. 

Thế nhưng, dường như không tin tưởng ở việc điều trị dài ngày ở bệnh viện, sau một tuần điều trị ở khoa tâm thần, anh Hoàng đã dẫn vợ về nhà. Nhiều người nói rằng giá như chồng chị Huệ đưa chị đi khám sớm hơn hoặc giá như anh Hoàng kiên trì cho vợ điều trị ở bệnh viên thì có lẽ sự việc đắng lòng trên đã không xảy ra. Bố ruột của chị Huệ là ông Chu Đình Ngãi cũng có tiền sử bị bệnh tâm thần, ông đã chữa được bệnh ở bệnh viện thị trấn Quỳ Châu.

Lý giải nguyên nhân tại sao gia đình chồng chị Huệ không tin tưởng nhờ y học chữa bệnh tâm thần cho chị, một bác tên là T.V.A trong thôn Yên Thịnh cho hay, gia đình họ nghĩ rằng chị bị thế lực tâm linh nhập vào chứ không tin lắm việc chị bị mắc chứng loạn tinh thần sau sinh. Bởi trong một lần mời thầy về làm lễ, một thầy đã chỉ thẳng vào mặt chị Huệ và hét rằng “Mày là một con ma, mày cút đi!”. Nhà chồng tin điều đó và vẫn hy vọng “đuổi ma” đi khỏi người chị bằng 3 lần làm lễ của thầy như ông thầy đã hẹn.  Không biết phương pháp “chữa bệnh” này có hiệu quả không nhưng rõ ràng hành động đó của ông thầy khiến nhiều người nghi ngại là lại làm bệnh tình của chị càng trầm trọng hơn. Và chưa kịp đến lần làm lễ thứ hai để “đuổi ma”, chị Huệ đã gây ra vụ việc thương tâm trên. 

Thay vì chữa bệnh theo một cách khoa học thì gia đình chồng chị Huệ vẫn còn quá tin ở các phương pháp chữa bệnh mê tín. Và không chỉ ở gia đình nhà chồng chị Huệ, mà rất nhiều người trong thôn Yên Thịnh tin vào điều này. Thậm chí, không ít người cho rằng chị Huệ lâm vào tình trạng như thế là vì gia đình chị Huệ đã không làm lễ “trả con” sau khi làm lễ “xin con” trong ba năm qua (!?). Thật đáng tiếc, khi những quan niệm như thế này vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây, và ở nhiều vùng khác nữa, có lẽ suy nghĩ này vẫn đang còn tồn tại. 

Hội chứng trầm cảm sau sinh, không thể xem thường

Không những báo động về tâm lý mê tín mù quáng của gia đình nhà chồng chị Chu Thị Huệ  cũng như của rất nhiều người ở thôn Yên Thịnh mà vụ việc này còn báo động về một hội chứng bệnh được xem là nghiêm trọng ở các bà mẹ sau khi sinh – Hội chứng trầm cảm sau sinh, nặng hơn nữa là chứng loạn tinh thần sau sinh. 

Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, nơi chị Chu Thị Huệ đang ở phòng tạm giam thuộc khoa Tâm thần

Trong thời gian mang thai, ngoài việc chịu áp lực của việc hiếm muộn, lại từng có tiền sử sảy thai và chồng của chị, anh Chu Đình Hiệp thường xuyên vắng nhà trong thời gian chị mang thai có lẽ là một trong những nguyên nhân đã khiến chị mắc phải hội chứng trầm cảm sau khi sinh. Khi sinh, chị Huệ chuyển dạ cũng khó khăn, phải đẻ mổ nên phần nào ảnh hưởng đến đến tâm lý, tinh thần của chị. 

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng việc làm lễ “cầu con”, “xin con”… trước đó của gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý của chị, khiến chị chịu nhiều áp lực. Thật xót xa cho tình cảnh của chị Huệ khi không những không được hưởng niềm vui khi đứa con của mình lọt lòng, không được gần gũi con thì nay lại phải mãi mãi chia lìa với đứa con mình dứt ruột đẻ ra, đến khi nhận thức được chính tay mình đã giết chết con, chị sẽ ra sao? 

Hiện giờ chị đang ở khoa tâm thần Bệnh viên đa khoa Sơn Tây, người ta lo ngại rằng có lẽ chứng bệnh của chị sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi được...
Chia sẻ