Đến Trung Quốc tham quan làng… Tây nhái

Huyền Trang, nguồn reuters,
Chia sẻ

Trung Quốc nổi tiếng với khả năng sao chép trong nhiều lĩnh vực: mỹ phẩm, đồ hiệu, đồ điện tử… Nhưng “nhái” nguyên một ngôi làng của Châu Âu thì là điều hiếm thấy.

Việc sao chép các sản phẩm đã có từ trước của người Trung Quốc thường bị các nước khác lên án vì làm mất đi chất lượng của món đồ gốc, là một sự “bắt chước” kém cỏi. Tuy vậy, đối với người Trung Quốc, tính "đích thực" của một đồ vật không mấy hệ trọng và việc sao chép được coi trọng không thua kém gì tìm tòi ra cái mới.

Sản xuất hàng nhái là một lĩnh vực công nghiệp rất mạnh ở Trung Quốc, có tới 80% sản phẩm nhái tiêu thụ trên thế giới này có nguồn gốc Trung Quốc.

Thời gian gần đây, người Trung Quốc còn thể hiện khả năng “nhái” của mình bằng việc bỏ ra hàng triệu đô để xây dựng bản sao các địa danh nổi tiếng ở phương Tây, với mục đích thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư bất động sản.
 
Ngôi làng Hallstatt (Áo)
 



Hình ảnh thơ mộng về làng cổ Hallstatt (Áo).

Hallsatt (Áo) là một làng cổ nhỏ với 800 hộ dân, được UNESCO Hallsatt công nhận di sản thế giới từ năm 1997 bởi giá trị kiến trúc đặc sắc cũng như những phát hiện khảo cổ thời đại đồ sắt vốn được các nhà khoa học thừa nhận từ hàng trăm năm nay.
 
Mới đây một công ty Trung Quốc đã quyết định bỏ ra tới 940 triệu USD để xây dựng bản sao của ngôi làng nổi tiếng này ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông.
 

Ngôi làng Hallstatt “nhái” tại Quảng Đông, Trung Quốc.

Tập đoàn địa ốc Minmetals Land cho sao nguyên bản làng quê Áo cổ kính kia và bán cho những người lắm tiền nhiều của với giá 9.000 NDT cho mỗi mét vuông căn hộ (khoảng 30 triệu đồng).
 

Quán café ngoài trời, ban công với những dây hoa rủ là nét
thường thấy ở các thành phố cổ Châu Âu.

Khi dự án này được công bố vào năm ngoái, những người dân tại Hallstatt tỏ ra rất ngoài nghi về ngôi làng nhái "made in China" này. Nhiều người nổi giận và kiếm tìm các biện pháp tư pháp để chống lại dự án trên, nhưng rồi họ cũng chấp nhận và xem như đó là một hình thức quảng cáo hữu hiệu cho "bản gốc".
 


 



Một số hình ảnh về ngôi làng Hallstatt “nhái”.

Bằng chứng là vào năm 2005, chỉ có chừng 50 người Trung Quốc trong số hàng trăm nghìn du khách tới thăm Hallstatt. Nhưng kể từ khi dự án "làng copy" được khởi công thì đã có thêm hàng nghìn du khách người Trung Quốc tới khám phá "làng nguyên tác" và đem lại thêm nguồn thu du lịch đáng kể cho làng quê này.
 
Thành phố Florence (Ý)
 
Florence là một trong những thành phố thu hút lượng khách tham quan hàng năm lớn nhất tại Ý. Những mái nhà, quảng trường, nhà thờ cổ kính cùng nhiều bảo tàng lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật có giá trị vào hàng bậc nhất thời Phục Hưng đã làm nên nét quyến rũ của thành phố nhỏ này.


Thành phố Florence về đêm.

Ta có thể bắt gặp các bức tượng được điêu khắc cầu kỳ ở
khắp mọi nơi trong thành phố Florence.

Florentia Village, một ngôi làng copy phong cách kiến trúc tại Florence cũng đã mọc lên tại Thiên Tân, Trung Quốc. Người ta đã bỏ ra 220 triệu USD để xây dựng ngôi làng nhái này trên diện tích 200.000 km vuông. 


Con kênh bắc qua sông nhân tạo tại Florentina Village.




Những đường nét kiến trúc theo phong cách đấu trường Colosseum.


Lá cờ Trung Quốc bên những ngôi nhà theo phong cách Châu Âu.


Du khách chụp ảnh tại trung tâm mua sắm “made in China”.


Lối đi bộ lát đá đặc trưng của Châu Âu.

Tại đây khách du lịch có thể bắt gặp những công trình kiến trúc mang đậm phong cách Ý và thành phố Florence cổ kính từ cây cầu, những tòa nhà cho tới lối đi bộ. Một công trình mô phỏng đấu Colosseum ở Rome cũng được tái hiện.
 
Và những công trình khác
 
Tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) cho biết tại ngoại ô Thượng Hải có rất nhiều làng quê copy nguyên bản từ làng kiểu Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bắc Âu đến Pháp…. Tại thành phố Thiên Tân, người ta cho xây dựng hàng loạt công trình sao chép y nguyên các kiến trúc châu Âu cổ như cầu Alexandre III, đại lộ Libération với những tòa nhà y hệt Paris đầu thế kỷ 20.


Có vẻ như xây dựng công trình Tây “made in China” đang trở thành “mốt”.

Dù vậy có thể thấy rằng, một ngôi làng được xếp hàng di sản không chỉ đơn thuần bởi những đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng tinh thần dân tộc bên trong không thể sao chép được.
 
Làng quê "dỏm" với hồ nhân tạo ở tỉnh Quảng Đông dưới không khí nóng ẩm miền nhiệt đới không thể đem lại cảm giác như làng quê cổ kính nằm trên triền núi ở nước Áo xa xôi. Tuy nhiên, những ngôi làng “nhái” này lại đáp ứng nhu cầu tham quan “ngon bổ rẻ” của một lượng không nhỏ khách du lịch.
Chia sẻ