Đi chợ phiên vùng quê

Thái Bình, Duy Trọng,
Chia sẻ

Tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, nhất là Bắc Kinh, những ngôi chợ truyền thống ngày càng ít đi để nhường chỗ cho siêu thị hay bán hàng thương mại điện tử.

Chợ phiên thôn Hàn Thôn Hà, Phòng Sơn, ngoại ô Bắc Kinh, thường họp tại khu vực giao của nhiều khu dân cư. Chợ luôn đông nghẹt. Chị Lưu Đào - một người chuyên livestream trên nền tảng Douyin (phiên bản nội địa của Tiktok) say sưa livestream với khán giả về những nét quê của chợ. Lượng người xem rất đông vì hiếu kỳ. Người xem của chị phần lớn là thanh niên.

Chị Lưu Đào cho biết: "Tôi trực tiếp cho khán giả xem những nét văn hóa truyền thống tại chợ, những món ăn làm thủ công, những món ăn từ lâu đời để mọi người cảm nhận được nhiều điều thú vị về Tết truyền thống, về cách sống của người dân vùng nông thôn trước đây".

Chợ phiên thường họp vào những ngày cuối tuần và xuyên lễ Tết. Đa phần người bán là nông dân các địa phương lân cận. Người dân mang những sản phẩm mà mình gieo trồng ra chợ để bán bởi không qua nhiều trung gian nên giá cả thường rẻ hơn nhiều, hàng hóa lại tươi. Khi thương mại điện tử len lỏi vào tận các hang cùng ngõ hẻm, thói quen đi chợ ngày càng ít đi. Đó cũng là lý do mà nhiều địa phương vùng ngoại ô các thành phố lớn duy trì các ngôi chợ phiên.

Đi chợ phiên vùng quê - Ảnh 1.

Giữa thời thương mại điện tử phát triển như vũ bão, những ngôi chợ quê như thế này vẫn có một sức sống. (Ảnh: CNN)

Chị Ngô Thúy, người dân Bắc Kinh, chia sẻ: "Tôi thấy khác xa so với mua hàng trên mạng. Mình đến tại chỗ mua, mình nói chuyện với người bán, tận mắt nhìn món đồ nên cảm nhận thú vị hơn".

Ông Trịnh Điển, Trưởng thôn Hàn Thôn Hà, Phòng Sơn, Bắc Kinh, vui vẻ nói: "Hàng thật, đồ thật thật, có thể sờ mó có thể ăn thử. Mua quần áo thì thử, mua đồ ăn thì nếm để mình cảm nhận mùi Tết, đó là lý do chúng tôi duy trì các phiên chợ quê".

Chợ phiên cũng giúp nhiều người dân vùng quê tăng thu nhập. Cách bán hàng, rao hàng cũng chân phương, mộc mạc. Vì thế, chợ cũng là địa điểm thu hút khách du lịch. Chợ quê lưu giữ ký ức nhờ vậy vẫn có sức sống dẫu biết bao đổi thay của thời cuộc. Và giờ người đi chợ không chỉ là dân quê mà có rất nhiều dân thành thị đến với chợ.

Giữa thời thương mại điện tử phát triển như vũ bão, những ngôi chợ quê như thế này vẫn có một sức sống vì nó là ký ức. Người đi chợ mua được nhiều thứ hàng hóa xưa cũ, giá rẻ, thuận tiện. Người đi chợ không chỉ để mua hàng.

Chia sẻ