Dở khóc dở cười chuyện ông bà đi chăm cháu

,
Chia sẻ

Chăm cháu, mẹ chồng chị Hiên nêu ra hàng loạt những điều “phạm” vì con chị sinh vào giờ “kim sà” và đặt ra vô số các điều mà phải tuân theo.

“Bị ép” đi trông cháu

Mẹ chồng chị Hiên lại bị “ép” đi chăm cháu. Tính bà ham vui, theo bạn bè đi đình chùa, lễ lạt ở khắp mọi nơi. Đến khi con dâu sinh đứa cháu đích tôn, vợ chồng chị ngỏ ý nhờ bà trông cháu, bà giao hẹn trước: “Hôm nào có lễ, bà sẽ không trông đâu nhé”.

Chiều chồng, chị Hiên vẫn gật đầu. Khổ nỗi, bà đi lễ nên rất tín, suốt ngày tụng kinh gõ mõ, để mặc cháu tha thẩn một mình. Rồi bà nêu ra hàng loạt những điều “phạm” vì con chị sinh vào giờ “kim sà” và đặt ra vô số các điều mà phải tuân theo.

Sợ nhất là cứ đang ngày giữa tuần, bà có bạn rủ đi lễ là một hai bà trả lại con cho hai vợ chồng: “Việc tao tao phải đi chứ”. Công việc thì bận rộn, hai vợ chồng chị phải thay nhau xin nghỉ phép, xin nghỉ không lương để trông con. Cực chẳng đã, còn phải tích cực nhờ người thân bạn bè tìm người giúp việc.

Tự túc là hạnh phúc

Tuyên ngôn của vợ anh Hưng là “Nhất quyết thuê người giúp việc”. Vì bài học xương máu chị đã đực học từ mẹ chồng. Từ ngày sinh bé Bi, bà nội ở nhà rỗi rãi nên chị nhờ bà lên trông giúp. Vốn không hợp với mẹ chồng, chị hay bị bà nói bóng gió, mát mẻ. “Mẹ nó hôm nào chẳng tối mò mới về. Có ôsin nội xịn đây rồi. Phải “tăng lương” cho ô sin này thôi”.

Có nhiều câu cũng làm vợ anh Hưng khó chịu lắm, nhưng chị cố nuốt vào trong. Ấy là chưa kể, từ ngày bà lên ở cùng, bà hay tham gia vào việc sắp xếp đồ đạc trong nhà, cái gì ở đâu. Nhiều khi, chị Liên cảm thấy mình mới là người đi ở nhờ. Mặt mũi lúc nào cũng phải tươi cười, không lại làm phật ý mẹ chồng.

Chưa kể, ai đến chơi, bà cũng kể chuyện chăm cháu vất vả như thế nào, bố mẹ nó thì sung sướng, chẳng phải động tay động chân vào việc gì. Cứ đà này, có sinh đứa nữa, chị Liên cũng nhất quyết chẳng dám nhờ vả gì. Tự túc là hạnh phúc!
 
Nhiều gia đình trẻ hiện nay nhờ cậy ông bà trông cháu giúp!

Chăm cháu nội hay cháu ngoại hay chăm ông?

Ngày nào, cậu con trai cũng gọi điện về nhắc mẹ: “Mẹ nhớ thu xếp công việc, khi nào nhà con sinh là mẹ có mặt ngay nhé”. “Yên tâm, lúc nào cháu mẹ ra đời, mẹ sẽ lên luôn”.

Còn bà Thi thì đang lấn bấn: “Con dâu và con gái lại sinh cùng đợt. Ai cũng muốn tôi bế con cho chúng nó vài tháng. Cũng chẳng biết phải xử lý thế nào. Bế cháu nội thì thương con gái”. Về sau, bà quyết định cứ một tuần bế cháu nội, một tuần bế cháu ngoại cho công bằng. Con nào mà chả là con.

Đấy là chưa kể, bà lên trông cháu, còn ông ở nhà cơm nước ra sao? Nhưng bà nghe kể, trên Hà Nội thuê người giúp việc trả công cao mà lại không yên tâm nên cũng thương con lắm, chẳng biết nên làm như thế nào.

Bận rộn với công việc, thời gian nghỉ sinh đẻ có hạn, nhiều áp lực trong cuộc sống, lại khó tìm được người giúp việc như mong muốn…là những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ quyết định mang cháu đến nhờ ông bà trông nom giúp. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi chuyện cũng xuôi chèo mát mái.

Để tránh những phiền hà không đáng tiếc xảy ra, trước hết, ông bà hãy coi việc chăm cháu không phải là ghánh nặng hay nghĩa vụ mà là một niềm vui của tuổi già. Sống cả đời vất vả, đến cuối đời có được những đứa cháu ngoan ngoãn và xinh xắn để bế bồng, nghe chúng bi ba bi bô gọi ông. Thế là hạnh phúc lắm rồi.

Còn những con dâu con rể, con trai con gái, nếu ở cùng với ông bà, hãy bỏ qua việc xét nét mọi chuyện để êm ấm cửa nhà. Dù ông bà có làm gì đi chăng nữa, cũng chẳng qua là vì ông bà thương con thương cháu mà thôi!

Quốc Bảo
(Tổng hợp)
Chia sẻ