Đoạn nhũ: phương pháp dự phòng ung thư vú mà nhiều người chưa biết

Gia Hân,
Chia sẻ

Đoạn nhũ phòng ngừa là phương pháp có thể giúp người bị ung thư vú giữ được bộ ngực mà vẫn điều trị tốt căn bệnh ung thư vú.

Giữ được bộ ngực mà vẫn điều trị tốt căn bệnh ung thư vú là điều mơ ước từ lâu của phụ nữ bị bệnh cũng như của các thầy thuốc. Đoạn nhũ phòng ngừa là phương pháp có thể đáp ứng được mong muốn này. 

Phương pháp này không những giúp phòng ngừa bệnh mà còn có thể khắc phục bằng cách tái tạo vú nên đem lại nhiều hy vọng cho những phụ nữ không may mắc bẹnh ung thư vú.

Khỏi bệnh lại giữ được “núi đôi”

Ung thư vú là bệnh chiếm tỷ lệ cao ở phụ nữ. Ở phương Tây mỗi năm có 130/100.000 người bị ung thư vú. Trong khi đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy ung thư vú là bệnh đứng đầu trong danh sách những bệnh ung thư ở phụ nữ Việt Nam.

PGS.TS Trần Văn Thiệp, Trưởng bộ môn Ung thư (ĐH Y dược TP HCM), Trưởng khoa phẫu thuật vú (BV Ung bướu TP HCM) cho hay, điều trị phẫu thuật ung thư vú có 3 loại: Đoạn vú (cắt vú); đoạn nhũ tiết kiệm da (tái tạo vú) và cắt một phần vú (phẫu thuật bảo tồn). Đoạn nhũ là cắt tất cả mô vú và da trên cả quầng vú và núm vú. Đoạn nhũ tiết kiệm da là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô vú và chừa lại nhiều da trên vú để tái tạo lại vú được dễ dàng. Phẫu thuật bảo tồn vú chỉ cắt một phần mô vú mang bướu và chỉ tái tạo lại một phần khuyết hổng này, phẫu thuật này cần xạ trị vào vú sau mổ để tránh tái phát.

Phương pháp đoạn nhũ tiết kiệm da và tái tạo vú có lợi điểm là bảo đảm được điều trị về mặt ung thư mà không bị mất hình dáng của núi đôi. Điều này giúp cho người bệnh ổn định về tâm lý và phấn khởi khi điều trị, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho các trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm (GĐ 0,1 và 2) và dành cho các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt vì quá trình mổ mất khá nhiều thời gian (trung bình từ 4-5 tiếng).

“Đoạn nhũ phòng ngừa gần đây được ưa chuộng vì có thể tái tạo vú nên bệnh nhân không bị mất hình dạng của núi đôi và yên tâm hơn. Tuy nhiên loại phẫu thuật này không nên chỉ định rộng rãi mà phải dành cho các trường hợp có nguy cơ rất cao có thể xảy ra loại ung thư này như có mẹ, dì ruột, chị em ruột bị ung thư vú và có xét nghiệm bị đột biến gen gây ra ung thư vú (BRCA1, BRCA2)” – PGS.TS Thiệp khuyên.

Theo các chuyên gia, một phụ nữ mang gen BRCA1 hay BRCA2 có nguy cơ bị ung thư vú đến 80%. BRCA1 và BRCA2 là gen sản xuất ra protein đè nén bướu. Những protein này sửa chữa những ADN bị tổn thương và qua đó giúp duy trì sự ổn định của di truyền tế bào. Khi những gen này bị đột biến, các protein tương ứng sẽ không được tạo ra hay không hoạt động hiệu quả khiến các tổn thương của ADN sẽ không được sửa chữa đúng. Hậu quả là các tế bào sẽ có khả năng bị biến đổi di truyền dẫn đến ung thư vú.
 
Việc điều trị ung thư vú tùy thuộc vào từng giai đoạn phát hiện, tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn sớm bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt u và vẫn sẽ được bảo tồn vú. Giai đoạn muộn hơn, cần phải phẫu thuật cắt bỏ vú và nạo hạch. Nếu khối u đã di căn quá xa thì phải dùng biện pháp hóa trị, xạ trị.

Đoạn nhũ: phương pháp dự phòng ung thư vú mà nhiều người chưa biết 1
Đoạn nhũ phòng ngừa là phương pháp có thể giúp người bị ung thư vú giữ được bộ ngực mà vẫn điều trị tốt căn bệnh ung thư vú. Ảnh minh họa

Tự khám vú dự phòng

Theo PGS.TS Thiệp, trong những thập niên gần đây, việc điều trị ung thư vú ở nước ta đã có rất nhiều tiến bộ do việc phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân. Kết quả sống còn phụ thuộc theo giai đoạn: GD 0 sống 5 năm 100%; GĐ1,2 sống 5năm là 98% và 76% (số liệu năm 2002). Đến năm 2014 ti lệ này là 100% và 93%. 

Đoạn nhũ là một trong những loại phẫu thuật kỹ thuật cao nên chi phí tương đối tốn kém. Ở nước ngoài, chi phí cho phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da và tái tạo vú khoảng 45 ngàn đô la Mỹ. Ở Việt Nam, chi phí thấp hơn nhiều, khoảng 20 triệu đồng. 

Có nhiều kế hoạch phòng ngừa ung thư vú đối với phụ nữ có nguy cơ cao như tầm soát để phát hiện sớm, dùng thuốc để làm giảm nguy cơ ung thư vú và đoạn nhũ phòng ngừa là biện pháp tích cực và tốn kém hơn. 

Để phòng tránh bệnh ung thư vú, các chuyên gia khuyến cáo, chị em phụ nữ có thể bắt đầu tự khám vú từ 25 tuổi mỗi tháng một lần sau khi sạch kinh vài ngày với mục đích tự phát hiện ra các thay đổi bất thường trong vú và đến khám các bác sỹ chuyên khoa. Phụ nữ trên 50 tuổi nên khám sức khoẻ định kỳ mỗi năm một lần, trong đó phải có khám tuyến vú. Khi cần thiết, bác sỹ sẽ đề nghị chụp nhũ ảnh để phát hiện các tổn thương nghi ngờ. Siêu âm cũng có thể phải làm để xác định khối u nang nước hay mô đặc mà có thể là ung thư.

Cách tự kiểm tra phát hiện khối u

Phụ nữ nên tự khám ngực mình lúc nào sạch kinh, nếu đã mãn kinh thì khám hằng tháng. Có thể thực hiện như sau:

- Đứng trước gương, ở trần, tay buông xuôi hai bên hông, rồi đổi tư thế: hai tay để phía sau mông, nghiêng nhẹ người tới trước. Quan sát cả 2 vú tìm xem có sự thay đổi nào về kích thước của vú (một bên lớn hơn thường lệ hoặc teo nhỏ lại) và núm vú (kéo lệch thụt vào). Ấn nhẹ núm vú xem có máu hoặc chất dịch tươm ra ở đầu vú không.

- Nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, tay phải để sau ót, dùng các ngón tay trái (bàn tay xòe thẳng), nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu từ phần trên, rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm một cục u. Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại. Nên tránh bóp tuyến vú giữa 2 ngón tay vì sẽ có cảm giác “bướu giả”.
Chia sẻ