Đủ phương kế ứng phó với "bão giá gas"

Theo VEF,
Chia sẻ

Trước tình hình giá gas tăng chóng mặt, nhiều người tiêu dùng đã phải đau đầu nghĩ ra nhiều chiêu để tiết kiệm gas, hoặc thay thế bếp gas bằng những loại bếp khác.

Gas nhảy giá chóng mặt

Từ ngày 1/3, sau nhiều lần liên tiếp tăng giá, các doanh nghiệp gas lại đồng loạt tăng giá. Saigon Petro sẽ tăng giá gas thêm 4.333 đồng/kg, tức tăng 52 nghìn đồng/bình 12kg. Không chỉ Saigon Petro, nhiều đại lý gas khác tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã rục rịch tăng giá bán lẻ kể từ ngày 1/3, với mức tăng từ 40-48 nghìn đồng/bình 12 kg tùy hãng.

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, giá gas đã tăng giá 4 lần. Cụ thể, vào ngày 1/1, giá gas đã tăng thêm 24.000 đồng/bình. Tiếp đến, ngày 5/1, giá bán lẻ của nhiên liệu này lại được điều chỉnh tăng lên 8.000 đồng/bình do thuế nhập khẩu tăng từ 2% lên 5%. Đầu tháng 2, mỗi bình gas 12kg đã tăng tới 42.000 đồng. Tiếp đà tăng này, đến đầu tháng 3 giá bán lẻ mặt hàng này đã tăng tốc thêm đến 52 nghìn đồng/bình.

Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ mặt hàng này đã tăng thêm đến 126 nghìn đồng/bình. Hiện giá mỗi bình gas tại cửa hàng bán lẻ đang được bán ở mức 477 nghìn đồng/bình 12 kg.

Theo thống kê, trong năm 2011 đã có rất nhiều đợt tăng giá gas. Các đợt tăng giá gas trong năm 2011 cộng với 4 lần liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2012 đã đẩy giá gas tại Việt Nam lên một mức kỷ lục.


Không chỉ gas tăng giá, mà các mặt hàng khác cũng đua nhau tăng giá. Theo nhận định của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tháng 3 vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá. Cụ thể, dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác. Áp lực tăng giá xăng dầu, giá bán than tăng 10% từ 25/2 cũng gây áp lực đầu vào cho những ngành phân bón, giấy, xi măng...

"Quay lưng" với bếp gas

Giá gas và nhiều mặt hàng khác liên tục tăng khiến người tiêu dùng ngày thêm khốn khó. Trước tình hình giá nhiên liệu này tăng cao từng ngày, các bà nội trợ đã phải đau đầu nghĩ ra hàng loạt phương án để ứng phó.

Nhiều người đã buộc lòng "quay lưng" với sản phẩm tiện ích này mà chuyển sang dùng các loại bếp khác để thay thế. Biện pháp phổ thông nhất là "tậu" thêm bếp than tổ ong bổ sung vào gian bếp của gia đình mình. Chị Lê Thị Thiết (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) than thở: "Từ ngày gas lên 400.000 đồng 1 bình, gia đình tôi buộc lòng phải mua thêm một cái bếp than tổ ong đặt ở đầu hồi nhà để nấu nướng. Vẫn biết rằng dùng bếp than tổ ong không tiện, không sạch, mùi than lại độc hại, nhưng vì rẻ hơn nên gia đình vẫn chấp nhận dùng. Gia đình tôi đông người, nếu dùng bếp gas thì 1 tháng lại phải thay 1 bình gas, mà kinh tế nhà tôi cũng không lấy gì làm khá giả. Dùng than tổ ong, mỗi tháng cũng tiết kiệm được 1 khoản chi phí đáng kể".

Cô Trần Thị Lý (huyện Củ Chi, TP.HCM) tâm sự: "Từ Tết ra, nhà tôi chỉ dùng bếp gas để nấu nướng những thứ đơn giản. Còn việc ninh xương, nấu cháo, đun nước tắm... sẽ chuyển tất sang bếp than tổ ong".

Những người bắt buộc phải "trung thành" với bếp gas thì "đau đầu" lên phương án tiết kiệm gas tối đa. Chị Nguyễn Thị Thơm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, HN) cho biết: "Nhà tôi nhỏ, lại có mẹ già và con nhỏ nên không dùng được bếp than mà vẫn phải dùng bếp gas. Nhưng giá gas ngày càng tăng chóng mặt, vì thế bây giờ gia đình tôi phải tìm cách tiết kiệm gas tối đa. Tôi đã hạn chế nấu những món lâu chín như chiên, hầm. Tôi cũng đã biết cách tranh thủ nồi cơm điện khi đèn vừa chuyển sang chế độ hâm nóng để hấp thức ăn. Ngoài ra, gia đình tôi còn trang bị thêm thiết bị tiết kiệm gas, đóng van gas khi không dùng bếp".

Còn chị Nguyễn Thị Lan (quận 12, TP.HCM) thì lại "bật mí" cách tiết kiệm nghe ra có vẻ... đau lòng: "Kinh tế 2 vợ chồng là công chức vốn đã eo hẹp, giờ phải lo cho mẹ già và đứa con nhỏ nên càng chật vật. Từ năm ngoái, khi gas tăng giá cao, nhiều hôm nhà tôi đã áp dụng phương án nấu một lần ăn... cả ngày. Tuy thức ăn không hâm lại ăn không được ngon nhưng cũng đành chấp nhập khi "bão giá gas" đang hành hoành".

Giới công chức, sinh viên và nhiều tầng lớp lao động khác lại tìm cách đối phó với giá gas tăng bằng cách đun nấu chung. Tại nhiều khu tập thể, xóm trọ tập trung, nhiều người đã sắm chung một bếp lò để dùng hàng ngày. Chị Thu Hương (Định Công, Hà Nội) cho biết: "Khi có thông tin giá gas tăng cao, dãy trọ của tôi đã mua chung 1 cái bếp than để nấu nướng. Mặc dù toàn người đi làm, nhưng chúng tôi đều cố gắng cử người ủ than để nấu nướng. Từ ngày có bếp than, khoản nấu nước tắm rất thoải mái, lại đỡ tốn điện".

Trước tình hình gas tăng giá, nhiều sinh viên nghĩ cách tụ tập nấu ăn chung. Nam Anh (SV ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Từ Tết ra, giá gas tăng, giá thực phẩm cũng tăng, mấy phòng ở khu trọ của em thống nhất tụ tập nấu ăn tại một phòng. Cách này tuy có bất tiện nhưng được cái đỡ tốn tiền".

Bếp từ được nhiều người lựa chọn để thay thế bếp gas.

Những người có tiền thì chuyển sang dùng bếp từ, bếp điện cho an toàn và tiện lợi. Anh Thành Long, một người có kinh nghiệm sử dụng bếp từ đã vài năm nay, cho biết: "Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ dùng bếp gas rẻ hơn nhiều so với bếp từ nhưng thực ra chi phí bếp gas cũng khá cao. Với gia đình nấu ăn thường xuyên, nếu một bình gas hơn 400.000 đồng dùng được trung bình một tháng. Nếu dùng bếp từ thì chi phí thấp hơn hoặc cùng lắm là bằng. Bếp từ có nguy cơ cháy nổ thấp, đun nấu nhanh, nhiệt không tản ra ngoài bề mặt nên tiết kiệm được nhiệt năng, không bị nóng".

Tại khu vực ngoại thành, trước đây, giá gas vẫn trong ngưỡng chấp nhận được cho nên nhiều gia đình đã bỏ bếp than, bếp củi, bếp rơm để chuyển sang dùng bếp gas. Đến nay, khi giá gas tăng cao ngất ngưởng, nhiều người lại rủ nhau mua than, mua củi về đun nấu. Ông Nguyễn Văn Xuân (Sông Công, Ứng Hòa, Hà Nội), cho biết: "Từ khi gas tăng hơn 400.000 đồng/ bình, nhiều hộ gia đình công chức và người dân khá giả trong xã đã quay lại xây lò, chuyển sang đun bếp củi thay cho bếp gas".

Chia sẻ