Đưa con gái đi khám thai cùng, bé bỗng nói 1 câu khiến bác sĩ giật mình, người mẹ thì vừa tức giận vừa đau khổ

Tú Cầu,
Chia sẻ

Qua tình huống đột nhiên phát sinh ấy, cô Lưu đã nhận ra thiếu sót lớn của bản thân trong việc xử lý sớm mối quan hệ của hai đứa trẻ.

Một trong những suy nghĩ của cha mẹ khi sinh con thứ hai là muốn các con có thêm anh chị em. Nhờ đó hai con sẽ hỗ trợ, nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và cả sau này khi cha mẹ không còn nữa. Vẫn biết mục đích của cha mẹ là tốt đẹp nhưng nếu cha mẹ không để ý đến cảm xúc của con lớn thì nhiều khi sự việc lại chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.

Bà mẹ họ Lưu (Trung Quốc) đã có một cô con gái đầu lòng lên 4 tuổi và cô đang mang thai đứa con thứ hai. Mới đây cô đưa con gái cùng đi khám thai vì chồng cô vắng nhà. Quá trình khám thai diễn ra suôn sẻ, em bé không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên bác sĩ nói có một chút vấn đề nhỏ.

Cô Lưu lo lắng lập tức hỏi bác sĩ về sức khỏe của thai nhi, khi bác sĩ chưa kịp trả lời thì con gái 4 tuổi đứng bên cạnh đột nhiên thốt lên: "Con mong em bé không khỏe mạnh. Tốt nhất là đừng ra đời!". Câu nói ngây thơ của đứa trẻ khiến bác sĩ giật mình còn người mẹ vừa tức giận vừa đau khổ.

Con gái 4 tuổi đi khám thai cùng mẹ, bé bỗng nói 1 câu khiến bác sĩ giật mình còn người mẹ thì vừa tức giận vừa đau khổ - Ảnh 1.

Sau khi được mẹ dỗ dành, cảm xúc của bé gái được xoa dịu, bé cũng nín khóc. (Ảnh minh họa)

Không kiềm chế được sự tức giận trong lòng, cô Lưu mắng con rồi giơ tay tát bé 1 cái. Vợ chồng cô đều rất mong mỏi đứa con này và ai cũng kiêng kỵ những lời nói không may mắn. Do đó câu nói của con gái khiến cô rất khó chịu đồng thời khổ sở khi mà chị em trong nhà lại không yêu thương nhau.

Con gái của cô Lưu khóc nấc lên trả lời: "Ai cũng bảo mẹ sinh em trai sẽ không quan tâm đến con nữa. Nên con không muốn mẹ sinh em bé!". Cô Lưu nghe xong vội vàng vuốt ve má con, dịu giọng xin lỗi bé: "Mẹ xin lỗi vì đã đánh con. Mọi người đều nói sai, con đừng nghe họ nói. Dù có thêm em bé thì bố mẹ vẫn yêu con như trước. Mẹ hứa đấy".

Sau khi được mẹ dỗ dành, cảm xúc của bé gái được xoa dịu, bé cũng nín khóc. Nhưng qua tình huống đột nhiên phát sinh ấy, cô Lưu đã nhận ra thiếu sót lớn của bản thân trong việc xử lý sớm mối quan hệ của hai đứa trẻ.

Việc có thêm thành viên trong nhà không chỉ khiến cuộc sống của các bậc cha mẹ có sự thay đổi lớn mà còn khiến đứa con đầu cũng chịu ảnh hưởng. Bé phải san sẻ tình yêu thương của cha mẹ cho em, trong khi trước đó một mình bé độc chiếm. Đồ chơi, đồ ăn, đồ dùng trong nhà cũng sẽ là của hai người trong khi trước đó chỉ mình bé sở hữu. Đối với người lớn, những điều đó dường như không phải chuyện gì to tát nhưng đối với một đứa trẻ thì đó là cả thế giới của chúng.

Cha mẹ cần làm gì trước khi sinh con thứ hai?

Để con lớn hào hứng hơn với sự ra đời của em bé, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý cho con, đồng thời khơi gợi ở con tình yêu thương dành cho em nhỏ sắp chào đời:

- Chú ý khoảng cách giữa hai con: Tuổi của hai đứa trẻ nên cách nhau một khoảng thời gian nhất định thì tốt hơn. Nếu sinh thêm con trong khi con lớn mới 1, 2 tuổi, bé rất dễ ghen tị với em và sẽ nhõng nhẽo, mè nheo khiến mẹ khó lòng xoay xở. Khi bé lớn được 3 tuổi, trẻ đã dần tách mẹ nên không còn quá sốc với việc có em. Đó sẽ thời gian phù hợp để gia đình đón thêm một thành viên mới.

Con gái 4 tuổi đi khám thai cùng mẹ, bé bỗng nói 1 câu khiến bác sĩ giật mình còn người mẹ thì vừa tức giận vừa đau khổ - Ảnh 2.

- Hỏi ý kiến con lớn: Khi lên kế hoạch sinh đứa con thứ hai, cha mẹ nhớ hỏi ý kiến của đứa con lớn nhé. Tất nhiên đó chỉ là một hành động mang tính chất có lệ nhưng qua đó trẻ sẽ thấy bản thân được tôn trọng. Và việc có thêm em là quyết định và ý muốn của đứa trẻ chứ không phải cha mẹ tự ý thực hiện.

- Giúp bé lớn làm quen với em bé từ trong bụng mẹ: Ngay từ khi mang thai, mẹ nên để con lớn làm quen, trò chuyện với em bé trong bụng. Mẹ hãy cho bé lớn sờ tay, áp tai vào bụng để nghe em đạp, hỏi ý kiến bé về việc đặt tên cho em, hỏi bé thích em trai hay em gái. Rồi dặn dò con hãy đối xử dịu dàng với em bé, biết bảo vệ em. Qua đó sẽ dần xây dựng tình cảm giữa 2 đứa trẻ.

Khi người thân, họ hàng, hàng xóm trêu chọc bé sắp bị ra rìa khiến bé nảy sinh tâm lý hoang mang, lo sợ mất tình yêu của mẹ. Nếu lúc ấy mẹ lại tỏ ra không hài lòng và nói: “Con sắp là anh/chị của em rồi. Từ nay phải ngoan lên, không được hư nữa!” thì thật sai lầm. Cách làm đúng là mẹ phải khẳng định cho bé lớn biết rằng, dù con sắp có em nhưng cha mẹ luôn yêu thương con không thay đổi. Khi con yên tâm với vị trí của mình, con sẽ mở lòng đón chào và yêu quý em bé hơn.

Nguồn: Sina, KKNews

Chia sẻ