Đứng cách bệnh nhân cúm A/H1N1 1m cũng có thể bị lây

,
Chia sẻ

Cúm A/H1N1 rất dễ lây nên nếu kéo dài có thể khiến 30% dân số mắc bệnh. Khó cách ly tập trung đông người như vậy, nên việc chủ động phòng bệnh rất quan trọng.

Theo tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các  nghiên cứu cho thấy, bệnh cúm A/H1N1 hiện nay chủ yếu lây truyền qua các giọt nước li ti bắn ra khi hô hấp, nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. “Bất kỳ ai tiếp xúc gần, trong khoảng 1 m, với người có những triệu chứng cúm như sốt, hắt hơi, ho, sổ mũi… cũng đều có nguy cơ nhiễm”, ông Kính nói.

Đeo khẩu trang liên tục bất cứ đâu

Ông Kính cũng cho hay, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định, khi đại dịch cúm A/H1N1 kéo dài, tỷ lệ người nhiễm virus có thể lên đến 30% dân số thế giới, tức khoảng hai tỷ người, khoảng 0,2% dân số bị tử vong, tương đương bốn triệu người. Áp dụng với Việt Nam, nếu 30% dân số mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất, tức khoảng 0,2%, thì số người thiệt mạng vẫn có thể lên đến 50.000 - 60.000 người.  

Tiến sĩ Lý Ngọc Kính. Ảnh: Đức Hiệp.

Hiện nay, khi phát hiện một trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (kể cả nghi ngờ, chưa có kết quả chính thức), ngành y tế phun độc khử trùng, đồng thời cách ly những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, thậm chí cả tòa nhà hàng chục tầng. Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, điều này là rất quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, ông Kính cũng thừa nhận, nếu dịch kéo dài với số bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 rất lớn, việc cách ly tất cả sẽ làm đình trệ hoạt động xã hội. Vì vậy, cách duy nhất “sống chung” với dịch bệnh hiện nay là mỗi người đều đeo khẩu trang liên tục, ở bất cứ đâu, không tụ tập nơi đông người và luôn rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt, chỉ cần thấy một trong các triệu chứng giống bệnh cúm là phải đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất. “Mọi người phải chủ động bảo vệ mình là chính. Nếu mỗi người đều tự giác, có ý thức tự  phòng bệnh cho mình, có nghĩa cũng là phòng cho mọi người”, ông Kính nói.

Cũng theo ông Kính, dịch bệnh đã lan trong cộng đồng nên cần phải áp dụng cả hai phương pháp cách ly tập trung và không tập trung. Vì vậy, với việc “di tản tự phát” của học sinh trường Nguyễn Khuyến và Ngô Thời Nhiệm, quan chức y tế TP HCM không sai khi cho rằng cứ để các em về quê, các tỉnh sẽ giám sát. Thậm chí khi dịch bệnh đã bung lớn như hiện nay, việc cách ly tại nhà là cần thiết.

Cán bộ y tế địa phương phải đảm bảo hướng dẫn để người tiếp xúc với ca nhiễm khi có  những triệu chứng ban đầu của cúm A/H1N1 như sốt, ho kéo dài thì báo ngay để  y tế địa phương tiếp tục theo dõi và tư vấn. Trong thời gian 7 ngày nếu không có dấu hiệu gì thì xem như hết thời gian giám sát, cách ly.

Nên dùng khẩu trang để ngăn dịch cúm.  Ảnh: Đức Long.

Để ngăn ngừa tình trạng quá tải do cúm A/H1N1, Bộ Y tế đã chỉ định 126 bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh tham gia điều trị cúm A/H1N1. Khi cần, Bộ sẽ huy động các bệnh viện huyện và sử dụng trường học, doanh trại bộ đội làm bệnh viện dã chiến.

Nghỉ học, nghỉ làm nếu sốt, ho
Tiến sĩ Đỗ Quốc Huy, Trưởng bộ môn Cấp cứu hồi sức và chống độc, Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho biết, những biểu hiện ban đầu của bệnh cúm A/H1N1 thường cũng tương tự các ca cúm theo mùa như sốt 30 độ C trở lên (95% - 97% bệnh nhân ở Việt Nam có biểu hiện này), ho hoặc đau rát họng, hoặc khó thở (25% - 30% bệnh nhân ở Việt Nam có biểu hiện này).


Trong thông báo về dịch cúm ngày 29/7, Bộ Y tế cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân trong tình hình dịch lan rộng hiện nay. Theo đó, học sinh, sinh viên và nhân viên ở các trường học nếu có biểu hiện của cúm như sốt, ho, đau họng… thì nên ở nhà, không đến trường ít nhất 7 ngày sau đó, kể cả nếu khỏi sớm hơn.

Nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì phải chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho trường biết và nên về nhà ngay.

Những người đang làm việc tại công sở, đặc biệt người dân sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho cơ quan biết.

Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Ngoài ra, mọi người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

Theo Đức Hiệp
Baodatviet
Chia sẻ