Dùng đèn chống cận thị... vẫn cận

,
Chia sẻ

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, việc sử dụng "đèn chống cận" vẫn có khả năng gây mỏi và giảm thị lực mắt.

Chống cận... vẫn cận

Chị Nguyễn Thị Tám, nhà ở phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội, có con năm nay vào lớp 1 cho biết, nghe chủ cửa hàng quảng cáo đèn bàn chống cận thị có giá 700.000đ/chiếc, được sản xuất ở Nhật Bản, chị không ngại ngần bỏ tiền ra mua ngay.

Chiếc đèn có thể gập gọn lại, theo lời của người bán, nó có nguồn sáng tốt, không những có tác dụng bảo vệ mắt, giúp cho đôi mắt không bị mỏi, nhức, chống cận thị mà còn tiết kiệm điện. Tuy nhiên, sau một thời gian cho con sử dụng đèn chống cận thị, con trai chị thường kêu mỏi mắt, nhìn không rõ mỗi khi ngồi lâu trước bàn học. Sợ con bị cận, chị cho con đi kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết do nguồn sáng phục vụ học cho cháu không đảm bảo nên cháu bị mỏi mắt, giảm thị lực.
 
Trên diễn đàn webtretho, nhiều bà mẹ cũng cho biết, họ đã tin lời quảng cáo về khả năng chống cận thị của đèn nên mua về cho con sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, mắt của trẻ có dấu hiệu tăng độ cận thị, mỏi mắt, nhức mắt khi ngồi học lâu dưới ánh đèn.
 
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, hiện trên thị trường “đèn chống cận” được bày bán với nhiều thương hiệu, gồm cả đèn nhập ngoại và đèn được sản xuất trong nước. Đèn gồm nhiều loại bóng như bóng tròn, bóng hạt mít, bóng huỳnh quang (loại ống tuýp ngắn khoảng 15cm, 2 bóng trong một máng đèn). Giá của chiếc đèn này khá đắt, khoảng 600.000 - 900.000đ/chiếc nếu có thương hiệu nước ngoài. Trong khi các loại đèn được sản xuất trong nước và đèn Trung Quốc có giá thấp hơn, dao động từ 50.000-200.000đ/chiếc, như đèn Rạng Đông giá khoảng 90.000 – 160.000đ/chiếc. Vào thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, nên loại đèn này bán khá chạy.
Phong phú sản phẩm bày bán tại các cửa hàng đồ điện.

Nên chọn hãng uy tín

Bác sĩ Nguyễn Thạch Thắng, Viện Mắt Trung ương cho biết, không có loại đèn nào có thể bảo vệ thị lực hay chống cận một cách tuyệt đối. Hiện cũng chưa có một tài liệu nào nghiên cứu về đèn chống cận. Những loại đèn chống cận mà một số cửa hàng quảng cáo là nói quá.

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, các chuyên gia về mắt từ trước đến nay đều khuyên nên sử dụng bóng đèn sợi đốt để bàn hoặc bóng halogen. Hiện nay, các loại đèn để bàn chủ yếu dùng bóng compact, tiết kiệm điện. Đây là một dạng của bóng huỳnh quang thu nhỏ cho ánh sáng cường độ mạnh, gần giống với ánh sáng mặt trời vì sử dụng 100% bột huỳnh quang bao phủ. Tuy nhiên, khi chọn những loại đèn này, người sử dụng nên tìm đến các hãng có uy tín để đảm bảo chất lượng.

Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng và Dung dịch hoạt hoá điện hoá, để phục vụ cho việc học tập thì nguồn ánh sáng tốt nhất là ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Khi dùng ánh sáng nhân tạo thì không nên sử dụng bóng đèn có ánh sáng trắng lạnh. Bởi nguồn ánh sáng trắng lạnh có nhiều tia tử ngoại sẽ gây hại cho mắt. Nếu dùng liên tục sẽ có nhiều nguy cơ bị giảm thị lực, tăng số với những ai bị cận.

Theo kỹ sư Lê Việt Hoà, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, 1 chiếc đèn có khả năng chống cận thị phải đảm bảo được 4 yếu tố. Đó là có chao chụp hợp lý để ngồi không bị chói mắt; bóng đèn đảm bảo đủ độ rọi sáng theo tiêu chuẩn, độ rọi tới vị trí học tập phải đạt > 300 lux, không gây sai lệch màu sắc và sử dụng bóng đèn có balat điện tử không nhấp nháy. Đèn phải đảm bảo nguồn sáng tập trung, không rọi vào mắt, không gây hoa mắt, không gây nóng, gây ức chế khi học tập hay làm việc. Người tiêu dùng khi mua cũng nên chọn các hãng uy tín và xem xét kỹ xuất xứ, ghi chú ở sản phẩm. Nếu không xem xét kỹ, người tiêu dùng sẽ mua phải loại đèn không những không có lợi mà còn gây hại cho mắt...

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, để phòng cận thị cho con, các bậc cha mẹ cần lựa chọn loại đèn có ánh sáng phù hợp với độ nhạy cảm của mắt, phù hợp với mỗi góc học tập, phải đảm bảo được các yếu tố nhưng không gây chói mắt. Ngoài ra, các em học sinh cũng cần chú ý đến việc lựa chọn góc học tập, cách kê bàn ghế, tư thế ngồi học... Khi ngồi học, trẻ nên ngồi đúng tư thế làm sao giữ được khoảng cách giữa đầu và sách vở từ 25 - 30cm, chữ đọc rõ, tránh nhìn thẳng vào những nguồn sáng chói có khả năng gây hại cho mắt.

Bác sĩ Nguyễn Thạch Thắng khuyến cáo, trẻ ngồi học liên tục cũng không tốt. Nên cho trẻ có thời gian thư giãn sau một thời gian học căng thẳng. Khi bị mỏi mắt, trẻ cần nhìn ra xa, tránh nhìn vào các vật hay cây có màu sắc chói quá. Không nên cho trẻ ngồi trước màn hình vi tính hay tivi quá lâu... Nếu mắt có hiện tượng mỏi thường xuyên thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.
 
Theo Gia đình
Chia sẻ