Giải cứu một cô gái bị chồng ngược đãi ở nước ngoài

Theo CAND,
Chia sẻ

Mặc dù đã về đến Việt Nam nhưng chị A. vẫn còn hoảng loạn nên mãi đến trưa 15/6 chị mới có thể tường thuật lại những gì đã xảy ra.

19h30 ngày 14/6, khi chiếc máy bay của Hãng Jetstar đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), các điều tra viên của Đội 8, PC45, Công an TP HCM đã tiếp cận và mời chị V.K.A. (34 tuổi, quê quán huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cùng bà Peng Zhang Mei về trụ sở làm việc, kết thúc cuộc giải cứu chị A. khỏi cảnh bị chồng người Trung Quốc ngược đãi.

Mặc dù đã về đến Việt Nam nhưng chị A. vẫn còn hoảng loạn nên mãi đến trưa 15/6 chị mới có thể tường thuật lại những gì đã xảy ra.

Chị A. cho biết, khoảng đầu tháng 2/2012, chị từ Bạc Liêu đón xe đò lên TP HCM với ý định sẽ tìm việc làm để tự nuôi sống bản thân. Đến TP HCM, chị A. đi bộ đến nhiều cửa hàng, quán ăn để xin việc làm nhưng không nơi nào nhận. Do vậy khoảng 14h cùng ngày, chị trở lại Bến xe Miền Tây để về Bạc Liêu.


(Ảnh minh họa)

Thấy chị lang thang một mình, một người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần tự xưng là Út đến làm quen. Út nói ở Trung Quốc hiện rất cần lao động phổ thông, làm nhẹ nhàng nhưng lương rất cao. Nghe vậy, A. nhờ Út tìm việc giùm. Thấy A. tin người, Út gợi sang chuyện lấy chồng người Trung Quốc sẽ được ăn sung mặc sướng mà còn có tiền gửi về cho cha mẹ. Bùi tai, A. nhờ Út mai mối. Út bảo chuyện nhỏ rồi cho số điện thoại của mình kèm theo lời dặn: “Em về Bạc Liêu làm hộ chiếu đi. Khi nào có thì quay lên TP HCM chị sẽ giúp cho. Nhớ đừng nói trước với gia đình, khi sang bên ấy có khối tiền gửi về cho cha mẹ để họ bất ngờ mới thú vị”. Chia tay Út về lại Bạc Liêu, A. mừng thầm trong bụng và âm thầm làm theo lời Út dặn.

Sáng 12/3, khi vừa nhận được hộ chiếu, A. âm thầm bỏ nhà lên TP HCM và điện thoại cho Út, Út cho một người xe ôm đón A ở Bến xe Miền Tây rồi chở thẳng vào một khách sạn gặp một người đàn ông Trung Quốc. Út bảo chị A. cứ đi với người đàn ông này sang Trung Quốc thì sẽ gặp được chồng.

Sau khi sang Trung Quốc, người đàn ông này đưa A. đến một vùng quê hẻo lánh rồi giao cho một người đàn ông xưng tên là Phi bảo đó là chồng A. Phi đưa A. vào nhà, còn người đàn ông kia bỏ đi đâu không rõ. Đến đây rồi A. mới vỡ lẽ, chồng của A. chỉ là một nông dân chính hiệu, “nghèo rớt mồng tơi” chứ chẳng phải giàu có như A. mường tượng. Nhưng A. nhủ, tự mình lựa chọn số phận cho mình thì đành phải chịu đựng.

Sau hai tháng làm vợ nơi xứ người, A. yêu cầu chồng cho mình tiền gửi về cho cha mẹ. Mới nghe qua Phi liền nổi nóng, đánh đập A. một trận thừa sống thiếu chết rồi cấm A. ra khỏi nhà, không được điện thoại về Việt Nam. Kể từ đó, cứ mỗi khi đi làm rẫy về, Phi lại đánh đập A. như một trò tiêu khiển.

Không thể tiếp tục cuộc sống nơi địa ngục, A. van xin Phi cho mình về Việt Nam. Phi đồng ý nhưng với điều kiện A phải trả cho Phi 5.000 nhân dân tệ (tương đương 15 triệu đồng Việt Nam), số tiền mà Phi đã bỏ ra để nhờ mối mai lấy vợ. A. chấp nhận và điện thoại về cho chị ruột của mình là V.T.N., ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cầu cứu. Chị N. đồng ý đưa tiền và hỏi Phi cách chuyển tiền. Phi nói có người bạn tên Diệp Vĩnh Toàn hiện đang ở Việt Nam, chị N. chỉ cần đưa tiền cho Toàn thì Phi sẽ trả A. về Việt Nam.

Ngày 6.6, chị N. đưa 15 triệu đồng cho Toàn. Tuy nhiên đến ngày 8/6, khi chị N/hỏi Phi làm thủ tục đưa A. về Việt Nam chưa thì Phi tráo trở nói phải đưa thêm 15 triệu đồng nữa. Do không có tiền nên chị N. đành đến cơ quan Công an nhờ can thiệp.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đội 8, PC45 đã mời Diệp Vĩnh Toàn đến làm việc thì Toàn cho biết mình với Phi (tên đầy đủ là Chương Tuyển Phi, khoảng 38 tuổi, làm nghề nông tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) là bạn bè. Nhân dịp Toàn sang Việt Nam thăm người quen nên Phi nhờ nhận giùm 15 triệu chứ chẳng có liên quan gì cả.

Cơ quan Công an yêu cầu Toàn điện thoại thuyết phục Phi đưa chị A. về Việt Nam, nhưng Phi một mực yêu cầu phải đưa thêm 60 triệu đồng thì mới thả người. Nhận thấy Phi khá ngoan cố trong khi nhiệm vụ giải cứu cho A. là rất cấp thiết nên cơ quan Công an đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để rồi cuối cùng Phi phải chấp nhận nhờ người đưa A. về Việt Nam.

Việc giải cứu một cô gái bị chồng người Trung Quốc ngược đãi đã thành công, nhưng những người thi hành công vụ vẫn chưa thể có niềm vui trọn vẹn. Vì rõ ràng ở đây người đáng trách hơn cả chính là V.K.A. vì chị ta đã tự “đưa mình vào rọ”. Thêm một bài học nữa dành cho các cô gái nhẹ dạ cả tin, hám lấy chồng ngoại đã dễ dàng sập bẫy bọn buôn người.
Chia sẻ