'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ

Vân Huyền,
Chia sẻ

Tính đố kỵ nổi lên khi xuất hiện cảm giác kém cỏi, trống rỗng hay không có giá trị.

'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ - Ảnh 1.

Cha mẹ cần nhận biết các tình huống gây ra cảm xúc đố kỵ. Ảnh minh họa: ITN.

Trong những trường hợp này, đứa trẻ muốn thu hẹp khoảng cách giữa những gì chúng có và những gì chúng muốn.

Thái độ mà các phụ huynh nên làm trong trường hợp trẻ tỏ ra ghen tỵ là không la mắng, chê trách hoặc giả vờ lơ đi, trả lời qua loa. Ngược lại, phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn giúp trẻ hiểu.

Hiểu rõ tính đố kỵ ở trẻ

Dù đã lên 8 tuổi, nhưng bé Gấu (Ba Đình, Hà Nội) luôn cảm thấy khó chịu khi thấy bạn hàng xóm có đồ chơi đẹp. Thấy ai có gì hơn mình là cu cậu lại tỏ ra hậm hực.

Gia đình Gấu rất phiền lòng về tính ghen ghét, đố kỵ của con. Tuy nhiên, cha mẹ không dám nhắc nhở bé nhiều. Bởi, chỉ động đến vấn đề này là cậu bé lăn ra ăn vạ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Tuyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm thấy lo lắng khi con hay có tính đố kỵ. Chỉ cần thấy mẹ mua cho em bộ quần áo hay đồ chơi mới là cậu khó chịu và nếu mẹ không để ý sẽ ném đồ chơi xuống đất, giẫm đạp lên.

Khi thấy em được bố mẹ quan tâm hơn, Bon – tên ở nhà của cậu bé này ghét em “ra mặt”, thường xuyên cấu trộm em và cảm thấy sung sướng khi em khóc thét lên.

Đặc biệt, cậu rất ghét bạn học cùng lớp là hàng xóm của mình. Lý do vì cậu ấy học giỏi, được nhiều điểm cao hơn Bon. Vì vậy, ở lớp, Bon thường hay rủ các bạn nói xấu, bắt nạt người bạn này.

Thậm chí, bước vào tuổi dậy thì, việc bắt nạt bạn còn được thể hiện rõ hơn với những trẻ có tính đố kỵ.

Mai Trang lớp 8 (Cầu Giấy, Hà Nội) “ghét cay ghét đắng” khi cô bạn trong lớp vừa học giỏi, lại xinh đẹp, nhà giàu. Mỗi lần thấy bạn đăng ảnh trên Facebook được nhiều lượt “like” và bình luận, Trang như muốn “phát điên”.

Nhìn lại cuộc sống của mình, Trang thấy thật tầm thường. Mọi thứ với Trang đều “làng nhàng”, từ nhan sắc đến học lực, đến gia cảnh. Vì vậy, nữ sinh này cảm thấy rất ganh tỵ với người bạn “có tất cả” kia. Thế nên, chỉ cần nghe thấy cô giáo hoặc bạn bè khen người bạn này, Mai Trang tỏ ra vô cùng khó chịu. Không ít lần, nữ sinh lớp 8 này “dựng chuyện” để nói xấu người bạn này.

Theo các chuyên gia tâm lý, mục đích đằng sau hành vi bắt nạt là để bênh vực cảm xúc tự tôn của bản thân khi gây ra bất lợi cho người khác. Ngoài ra, tính đố kỵ có thể được gây nên bởi sự cạnh tranh. Trẻ em có thể ganh đua trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống bao gồm các mối quan hệ, điểm số và địa vị.

Thông thường, trẻ có tính ganh đua và đố kỵ với người có lợi thế hoặc quyền lực hơn mình. Chúng không thể chấp nhận thành công của người khác. Bởi, điều đó khiến trẻ cảm thấy kém cỏi hay kém hoàn hảo hơn. Kết quả là, trẻ dùng đến bắt nạt.

Mục đích của hành vi bắt nạt là để loại bỏ sự cạnh tranh hay để tìm cách đoạt lại địa vị của đối thủ. Trẻ tin rằng, bằng cách hạ thấp thành công của người khác thì chúng có thể khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Song, điều đó sẽ không bao giờ có thể diễn ra theo cách này.

'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ - Ảnh 2.

Qua những bước nhấn mạnh và thấu hiểu, cha mẹ có thể hướng dẫn con vượt qua cảm xúc đố kỵ một cách nhẹ nhàng. Ảnh minh họa: ITN.

Ở một số trẻ, tính đố kỵ biểu hiện rất rõ. Bé hay cảm thấy tủi thân, so sánh mình với người khác, thấy ghen ghét với ai đó khi họ hơn mình, muốn sở hữu mọi thứ... Đây là một cảm xúc thường thấy trong quá trình lớn lên của trẻ. Nếu không có sự chỉ hướng đúng, nét tính cách này có thể âm thầm lớn lên. Từ đó, dễ khiến trẻ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, coi thường người khác khi lớn lên.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Trong nhiều trường hợp, ghen tỵ giúp trẻ phấn đấu trong học tập, biết tôn trọng người khác, có ý chí tiến thủ và khuyến khích sáng tạo. Trẻ sẽ nhận biết được mình thiếu điều gì và phải phấn đấu để sống tốt hơn.

Mặc dù, đố kỵ là tâm lý thường thấy của nhiều trẻ em, nhưng không ít phụ huynh sai lầm khi cho rằng, đây là hiện tượng bình thường. Nhiều người nghĩ rằng, tính đố kỵ sẽ giảm dần dần khi bé lớn lên.

Song, thực tế, các chuyên gia cho rằng, tâm lý quá ganh tỵ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của trẻ em, khiến cho các bé luôn luôn cảm thấy tự ti.

Do đó, thái độ mà các phụ huynh nên làm trong trường hợp trẻ tỏ ra ghen tỵ với bạn bè là không la mắng, chê trách hoặc giả vờ lơ đi, trả lời qua loa. Ngược lại, các phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn giúp trẻ hiểu. Từ đó, để trẻ hạn chế và vượt qua tính này bằng các biện pháp định hướng, giáo dục phù hợp với lứa tuổi của bé.

'Giải mã' cảm xúc đố kỵ của trẻ - Ảnh 3.

Cha mẹ không nên nổi nóng, la mắng khi trẻ nói hay đặt những câu hỏi có tính ghen tỵ. Ảnh minh họa: ITN.

Chế ngự tính đố kỵ ở trẻ

Theo Thạc sĩ khoa học giáo dục, Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Lanh - nhà đồng sáng lập Công ty Cổ phần Học viện Minh Trí Thành, hành trình tìm hiểu về cảm xúc đố kỵ của con không chỉ đơn giản là việc nhận diện biểu hiện ngoại lệ, mà còn là sự thấu hiểu về nguyên nhân tại sao chúng xuất hiện. Bằng cách này, cha mẹ có thể xây dựng sự hiểu biết thấu đáo và nhìn nhận con không chỉ là những hành động, mà còn là những cảm xúc đằng sau đó.

Cha mẹ cũng cần nhận biết các tình huống gây ra cảm xúc đố kỵ. Việc nhận biết các tình huống gây kích thích cảm xúc đố kỵ là bước quan trọng để chuẩn bị tinh thần cho con.

Cha mẹ có thể dự đoán và đưa ra những biện pháp hỗ trợ trước khi con trải qua những cảm xúc khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vượt qua.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần giúp trẻ xây dựng khả năng tự quản lý cảm xúc. Trong quá trình này, cha mẹ không chỉ đơn thuần là giúp con nhận biết và điều chỉnh cảm xúc. Thay vào đó, còn cần tập trung vào việc giúp trẻ trở nên tự chủ, tự tin khi đối mặt với những cảm xúc đố kỵ.

Một yếu tố khác là cha mẹ cần tạo môi trường hỗ trợ và an toàn cho trẻ. Bằng cách tạo ra một môi trường gia đình an toàn và yêu thương, cha mẹ không chỉ là người hỗ trợ khi con gặp khó khăn, mà còn là nguồn động viên và niềm tin vững chắc. Việc này giúp con cảm thấy an tâm để chia sẻ và phát triển. Đồng thời, giúp trẻ khám phá những khía cạnh tích cực trong cảm xúc của mình.

Qua những bước nhấn mạnh và thấu hiểu, cha mẹ có thể hướng dẫn con vượt qua cảm xúc đố kỵ một cách nhẹ nhàng. Từ đó, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và tích cực.

Trong khi đó, để hạn chế tính ghen tỵ của trẻ, cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, phụ huynh không nên nổi nóng, la mắng bé. Bởi, nếu làm thế có thể làm cho trẻ thấy ấm ức. Hoặc, trẻ sợ bị bố mẹ mắng mà che giấu cảm xúc của mình. Hành động này sẽ dẫn đến việc phụ huynh không thể hiểu trẻ đang nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Khi đó, cha mẹ sẽ không thể giúp được trẻ.

Thay vì la mắng, các phụ huynh cần chia sẻ, để bé tâm sự với cha mẹ những gì con đang suy nghĩ, cũng như kể về những tâm trạng, tình huống của họ trong quá khứ. Qua đó, cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy rằng, cảm xúc đó là bình thường dù không tốt và không nên. Sau đó, cha mẹ nên kể cho trẻ biết cách mình suy nghĩ, cư xử và vượt qua sự ganh tỵ này như thế nào. Việc này sẽ giúp trẻ nhận thức và dần dần có biểu hiện tốt hơn.

Một yếu tố khác là phụ huynh nên cho trẻ thấy rằng, con may mắn. Bằng các phương tiện truyền thông như tivi, báo đài hay các trường hợp cụ thể xung quanh, cha mẹ có thể chỉ cho trẻ thấy rằng, cuộc sống còn có những người bạn tuy cũng bằng tuổi của trẻ nhưng không có điều kiện như con. Với những trường hợp trực quan như vậy, trẻ sẽ hiểu mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác và sẽ hạn chế so sánh, ghen tỵ với bạn bè hơn.

“Nếu sắp xếp được thời gian, thì tốt nhất cha mẹ hãy cho trẻ cùng trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng. Đây chính là nơi mà trẻ cảm nhận trực quan nhất về cuộc sống, với những hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn, vất vả nhưng mọi người luôn lạc quan và cố gắng, không so sánh, than phiền”, nữ giáo viên nhấn mạnh.

Trong trường hợp trẻ ganh tỵ vì món đồ của mình không đẹp, không to như của bạn bè, phụ huynh có thể giúp con hiểu về ý nghĩa của món đồ hay một khía cạnh, giá trị khác của món đồ mà bé đang có. Trong trường hợp trẻ ganh tỵ với bạn vì bạn được điểm cao thì cha mẹ có thể động viên và hướng dẫn. Đồng thời, giải thích lý do tại sao bạn lại có kết quả tốt hơn con mình. Từ đó, định hướng giúp trẻ cố gắng phấn đấu hơn… Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà phụ huynh có thể tìm ra một phương thức đúng đắn để định hướng giúp trẻ hiểu được các giá trị khác nhau.

“Các phụ huynh nên nhận thức rằng, sự ganh tỵ của trẻ không phải là một biểu hiện nghiêm trọng đáng lo ngại. Đó chỉ là một trong những thể hiện tâm lý của trẻ và điều này hoàn toàn bình thường. Việc cần thiết là cha mẹ cần có thái độ và cách cư xử đúng đắn để giúp trẻ hạn chế và vượt qua tính ghen tỵ này”, cô Mai Chi cho biết.
Chia sẻ