Giọt nước tràn ly

Minh Thùy,
Chia sẻ

Anh nặng nề ngồi xuống chiếc ghế kê sát góc tường, lôi cặp tài liệu, rút ra tờ giấy, lặng lẽ, một chút ngập ngừng nhưng rồi dòng chữ “Đơn xin ly hôn” bắt đầu hiện rõ trên mặt giấy...

Nhìn gương mặt của vợ vẫn còn chứa đầy căm giận và như đủ sức “ăn tươi, nuốt sống” khi trông thấy mình, anh Lâm hoàn toàn chán nản. Anh cảm thấy mình nên buông thõng tay, chấp nhận là gã đàn ông thất bại với cuộc hôn nhân chưa đầy hai năm nhưng vô vàn sóng gió. Cái con người bé nhỏ, quý phái đang ngồi ở góc giường hằn học nhìn anh đã không còn là cô gái bé bỏng, hiền dịu anh yêu ngày nào. Vẻ nanh nọc, chát đắng cứ ngày ngày chất chứa trong con người cô khiến anh ngày càng thấy ngôi nhà như không còn chút không khí nào để thở, anh thấy bí bách, thấy cuồng nộ nhưng không đủ sức để vung mạnh cánh tay, gạt tung mọi thứ để rồi có thể đưa tất cả trở lại trật tự cũ.

Anh Lâm không ngờ răng cái đám cưới mà anh bất chấp sự ngăn cản của gia đình vì tin vào sự lựa chọn của mình lại nhanh chóng tan vỡ đến như vậy. Phương – vợ anh là một phụ nữ sắc sảo và hoạt bát. Nhờ nhanh nhẹn và có năng lực, Phương nhanh chóng khẳng định được khả năng của bản thân nơi cô làm việc và nhanh chóng thăng tiến. Lấy làm tự hào vì mình có lựa chọn đúng đắn khi vợ vừa giỏi giang, thông minh, hình thức cũng tuyệt vời. Mặc dù lương của vợ gấp gần 3 lần lương chồng, thi thoảng vợ tỏ thái độ mỉa mai lương “quèn” của anh nhưng anh chỉ cười trừ và nựng vợ: “Ừ thì vợ anh giỏi, anh có phúc! Như vậy là xứng đáng để anh bị gia đình bỏ rơi khi cưới em...”.
 
 
Rồi hai vợ chồng cũng đón đứa con trai đầu lòng, cuộc sống ban đầu như vậy đối với cả hai vợ chồng là quá thuận buồm xuôi gió, không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc khiến anh Lâm không còn mong muốn gì hơn.

Thế nhưng hài lòng, mãn nguyện chưa được bao lâu thì anh Lâm chua chát và cay đắng với tuyên ngôn hùng hồn của vợ: “Bây giờ lương anh bèo bọt, ở nhà chăm con, chuyện kiếm tiền em sẽ lo tất”. Nghe vợ tuyên bố, anh khựng lại, tròn mắt nhìn thì Phương tiếp tục: “Thời đại hiện đại, nam nữ bình quyền, em có thể cho con bú thì anh cũng làm được nhưng em kiếm tiền nhiều hơn anh, điều này anh khó mà sánh bằng. Vì vậy anh ở nhà chăm con, em sẽ lo củng cố tài chính…”. Dĩ nhiên với lý lẽ nào, anh Lâm cũng không thấy lọt tai. Đành rằng lương anh chỉ bằng 1/3 lương vợ, anh cũng không muốn là kẻ sống “bám váy” vợ. Anh phản đối, mâu thuẫn bắt đầu hình thành. Phương bắt đầu để ý, soi xét và so đo mọi thứ đồ đạc trong nhà với đồng lương quèn của chồng. Đụng việc là cứ câu cửa miệng Phương “phán”: “Tiền em mua chứ có phải của anh đâu mà ý kiến” hoặc“Anh miễn bàn đi, hóa đơn em chi trả!”. Cứ thế sự chán nản vì như kẻ bị phụ thuộc chất dần trong đầu Lâm.

Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì có lẽ cuộc hôn ấy không có gì để nói, nhưng dường như nghĩ mình là người có tiền, Phương cho phép mình cái quyền được khinh thường gia đình chồng – những người đã không tán đồng cho Phương về làm dâu mặc dù khi Phương sinh con, ông bà nội đã xuống nước, bỏ qua tất cả. Phương không quên chuyện cũ, cô ra sức tìm mọi cách để xỉa xói, nhiếc móc, nói bóng gió bố mẹ chồng: “Bây giờ thấy có tiền rồi mới tiếc”; “Làm gì có loại người trơ tráo thế, từ mặt rồi còn đến làm gì”. Điều khiến anh Lâm cay đắng nhất là ông bà nội đến chơi với cháu, Phương ngang nhiên giằng con từ tay ông bà rồi đưa con ra ngoài chơi. Góp ý kiểu gì Phương cũng không chịu chấp nhận bố mẹ chồng.
 

Không những vậy với chồng, người sẵn sàng rời bỏ gia đình để cưới cô khi cô còn là một sinh viên vừa ra trường, chưa nghề nghiệp Phương trở nên gay gắt và quá quắt hơn. Lâm đi đâu, làm gì Phương tra khảo. Nói thật Phương không tin, nói dối Phương lu loa, quát tháo, chửi rủa, và thậm chí còn xưng mày tao với chồng, không còn một sự tôn trọng nào dành cho nhau.

Cho đến hôm nay, sau chuyến công tác xa nhà dài ngày do phát sinh công việc, anh phải về trễ hơn dự tính mất hai ngày, Phương bắt đầu nổi thói ngông cuồng, mạt sát chồng vô lối, không thương tiếc: “Mày sẵn tiền đấy, thích là lấy đi, chơi chán, hết tiền rũ gái mày về. Có giỏi thì đi luôn đi. Khốn nạn! Vô tích sự…”.

Mọi nỗ lực để thanh minh, giải thích của anh lúc này đều trở nên vô nghĩa khi anh càng nói thì chị càng cố tình không hiểu, anh càng nhường nhịn chị càng chanh chua đanh đá lớn tiếng mắng chồng không suy nghĩ. Trong căn nhà nhỏ này, có lẽ mọi thứ đã đổi khác. Anh không biết do anh thay đổi, hay vợ anh thay đổi mà cuộc sống vợ chồng anh ngày càng thăm thẳm xa cách. Hoặc cũng có do cả hai đã đổi khác đến mức không thể thích nghi nhau nên cái neo yếu ớt là anh không thể níu được con thuyền bé nhỏ mang theo cái mái ấm nho nhỏ với đứa con xinh xắn mà không thể tránh khỏi bị chao đảo, vùi dập.

Người ta nói hạnh phúc phải được vun đắp từ hai phía cho nên chỉ riêng mình anh thì có sức vóc bao nhiêu, có cố gắng đến thế nào cũng không thể làm nên sự kì diệu, giống tố không thể ngưng kéo về khi vợ anh luôn là người tạo sóng gió, bất hòa và căng thẳng trong gia đình… Anh nặng nề ngồi xuống chiếc ghế kê sát góc tường, lôi cặp tài liệu, rút ra tờ giấy, lặng lẽ, một chút ngập ngừng nhưng rồi dòng chữ “Đơn xin ly hôn” hiện ra rõ rệt trên mặt giấy, anh cắm cúi một lúc, đứng lên và giọng chắc nịch: “Cô kí đi” rồi bước vào trong thu dọn quần áo đi ra khỏi nhà.

Chia sẻ