Giúp mẹ được tiền

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Vào nhà, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, cháu trai đứng ngay trước mặt và chìa tay ra nói: “Dì trả tiền công cho con”.

Ngày cuối tuần, sắp xếp công việc rảnh rang, tôi tranh thủ đến nhà anh chị Hai chơi. Vừa bước lên cầu thang, chưa kịp thở, tôi nghe cháu trai reo lớn: “A! Dì Giang lên chơi, ba mẹ ơi! Dì đưa đây con xách đồ phụ cho”. Đang tay xách nách mang đồ ăn, thức uống khệ nệ, nghe được câu nói dễ thương của đứa cháu trai, tôi thấy mát ruột, mát lòng quá.

Vào nhà, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, cháu trai đứng ngay trước mặt và chìa tay ra nói: “Dì trả tiền công cho con”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Tiền công gì vậy con?”. Nhóc cười cười nói một cách tỉnh queo: “Thì tiền con xách mấy bịch đồ lên cho dì đó”. Nghe đứa cháu mới 10 tuổi đòi tiền leo lẻo, tôi giật mình. Thì ra cháu đã có thói quen nhận tiền công mỗi khi được nhờ vả việc gì. Khi hỏi ra, tôi mới biết mỗi lần sai con trai đi mua chai nước mắm hay dọn chén đũa…, dù việc lớn hay nhỏ, anh chị Hai đều thưởng tiền và nói vui là trả công, riết rồi vô tình tập cho cháu thói quen lạ lùng ấy.

 

Nhìn thấy anh mình vô tư nhận tiền công “sai vặt” của ba mẹ, bé út mới 5 tuổi cũng liền bắt chước theo. Lượm chiếc cột tóc cho dì, con bé ngọng nghịu: “Dì ơi! Cho con tiền…”. Tôi vội vàng giải thích cho các cháu hiểu khi giúp đỡ bất kỳ ai, dù là người thân hay bạn bè, đều là việc làm tự nguyện, không được vì tiền bạc.

Trẻ thơ như búp măng non, cần phải uốn nắn, nếu không kịp thời chấn chỉnh chỉ sợ rằng mai này lớn lên, các cháu sẽ quen với việc vòi vĩnh, trở thành mẫu người thực dụng, ích kỷ.

Chia sẻ