Gồng gánh mọi thứ cho con nhưng lại để con phải tự gánh cả tương lai

Phương Thúy,
Chia sẻ

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình “thương” con, nhưng thương sai cách sẽ thành ra hại con. Quá cưng chiều chỉ thực sự thỏa mãn ý thức kiểm soát của cha mẹ, vô tình đánh mất rất nhiều cơ hội trưởng thành của con cái.

Tolstoy nói: “Nếu một người đàn ông biết cách làm việc và cách yêu thương, anh ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”. Và ngược lại.

Nhưng có bao nhiêu bậc cha mẹ thực sự biết phải làm gì để thực sự yêu thương con cái? 

Nuông chiều làm hỏng ý chí của một đứa trẻ

Cách đây vài năm, câu chuyện về thần đồng Ngụy Vĩnh Khang (sinh năm 1983, tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) từng gây rúng động truyền thông. Từ năm 2 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã học thuộc 1.000 ký tự tiếng Trung, 4 tuổi học xong tiểu học, 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh. Mọi người đều gọi Vĩnh Khang là "huyền thoại" trong nền giáo dục Trung Quốc. 

Năm 13 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã lấy thành tích xuất sắc để thi đỗ Đại học Tương Đàm. 4 năm sau đó, thần đồng tiếp tục thi đỗ cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai. Chính điều này đã khiến rất nhiều phụ huynh tại đất nước tỷ dân coi như là hình mẫu lý tưởng để nuôi dạy con cái.

Tuy nhiên, ở tuổi 17, thông tin Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc buộc thôi học ở tuổi 17, không tự tắm giặt, ăn phải có người đút đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của họ. 

Hóa ra, kể từ khi nổi tiếng với danh xưng “thần đồng”, mẹ của Ngụy Vĩnh Khang là bà Tăng đã một mực chăm lo cho con trai từ đầu đến chân, để con chỉ cần học là được. Ăn có bà đút, tắm có bà lo, thậm chí bà còn nhúng khăn mặt vào nước, bôi kem đánh răng vào bàn chải mỗi sáng cho con trai.

Điều đáng buồn nhất của các bậc cha mẹ: Gồng gánh mọi thứ cho con, nhưng lại để con phải gánh cả thế giới! - Ảnh 1.

Ngụy Vĩnh Khang chụp ảnh cùng người thân. Ảnh: Sohu.

Bà Tăng thậm chí không cho con trai ra khỏi nhà, ngoại trừ đi học. Bạn bè đến nhà đều bị bà mời về vì lý do bận học. Do đó, Ngụy Vĩnh Khang không chỉ thiếu khả năng tự chăm lo cuộc sống mà còn không có thói quen giao tiếp với người khác, không hòa nhập được vào tập thể.  

Đến khi đỗ vào Viện Khoa học Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình, mọi người mới phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng này. Thần đồng thậm chí không biết cởi quần áo khi nóng, mặc thêm quần áo khi lạnh. Quần áo không biết giặt, phòng ốc không biết dọn. Cậu thậm chí còn không nhớ được ngày thi nên nhận điểm 0, làm mất cơ hội học lên Tiến sĩ. 

Rõ ràng, đứa trẻ được nuông chiều ở nhà thì tương lai sẽ không tránh khỏi va vấp với bức tường từ xã hội. Sự chiều chuộng không đúng cách là “liều thuốc độc” phá hủy ý chí của đứa trẻ. 

Trên hành trình phát triển, đau khổ và thất bại là chất dinh dưỡng để đạt được sự kiên trì của mỗi một con người. Cha mẹ tước đoạt đi cơ hội để con “thất bại” cũng là đoạt mất cơ hội để con trưởng thành.

Làm giàu thực sự là trau dồi nhân cách độc lập của trẻ

“Ông trùm đầu tư” Lý Gia Thành dù sở hữu tài sản khổng lồ nhưng luôn đề cao vấn đề giáo dục con cái tự lập. Ngày nay, khi trẻ đi học, cha mẹ luôn đưa con đến trường, thậm chí còn xách cặp cho con, trong khi Lý Gia Thành hầu hết để con tự đi học bằng xe điện, xe buýt.

Điều đáng buồn nhất của các bậc cha mẹ: Gồng gánh mọi thứ cho con, nhưng lại để con phải gánh cả thế giới! - Ảnh 2.

“Ông trùm đầu tư” Lý Gia Thành dù sở hữu tài sản khổng lồ nhưng luôn đề cao vấn đề giáo dục con cái tự lập.

Khi con về nhà, ông cũng không để con cái ngồi chơi hay xem tivi thỏa thích mà luôn giao phó những công việc thích hợp. Chẳng hạn, khi dọn bàn ăn cơm, ông sẽ để con nhận vai người phục vụ và bồi bàn. Nếu đi chơi golf, ông sẽ cho con đảm nhận tư cách là một caddie.

Có thể thấy, cho con tầm nhìn quan trọng hơn là cho con tài sản, dạy con sống tự lập quan trọng hơn dạy con cách tiêu xài. Sự độc lập mới là gốc rễ của cạnh tranh và phát triển.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hiện tượng: Trẻ muốn buộc dây giày và tự ăn, cha mẹ cảm thấy rằng trẻ làm quá chậm và muốn làm thay cho nhanh. Đứa trẻ muốn làm một số việc nhà, cha mẹ cảm thấy rằng con cái đang làm phiền, “mua thêm việc vào người” nên cũng không cho con làm. Đứa trẻ không muốn đến những trung tâm luyện thi suốt ngày suốt đêm, cha mẹ luôn bắt ép con đi với danh nghĩa "tất cả là vì lợi ích của con"...

Điều đáng buồn nhất của các bậc cha mẹ: Gồng gánh mọi thứ cho con, nhưng lại để con phải gánh cả thế giới! - Ảnh 3.

Những bậc cha mẹ chiều chuộng và chăm sóc con cái một cách mù quáng thực sự đang tự tay “đào hố” cho tương lai của con cái mình.

Tình yêu không đặt đúng chỗ, không làm đúng cách lại trở thành “gông xiềng”, khiến trẻ mất khả năng tự tư duy và tự quyết định. Không phải ông bố bà mẹ nào cũng cực đoan như phụ huynh của Ngụy Vĩnh Khang, nhưng hầu hết những đứa trẻ đều có thể bị tác động phần nào nếu lớn lên trong sự kìm kẹp quá mức của phụ huynh.

Những bậc cha mẹ chiều chuộng và chăm sóc con cái một cách mù quáng thực sự đang tự tay “đào hố” cho tương lai của con cái mình. Nếu cha mẹ đã làm tất cả mọi thứ cho con ngay từ khi chúng còn là những đứa trẻ, làm sao chúng có thể đủ sức để tự gồng gánh cả thế giới trong tương lai.

Do đó, điều đáng buồn nhất của các bậc cha mẹ chính là: Gồng gánh mọi thứ cho con, nhưng lại để con phải gánh cả thế giới trong tương lai!

Nguồn: QQ News
Chia sẻ