Hạnh phúc cuối?

Nguyễn Thị Nga,
Chia sẻ

"Mẹ ơi! Mẹ phải cố gắng khỏi bệnh mẹ không làm việc được thì mẹ ở nhà trông nhà và nấu cơm cho bố con con trước giờ mẹ vất vả nhiều rồi bây giờ bọn con bắt đầu đi làm có tiền thì mẹ lại ốm."

Câu nói của đứa con trai trưởng thành nói với người phụ nữ không hề có quan hệ máu mủ ruột thịt gì với nó. Nghe câu nói đó tôi mới hiểu hết được những hi sinh của người phụ nữ ấy giành cho người chồng và những đứa con riêng của chồng.

 Kết thúc cuộc hôn nhân thứ nhất sau sáu năm khi không được làm mẹ và người chồng bấy lâu gắn bó đã phải lòng người đàn bà khác. Cô trở về nhà mẹ đẻ và được người đàn ông góa vợ lấy làm hai để chăm sóc những đứa trẻ và lo toan cho cuộc sống gia đình.

Nhưng ít ai biết rằng cô được làm mẹ bọn trẻ chính sự mai mối của mẹ đẻ chúng, trước khi nhắm mắt mẹ bọn trẻ đã căn dặn người chồng của mình hãy lấy cô làm hai. Phải chăng khi làm hàng xóm sống cạnh cô mẹ bọn trẻ đã thấy được bản chất, tính cách trong con người cô.

Mười lăm năm kể từ ngày cô về làm mẹ hai cho đến nay cô hạnh phúc khi có đứa con gái nhỏ và ba đứa con chồng. Cũng như bao gia đình, bao người phụ nữ nông thôn  khác cô chăm chỉ làm việc để có tiền nuôi bốn đứa con ăn học. Tất cả hàng xóm đều biết rằng cô đối xử với các con của chồng nhiều khi còn tốt hơn đứa con gái của mình, đối với anh em, hàng xóm cô luôn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ khi có việc.

Để có tiền nuôi ba đứa con ăn học đại học, cao đẳng và đứa con gái học cấp hai người phụ nữ nhỏ bé ấy đã phải làm rất nhiều việc từ cấy thuê, gặt thuê, làm máy tuốt lúa, trồng rau màu, chăn nuôi… cho đến công việc phụ hồ cho chồng đi xây vô cùng nặng nhọc.

Ai đã từng ở nông thôn và làm công việc cấy, gặt thì cũng biết nó vất vả đến mức nào nắng, mưa, rét đều phải ở ngoài đồng. Không chỉ đi làm thuê mà gia đình cô làm gần ba mẫu ruộng gấp hai, gấp ba lần gia đình khác để có tiền nuôi bọn trẻ.

Cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn khi mà ba đứa con đầu học xong ra trường và đi làm, đứa con gái đầu đã lập gia đình riêng. Tưởng rằng hạnh phúc bắt đầu từ đây nhưng ở đời ai biết được chữ ngờ khi cô lại mắc chứng bệnh nan y căn bệnh đúng như mười lăm năm trước đã cướp đi sinh mạng của mẹ đẻ bọn trẻ. Căn bệnh ấy khiến cô không ăn uống được gì thậm chí là không truyền được hóa chất. Nằm trên giường bệnh cô thấy tủi thân khi vắng sự chăm sóc của người chồng bởi công việc xã hội. Nhưng niềm an ủi lớn nhất với cô lúc này là sự quan tâm hỏi han của xóm làng và đặc biệt là sự chăm sóc của đứa con trai mà cô không hề sinh ra nó. Mỗi lần đi bệnh viện nó đều xin ở lại ngủ cùng giường để tiện chăm sóc mẹ nó. Thậm chí nó còn xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc cô, cơn đau hành hạ cô nó đun nước nóng để chườm cho cô bớt đau. Những lời động viên, sự chăm sóc tận tụy của bốn đứa con nhất là đứa con trai thứ hai được chính cô kể lại khi hàng xóm đến thăm.

Khi nghe được những điều này tôi thấy được niềm cảm kích và yêu quý của bọn trẻ đối với những hi sinh mà mẹ chúng đã giành cho chúng. Người dì ghẻ được những đứa con riêng gọi một tiếng “mẹ” đã không phải là điều dễ dàng gì nhất là khi chúng đã ở độ tuổi nhận biết được, đặc biệt hơn là chúng chăm sóc và đối xử không khác gì mẹ đẻ.

Không có từ nào có thể diễn tả được tình mẫu tử thậm chí là người mẹ ấy không hề sinh ra chúng. Và “Hạnh phúc là khi ta cho đi và nhận lại không hề tính toán”. Mong rằng với sự động viên chăm sóc, an ủi của gia đình sẽ là động lực lớn đủ sức để người phụ nữ ấy tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác và tiếp tục sống.

Chia sẻ