Hết yêu không phải lý do tống nhau vào tù

Hoàng Xuân,
Chia sẻ

Có lẽ do bản chất rộng lượng của đàn ông nên tôi không thấy ông nào tỏ ra vui mừng với quy định ngoại tình có thể bị tù đến ba năm. Hoặc do điều này xói vào tự tôn đàn ông ghê gớm nên người chồng khó chia sẻ tâm sự của mình hơn, cho dù nỗi đau khó thể nói ai hơn ai.

Trên một diễn đàn phụ nữ, một nick cao hứng: "Uống ba viên thuốc ngủ xong gọi điện cho mẹ và chồng. Rồi nằm xem chúng nó bị tống vào tù. Chỉ tưởng tượng thế thôi đã thấy sướng rồi" (icon cười ngoác).

Lập tức bà vợ khác dặn ngay: "Uống loại thuốc ngủ thảo dược ấy chị nhé, ba viên thôi, còn bao nhiêu vứt đi nhưng nhớ gỡ hết cho chúng nó hoảng".

Các bà vợ khác không đồng tình. "Chả dại gì kiện, nó đi tù ai nuôi con mình? Rồi lại án phí tốn kém, mình còn là vợ lại phải thăm nuôi."

Một người vợ khác: "Không ly dị nhưng làm cách nào cho cái đôi hồ ly tinh ấy không thể sống với nhau. Không bao giờ".

Hết yêu không phải lý do tống chồng/vợ vào tù
Ảnh minh họa.

Một kho bí kíp "không cho chúng nó thoát" nhưng vẫn giữ được bố cho con, quan trọng hơn là giữ được tiền cho gia đình (hoặc của chồng làm ra) được các chị mách nhau hào phóng.

Tuy nhiên, có thể giữ được tiền và (vỏ bọc) gia đình, nhưng không ai trong số những cao thủ ấy còn giữ được hạnh phúc. Cả niềm tin vào hạnh phúc nữa.

Để bù đắp, họ đi spa, làm đẹp, vui chơi. "Có sẵn trong tay hai số điện thoại nhân viên massage nam, cần cái ới ngay đến tận nhà,  vừa khỏe vừa vui", một bà vợ kể.

Chị giải thích ngay: "Chỉ massage thôi chứ mình không ngoại tình. Ai dại gì ngoại tình ở ngay nhà mình hở các mẹ?".

Nhưng liệu các chị có thấy vui thật sự khi canh cánh bên lòng vẫn là nỗi uất ức?

Đến đây có lẽ phải bàn rộng ra về mục đích của nhà soạn luật.

Theo tôi, đây là  một trong số những điều luật bao đồng và... nên thơ nhất.

Phân tích về điều luật này, nhiều luật sư nhấn mạnh đến tính "răn đe", "trừng trị".

Thế nhưng xưa nay và ở bất cứ nơi nào, mối quan hệ vợ chồng thường phải tồn tại cùng lúc trên hai trụ đế tình cảm và tài chính mới có thể bền vững.

Thực tế có vô số cặp vợ chồng đã hết tình cảm nhưng cái trụ tài chính quá lớn nên vẫn cố tìm cách giữ thăng bằng trên đó.

Tuy nhiên nhu cầu tình cảm là nhu cầu bản năng. Không sức mạnh nào trên đời này có thể buộc được một người yêu người khác.

Nên họ đi tìm nơi đáp ứng với sự chấp nhận ngầm của người còn lại.

Trên thế giới cho đến nay vẫn tồn tại hai trường phái "hình sự hóa" và "không hình sự hóa"  chuyện ngoại tình.

Nhưng khi người trong cuộc đã chấp nhận thì mơ ước màu hồng của các nhà làm luật về tác dụng "răn đe, trừng trị" là bất khả thi.

Ở góc độ khác, tuy xuất phát từ mong ước bảo vệ gia đình "hạt nhân của xã hội", nhưng có lẽ khi soạn quy định này, các nhà làm luật chưa tách bạch đủ rõ giữa quan hệ vợ chồng và trách nhiệm gia đình.

Nôm na, khi bắt đầu một cuộc hôn nhân, người vợ/chồng cũng đồng thời ký vào hai bản hợp đồng. Hợp đồng đầu tiên chỉ xác lập giữa hai người, ghi nhận cam kết lâu dài về cuộc sống chung của họ. Hợp đồng thứ hai (có hoặc không ), cam kết trách nhiệm nuôi dạy giữa cả hai người với con cái.

Vì liên quan đến những đứa trẻ nên pháp luật và xã hội luôn hết sức bảo vệ trách nhiệm này.

Cha mẹ còn sống chung với nhau hay không, thậm chí cả khi họ căm thù nhau đi nữa-mặc kệ. Khi đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, luật pháp bắt buộc cha mẹ phải nuôi dưỡng và giáo dục nó. Tòa án trực tiếp giám sát việc này với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức xã hội. Nhiều hành vi như ngược đãi, bỏ bê trẻ em... đều là tội hình sự.

Tóm lại, yêu hay hết yêu là việc của cá nhân anh chị. Luật pháp không thể can thiệp. Nhưng anh chị phải làm tròn trách nhiệm với con cái mình. Bất cứ khi nào quyền lợi của đứa trẻ bị xâm hại bởi việc "yêu", tùy mức độ, anh chị sẽ phải trả giá. Phạt hành chính hay phạt tù tùy mức độ.

Minh bạch được điều này, tôi nghĩ, sẽ giúp người trong cuộc tự tin hơn với chính mình. Không còn tự oán trách bản thân khi vợ/chồng hết yêu mình. Cũng không vì thế mà đầu độc con cái, trút hết oán hờn người phối ngẫu vào nó.

Chấm dứt  tình trạng hai người đau khổ, mang lại bốn người hạnh phúc, "văn hóa ly hôn và hậu ly hôn", như một nét văn minh phương tây mà chúng ta thường tấm tắc.

Thế còn điều luật không khả thi (bấy lâu nay nó đã không khả thi rồi) thì sửa. Dễ thôi mà, phải không các bố mẹ?


Chia sẻ