Hiến máu có làm tăng cân?

,
Chia sẻ

Sau khi hiến máu, cơ thể huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ kích thích sự thèm ăn, thèm ngủ. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ khiến cơ thể tăng cân.

Rất nhiều sinh viên đang rỉ tai nhau bí quyết tăng cân mà không cần tẩm bổ nhờ… hiến máu. Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, khẳng định: “Qua nghiên cứu khoa học và thực tiễn theo dõi hàng triệu người hiến máu tình nguyện, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiến máu có thể giúp tăng cân”.

Hiến máu để… có da có thịt?

N.T.N, 19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), kể, ngay từ hồi học cấp 3, em đã bị bạn bè gán cho biệt danh “cây sào” vì người cao 1,65 m nhưng chỉ nặng có 45 kg. Mặc dù đã cố gắng tẩm bổ bằng cách ăn thật nhiều, thậm chí uống cả thuốc bổ nhưng cân nặng của N. vẫn không được cải thiện. N. cho biết: “Mấy bạn cùng lớp đã từng đi hiến máu đều nói tăng cân. Sắp tới trường có tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện em sẽ đăng ký, để mình trông có da có thịt hơn”.

Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Xuân Trường.

Còn bạn T.T.K, sinh viên năm thứ nhất CĐ Bách Khoa, khoe đã tăng được 2 kg ngay sau lần hiến máu tình nguyện đầu tiên. K. cũng đã vận động mấy bạn trong khu xóm trọ đi hiến máu để tăng cân giống mình. K. hào hứng: “Mấy đứa bạn bảo em trông béo hơn hẳn. Chúng nó thấy người thật việc thật như thế nên thích đi hiến máu lắm. Cuối tuần này em sẽ dẫn các bạn ra trạm y tế phường để đăng ký hiến máu”.

Trong khi, những người gầy hồ hởi rủ nhau đi hiến máu để tăng cân thì một số sinh viên đang thừa cân lại lo sợ mình sẽ béo thêm khi hiến máu. Cô bạn T.B.L, ở cùng khu trọ với K. nhất định không đi hiến máu tình nguyện dù đã đăng ký. L.nói: “Nghe bạn K. nói sau khi hiến máu sẽ tăng cân, em chẳng dám đi nữa, nếu béo nữa thì em sẽ lăn nhanh hơn đi”.

Chưa có bằng chứng khoa học

Bác sĩ Quân cho biết, theo nguyên lý, việc hiến máu rất tốt cho cơ thể vì sản sinh lượng máu mới. Phong trào hiến máu tình nguyện rất phát triển trong giới học sinh, sinh viên, sau khi thực hiện xong các bạn trẻ thường có cảm giác hồ hởi, tinh thần sảng khoái. Cơ thể lúc này cũng huy động năng lượng, nguyên liệu để tái tạo lượng máu mới nên dễ kích thích sự thèm ăn, thèm ngủ. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ khiến cơ thể tăng cân.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc và cần được đẩy mạnh trong xã hội. Chính vì thế, các bạn trẻ không nên có quan điểm hiến máu có tăng cân thì mới làm.

Các bác sĩ khuyến cáo, nhằm đảm bảo sức khỏe, sau khi hiến máu, nên uống nhiều nước, không nên lao động nặng trong hai ngày đầu. Trong ngày đi hiến máu, nên hạn chế sử dụng rượu bia, cần tăng cường thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương… Khoảng cách giữa các lần hiến máu an toàn là 12 tuần một lần.

Theo bác sĩ Ngô Mạnh Quân, việc cho và nhận máu đều được thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt, để đảm bảo tính an toàn cho cả người cho và người nhận. Những người dưới 45 kg, dưới 18 tuổi đều không đủ điều kiện được hiến máu. Nếu đang nhiễm HIV, viêm gan B và các bệnh lây nhiễm khác, người có tiểu sử bệnh tim mạch, ung thư… cũng không được hiến máu.

Theo Đất Việt

Chia sẻ