Bộ phim của tôi:

"Hoa hậu nhí Ánh dương": Khi đường đi quan trọng hơn đích đến

HNguyen,
Chia sẻ

Một hành trình có thể không kết thúc như mong đợi, nhưng khi đi tới điểm cuối, bạn chợt nhận ra rằng kết quả hóa ra không quan trọng bằng những thứ bạn thấy và học được ở trên đường.

Mùa Giáng Sinh năm nay, nếu không tới rạp chiếu để xem những tác phẩm điện ảnh mới nhất, bạn có thể ở nhà và xem lại một bộ phim đã cũ, một bộ phim chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng và dù có xem lại nhiều lần cũng sẽ không khiến bạn thấy chán: Little Miss Sunshine (Hoa hậu nhí Ánh dương).

"Little Miss Sunshine - Hoa hậu nhí Ánh dương" trailer



Little Miss Sunshine mở màn bằng hình ảnh một đôi mắt xanh sâu thẳm, ngây thơ của cô bé con 7 tuổi giấu sau cặp kính cận đang nhìn chăm chú về phía trước. Đôi mắt ấy không nhìn vào chúng ta, những khán giả - mà là vào một cuộc thi sắc đẹp trên truyền hình, ở thời điểm tân Hoa hậu được công bố. Cô bé Oliver đang nghiên cứu khoảnh khắc này đầy chăm chú bằng cách tua đi tua lại thời điểm đó.

Như vậy là ngay ở đoạn mở đầu, Little Miss Sunshine - Hoa hậu nhí Ánh dương đã hé lộ cho những khán giả tinh ý biết một phần nội dung phim - về những giấc mơ và ảo tưởng của con người.


Little Miss Sunshine là một bộ phim hài hành trình, một bộ phim dành cho gia đình có phần hơi... lập dị, lập dị trong cách thể hiện và trong bản thân những thành viên của gia đình đó. Họ là tập hợp những con người kỳ quặc và lạc điệu sống giữa thế giới này: một ông bố bị ám ảnh bởi chiến thắng (có lẽ vì suốt đời ông chưa từng được nếm mùi vị của nó); một ông bác đồng tính từng tự tử không thành; một ông ngoại "dân chơi" bị đuổi khỏi nhà dưỡng lão vì hít heroin, một gã anh trai vì một lời thề mà không nói chuyện suốt 9 tháng và tuyên bố ghét tất cả mọi người; một cô bé 7 tuổi ước mơ được thi hoa hậu và cuối cùng là một bà mẹ luôn kiệt sức vì những nỗ lực hàn gắn, kết nối những thành viên trong gia đình lại với nhau.


6 con người lạc điệu này một ngày buộc phải trở nên gắn kết trong cuộc hành trình 700 dặm trên chiếc xe buýt cà tàng từ Albuquerque, New Mexico đến Redondo Beach, California để cô bé Olive tham gia cuộc thi hoa hậu nhí Little Miss Sunshine. Chuyến đi bão táp này khiến cả gia đình lâm vào hàng loạt tình huống rắc rối dở khóc dở cười, nhưng cũng là chuyến đi giúp họ thay đổi cả trong cách nhìn lẫn quan điểm về cuộc sống.

Nhìn toàn cảnh, cuộc hành trình của gia đình Hoover không mới, nhưng Little Miss Sunshine không phải là một bộ phim toàn cảnh, nó là một bộ phim của các chi tiết, khi mà mỗi một tình huống cũng đều bật lên một ý nghĩa riêng, có khi hài hước, dí dỏm, có khi châm biếm nhẹ nhàng, có khi lại đầy sâu cay, sắc sảo. Cuộc hành trình đơn giản của gia đình 6 người đã phơi bày cho khán giả thấy cả một thế giới rộng lớn và hỗn loạn, nơi các giá trị có thể bị đảo lộn, mâu thuẫn không ngừng phát sinh, quan điểm và quy tắc có thể bị thay đổi hoặc phá bỏ. 


Đó là khi ông bố luôn trung thành với triết lý "thế giới chỉ có hai loại người thắng cuộc và thua cuộc" cuối cùng cũng phải từ bỏ chân lý của mình; là khi cậu con trai quyết tâm thi vào trường hàng không bằng mọi giá cuối cùng tuyên bố: "nếu muốn làm phi công, cháu sẽ tự tìm ra cách để bay".

Điều thú vị của Little Miss Sunshine là sự châm biếm có thể bật ra từ mọi tình tiết, là cái "cười vào mặt" các quy tắc, luật lệ. Những bài học sâu sắc cũng có thể bật ra từ đâu đó nếu để ý. Có khi, đó là bài học về "kẻ thua cuộc", khi ông ngoại "dân chơi" nói với cô cháu gái: "Cháu có biết thế nào là một kẻ thua cuộc không? Một kẻ thua cuộc thật sự là kẻ sợ rằng mình sẽ thất bại nên thậm chí chẳng buồn cố gắng. Cháu có cố gắng không? Nếu có, cháu đâu phải là kẻ thua cuộc". 


Hoặc bài học về sự trải nghiệm khi ông bác học giả kể cho cậu cháu trai câu chuyện của Marcel Proust, nhà văn nổi tiếng người Pháp - "một kẻ thất bại chính hiệu, chưa bao giờ có công việc tử tế, với nhiều mối tình tội lỗi, một gã gay, dành 20 năm để viết một cuốn sách chẳng ai ngó ngàng tới...". Nhưng đến những năm cuối cuộc đời, Proust nhìn về quá khứ và nhận ra rằng đó chính là quãng thời gian ông hạnh phúc nhất vì được là chính mình. Từ câu chuyện của Proust, người bác hỏi cháu: "Thử nghĩ xem nếu cháu ngủ 1 giấc và tỉnh dậy khi đã 18 tuổi, cháu sẽ bỏ lỡ những gì?"...

Little Miss Sunshine - Hoa hậu nhí Ánh dương là minh chứng tuyệt vời cho thành công của sức nặng diễn xuất, của cử chỉ, hành động có thể vượt qua mọi lời thoại học thuộc lòng trôi chảy. Khán giả có thể tìm thấy điều này qua nhân vật cậu anh Dwayne của Paul Dano. Paul không nói trong hơn nửa thời lượng phim nhưng người xem có thể nhìn thấy sự chán nản, mệt mỏi và bất cần của cậu bé tuổi teen trong thái độ lạnh tanh trên gương mặt nhợt nhạt bị che khuất bởi mái tóc dày, hay cái nghiêng đầu lặng thinh trên băng ghế xe buýt. 



Nhân vật ông bố Richard của Greg Kinnear thì nói rất nhiều ở phần đầu phim, nhưng khoảnh khắc đáng giá nhất lại chính là thái độ của ông trong đoạn cuối phim, khi gương mặt bối rối cố tìm ra một phản ứng thích hợp cho phần thi tài năng của các cô bé "Hoa hậu". Ông bác Frank của Steve Carell thì đa phần im lặng và thể hiện mọi cảm xúc qua cơ mặt, khuôn miệng, cử động mắt... Carell không cần nói nhiều bởi dường như ông càng im lặng bao nhiêu thì lại càng... hài hước bấy nhiêu.

Quay lại với câu chuyện về giấc mơ và những ảo tưởng đã được nhắc đến ở phần mở đầu thông qua ánh mắt của cô bé Oliver. Trong đoạn kết phim, người xem có thể gặp lại bức thông điệp này khi chiếc xe buýt chở 6 người nhà Hoover tưởng đã đi tới đích là khách sạn tổ chức cuộc thi hoa hậu, có thể chạm vào mà lại hóa rất xa, tưởng bắt được đến nơi cuối cùng lại để vụt mất. Nó giống như một ẩn dụ về giấc mơ và những ảo tưởng mà chúng ta theo đuổi. 


Cũng bởi là giấc mơ và ảo tưởng, cho nên Little Miss Sunshine không sử dụng một đoạn kết "viên mãn" thường thấy trong các bộ phim hài hước dành cho gia đình, nó kết thúc theo đúng cách thức vẫn diễn ra trong cuộc đời chúng ta. Đó là một hành trình có thể không kết thúc như mong đợi, nhưng khi đi tới điểm cuối, bạn chợt nhận ra rằng kết quả hóa ra không quan trọng bằng những thứ bạn thấy và học được ở trên đường.

Little Miss Sunshine (2006)

Đạo diễn: Jonathan Dayton và Valerie Faris
Diễn viên: Greg Kinnear, Steve Carell, Toni Collette, Paul Dano, Abigail Breslin, Alan Arkin

Phim có kinh phí chỉ 8 triệu USD nhưng đạt doanh thu hơn 100 triệu USD, thu được đánh giá tích cực từ giới phê bình và khán giả. 

Tại Oscar 2007, Little Miss Sunshine đã có tên trong 4 đề cử: Phim hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất, Nam - Nữ phụ xuất sắc nhất. Kết quả, phim giành hai giải Oscar cho kịch bản gốc (Michael Arndt) và vai nam phụ (Alan Arkin - thủ vai người ông "dân chơi" của cô bé Oliver). Đây cũng là hai hạng mục mà phim chiến thắng tại lễ trao giải BAFTA. Phim còn giành giải Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải César của Pháp và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh khác. 

Abigail Breslin khi nhận được đề cử Giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất mới lên 10 tuổi, cô bé là diễn viên nhỏ tuổi thứ tư từng được đề cử giải Oscar thời điểm đó (sau Tatum O'Neal, Mary Badham và Quinn Cummings), Alan Arkin, người thủ vai ông của cô bé trong phim, đã nói rằng không muốn cô bé thắng giải vì cô bé đã chịu quá nhiều sự quan tâm và cần phải có tuổi thơ của riêng mình.
Chia sẻ