Hội chứng tự tử của sao Hàn Quốc

,
Chia sẻ

Chưa bao giờ showbiz Hàn lại "tang tóc" như vài năm trở lại đây. Bên cạnh sự ra đi của một số ít ngôi sao vì bệnh tật, tai nạn thì những cái chết còn lại đều do tự tử.

Nổi tiếng cũng bất hạnh

Lần giở lại những vụ tự kết liễu đời mình của "sao" Hàn từ năm 2005 đến nay, người ta nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến những kết cục bi thảm mà người nổi tiếng ở nước này phải ghánh chịu là do họ bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Dư luận Hàn Quốc quá khắt khe với các ngôi sao. Họ luôn bị săm soi. Khi làm những việc tốt, họ được cả cộng đồng tung hô, nhưng chỉ cần có một việc gì đó không tốt, họ sẽ bị dè bỉu và công kích không thương tiếc.


Nữ diễn viên Lee Eun Joo chính là người "khơi mào"
cho làn sóng tự tử ở xứ Hàn

Người mở đầu, "khơi mào" cho trào lưu tự tử ở xứ Hàn chính là nữ diễn viên hạng A Lee Eun Joo - ngôi sao của hàng loạt bộ phim ăn khách như "Chim lửa", “Cờ thái cực”, “The Scarlet Letter “,… Ngày 22/2/2005, Lee Eun Joo treo cổ tự tử tại phòng ngủ của mình ở Seoul. Bên cạnh thi thể cô là một lá thư tuyệt mệnh được viết bằng máu. Bức thư có đoạn viết:“Mẹ yêu dấu, con xin lỗi... Cuộc sống dường như không còn ý nghĩa nữa. Con không muốn nổi tiếng. Con từng ao ước kiếm được thật nhiều tiền... Con cảm thấy như bị vào bẫy, và không muốn người khác nhìn con như thế. Bây giờ đã là giữa tháng hai rồi. Tới lúc này mà con còn bị đeo bám”. Theo gia đình Lee Eun Joo cho biết, thời gian đó, cô bị rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ngủ kéo dài sau khi đóng những cảnh khỏa thân quá táo bạo trong phim “The Scarlet Letter”.

Nối tiếp Lee  Eun Joo, người ta lần lượt chứng kiến sự ra đi của hai diễn viên trẻ tài năng, xinh đẹp U-nee và Jung Da Bin, ... Tiếp sau đó, năm 2008, showbiz  Hàn tiếp tục bị chấn động lớn bởi hội chứng tự tử của hàng loạt các ngôi sao nổi tiếng như: ca sĩ Kim Min Soo của nhóm Monday Kiz, diễn viên Lee Eon, nam diễn viên Ahn Jae Hwan, nữ hoàng điện ảnh Choi Jin Sil, nữ diễn viên chuyển đổi giới tính Jang Chae Won, diễn viên kiêm người mẫu Kim Ji Hoo... Chỉ tính riêng tháng 11/2008 đã có 4 ngôi sao tìm đến cái chết để trốn chạy những rắc rối trong cuộc sống thường ngày.


Nữ ca sỹ kiêm diễn viên U-nee cũng kết liễu đời mình hôm 25/1/2007 khi mới 26 tuổi.

Bước sang năm 2009, tình hình cũng không khả quan hơn khi ngay từ tháng 1, người ta đã phải vĩnh viễn chia tay với nam diễn viên 30 tuổi Kim Seok-gyun. Tiếp sau anh, ngày 7/3/2009, nữ diễn viên của phim “Boys before Flowers”, Jang Ja Yeon đã ra đi trong tuyệt vọng và mang theo nhiều khuất tất trong thế giới "ngầm" của làng giải trí Hàn Quốc. Cái chết của cô đã trở thành vấn đề quốc gia vì sau đó người ta đã phát hiện ra cô bị ép buộc phải "lên giường" với nhiều nhân vật "tai to mặt lớn" trong ngành giải trí nước này.

Tháng 4/2009, nữ diễn viên 24 tuổi Woo Seung Yeon treo cổ tại nhà riêng. Tháng 11/2009, người mẫu Kim Daul  cũng chọn giải pháp tự kết liễu cuộc đời ở tuổi 19 vì quá cô đơn. Nam diễn viên Kim Seok Gyun tự sát vì quá chán nản với áp lực cuộc sống. Ngôi sao ca nhạc Lee Seo Hyun đã treo cổ chết ngay tại phòng thu của nhóm nhạc tại Seol Yang Jae Dong vì thất bại trong việc làm ăn.

Và nằm trong làn sóng nghệ sĩ Hàn tự tìm đến cái chết gần đây nhất là diễn viên, ca sĩ Choi Jin Young - em trai của nữ diễn viên bạc mệnh Choi Jin Shil. Anh ra đi vì bị ảnh hưởng từ cái chết oan ức của người chị gái cộng thêm áp lực khi bộ phim mới không được thành công như mong  đợi. Sau cái chết của Choi Jin Young, người ta đang nghi ngờ về khả năng quay lại của "nạn dịch" nguy hiểm này. Không biết tiếp sau anh, ai sẽ là nạn nhân của nó.
 

Một tháng sau khi U-nee mất, đến tháng 2/2007, nữ diễn viên Jung Da Bin
cũng nối gót đồng nghiệp từ giã cõi đời ở tuổi 27.
Hội chứng tự tử của sao Hàn – Vì đâu nên nỗi?

Giải mã cho xu hướng tự tử mang hiệu ứng "domino" tại xứ Hàn, các chuyên gia tâm lý nhận định rằng hầu hết các "nạn nhân" đều bị mắc căn bệnh trầm cảm nặng do phải chịu quá nhiều áp lực, gặp khó khăn trong công việc, dính tin đồn bôi nhọ danh dự, bị gửi thư đe dọa và hệ lụy của những bức ảnh “nóng” bị tung lên mạng. 

Đặc điểm văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc là rất coi trọng danh dự và một khi bị tổn thương, họ thường chọn cách cực đoan để lấy lại thanh danh cho mình. Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý vẫn không được coi trọng ở đất nước ảnh hưởng nặng nề bởi nho giáo này.

Theo chuyên gia tâm thần học Kim Jeong-Il, có rất nhiều diễn viên của ngành giải trí Hàn Quốc đang bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Sở dĩ diễn viên Hàn Quốc dễ bị stress hơn ở các nước khác là vì ở nước này, nghề diễn viên vẫn bị xã hội nhìn nhận với con mắt coi thường, khinh rẻ. Trong nền văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, những người làm việc trong ngành giải trí thường bị xã hội cho đó là người mua vui cho người khác, nghề diễn viên bị cho là một nghề thấp kém. Hơn nữa, các ngôi sao điện ảnh thường bị suy nhược nặng sau khi dành quá nhiều tâm lực cho các vai diễn. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng luôn cố gắng để giấu nhẹm những vấn đề thần kinh mình gặp phải vì sợ bị coi là điên khùng, bị cộng đồng xa lánh, sợ bị fan tẩy chay,... Và một khi sự căng thẳng ấy đến ngưỡng không thể chịu nổi, họ sẽ tìm cách tự sát để giải phóng bản thân mình.


Cái chết của Jang Ja Yeon liên quan đến nhiều bí mật trong "thế giới ngầm"
của làng giải trí xứ Kim chi
Còn một lý do khác theo bà Ha Bo Yi, 34 tuổi, nhà quản lí của ca sỹ Lee An thì chính sự trông đợi quá lớn của các fans vào thần tượng của họ khiến các ngôi sao luôn bị áp lực phải xây dựng cho mình một hình ảnh thật hoàn hảo. Công chúng Hàn Quốc không thích thấy các thần tượng của họ làm những công việc tầm thường như một người bình thường vẫn làm. Các ngôi sao phải luôn giữ vững hình ảnh lung linh của mình trong mắt công chúng mọi lúc mọi nơi. Bởi vậy, chính bản thân những người nổi tiếng cũng không thể chấp nhận được bản thân mình khi họ phạm phải mộc chút sai lầm dù là nhỏ nhất.

Cuối cùng, còn một lý do nữa được đề cập đến chính là nỗi sợ bị thất nghiệp của các sao. Mức độ cạnh tranh trong làng giải trí Hàn Quốc là rất lớn, do vậy những người được coi là người của công chúng luôn bị áp lực đè nặng. Chỉ cần một sai sót nào đó khiến người hâm mộ quay lưng lại là họ sẽ bị…thất sủng và thất nghiệp luôn. Do đó, lúc nào họ cũng tâm niệm trong đầu là phải luôn luôn cố gắng hết sức để bảo vệ hình ảnh cũng như sự yêu mến của mình trong mắt khán giả.

Có thể ngăn chặn "đại dịch"?


Sự việc đau lòng nhất của vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc chính là sự ra đi đầy bi kịch
của hai chị em ruột Choi Jin Shil và Choi Jin Young.

Dẫn lời bác sỹ tâm thần học Oh Kang-Seob: "Khủng hoảng tâm lý quả thật là xu hướng đáng báo động. Nó là một căn bệnh có thể chữa khỏi nếu được điều trị và uống đúng thuốc. Tự tử cũng có thể được ngăn chặn. Người Hàn phải thay đổi quan niệm lỗi thời về nhìn nhận người rối loạn tâm thần và phải không do dự đến gặp bác sĩ lập tức khi phát hiện có dấu hiệu khủng hoảng tâm lý.” 

Thiết nghĩ, để nạn tự tử không còn là một dịch bệnh lây lan trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc, đã đến lúc chính phủ nước này cần phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh tay hơn nữa để có đủ sức răn đe, ngăn chặn những tin đồn thất thiệt nhẳm bôi họ thanh danh người khác trên internet. Mặt khác, tự bản thân những ngôi sao Hàn Quốc, họ cũng phải dũng cảm tự tìm lối thoát cho mình bằng cách giãi bày, thổ lộ những vướng mắc trong đời sống tinh thần mà họ đang phải đối chọi với các chuyên gia tâm lý hoặc với một ai đó để tránh lặp lại những bi kịch không đáng có mà những người trước họ đã mắc phải.
 
Theo Vnmedia
Chia sẻ