Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông

Trang Trần,
Chia sẻ

Có một số bạn nhận định rằng, hôi của giờ là chuyện "thường ngày ở huyện", tâm lý đám đông đang chi phối một số người Việt. Nhưng vẫn còn đó những người tốt, đừng mất niềm tin.

Hôi của là chuyện… thường

Những người được đặt câu hỏi về lý do của nạn hôi của và đặt tình huống “nếu là bạn, bạn có hôi của không?” có nhiều cách giải thích khác nhau về vấn đề này, người phê phán kịch liệt, nhưng có người lại thẳng thắn nhận định: “hôi của là chuyện thường”.

Lý giải cho ý kiến này, anh Nguyễn Quang Anh (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Ai cũng hiểu, và tôi tin bất cứ đứa trẻ nào cũng được dạy từ thuở bé là không nên lấy của rơi của người khác làm của riêng. Theo logic ấy, khi thấy một vụ tai nạn, hàng hóa hoặc những thứ có giá trị của người bị bạn rơi ra, những người đi đường nên giúp đỡ chứ không nên hôi của. Tôi chắc chắn những người “hôi bia” ở Đồng Nai vừa qua đều biết những gì mình đang làm là sai. Đương nhiên, tôi không cổ xúy và ủng hộ họ”.

Nhưng cần nghĩ rằng, có vài lý do khiến họ làm như vậy. Hôi của, có lẽ là sự bộc phát nhất thời của tâm lý đám đông. Có thể ban đầu rất nhiều người không muốn và không có ý định hôi của, nhưng thấy nhiều người cùng xông vào lấy, họ nghĩ tội gì mà không làm? Trong cuộc sống, chính suy nghĩ đó làm cho chúng ta cũng mắc lỗi. Nếu bạn ở đó vào đúng thời điểm đó mà bạn không làm như thế, điều đó nghĩa là bạn kiềm chế giỏi hơn họ, tỉnh táo hơn họ. Những người sống trong nền văn hóa làng xã như chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông, hãy thông cảm cho họ” – anh nhận định.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 1

Dư luận vẫn rất quan tâm đến vụ "hôi bia" ở Biên Hòa, Đồng Nai.

Cũng cùng chung ý tưởng này, chị Đỗ Minh Thảo (Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) giải thích: “Hôi của là chuyện dễ hiểu thôi, bởi người ta luôn thích lấy những gì miễn phí hoặc họ cho là miễn phí. Theo tôi, có thể những người hôi bia cũng như hôi hàng hóa trong tai nạn nghĩ rằng mình đang lấy từ một công ty giàu có chứ không phải lấy cắp của người tài xế. Có lẽ họ tin rằng, những hàng hóa tràn xuống đường là quà “trời cho” và còn anh tài xế kia chắc sẽ không bị ảnh hưởng gì nên cứ… vô tư”.
 

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 2
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra khi nhận định về "vấn nạn" hôi của.

Hôi của đồng nghĩa với ăn cướp

Đa phần những người được khảo sát đều rất “dị ứng” và bức xúc trước nạn hôi của. Trần Thu Thảo (nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, nghe được thông tin về vụ hôi bia, cô thấy rất buồn và mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có giải pháp giúp đỡ người không may cũng như có biện pháp răn đe, trừng phạt những người đã tham gia vào vụ hôi của đó.

Thảo gay gắt: “Tôi nghĩ hôi của là hành động đáng nên án. Mọi người cứ thử đặt mình vào tình trạng của người bị hại xem. Lý do khiến người ta hôi của những xe chở hàng gặp sự cố hoặc tranh thủ tai nạn giao thông để lấy cả túi xách, xe máy, thậm chí tiền phúng điều của người đã khuất trong tai nạn, tất cả chỉ vì lòng tham và thói ích kỷ”.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 3
Thu Thảo cho rằng: "Người ta hôi của vì lòng tham và ích kỷ".

Đồng ý với Thu Thảo, anh Nguyễn Quang Hà (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Hành động hôi của những xe chở hàng gặp tai nạn là không thể chấp nhận được. Hàng trăm người đổ xô ra hôi bia, đánh cả xe ba gác để chở bia, có người leo luôn vào xe để lấy cả những thùng bia chưa rơi, đó là một vụ ăn cướp đúng hơn là một vụ hôi của, tệ hơn nữa là ăn cướp công khai, ăn cướp tập thể. Đó là một biểu hiện của nền đạo đức xã hội đang xuống cấp, đi ngược lại truyền thống tương thân tương ái, trọng tình nghĩa của người Việt”.

Anh Quang Hà ngậm ngùi kể lại: “Hồi tôi còn là sinh viên, tôi kiếm thêm tiền bằng cách chở hàng thuê cho một nhà phân phối bán lẻ. Có lần, chở quá nặng, toàn bộ hàng hóa (nhu yếu phẩm gia đình) trên xe tôi đổ hết xuống đường. Người dân hai bên đường nháo nhào vào nhặt, tôi đã chực khóc và nghĩ đến việc sẽ phải trả một số nợ khổng lồ. Nhưng hóa ra họ đến nhặt giúp tôi, còn đỡ giúp xe và chất hàng lại cho tôi nữa. Đó là chuyện vài năm trước, còn bây giờ thì…

Hôi của không liên quan đến cái nghèo

Trước ý kiến “bênh” những người hôi của là bởi cái nghèo, bởi bí bách khốn cùng, bạn Dương Hương (kế toán) khẳng định: “Tôi hoàn toàn không đồng ý khi có người cho rằng người ta hôi của “nhiệt tình” như vậy vì cái nghèo hay sự khốn cùng. Những người hôi của có lẽ là những người có lòng tham từ trong bản chất, chứ chẳng phải vì nghèo hay giàu. Rõ ràng trong những người đến hôi bia còn có cả xe sang, xế xịn đó chứ! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều đó cũng không chấp nhận được!

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 4
Dương Hương quả quyết, chị sẽ không "hôi của".

Hương chia sẻ: “Nếu gặp một đống hàng hóa, tiền hoặc vàng… bị rơi giữa đường, tôi sẽ suy nghĩ, nhưng không phải nghĩ xem có nên lấy hay không hay lấy bằng cách nào mà nghĩ sẽ báo với cơ quan chức năng nào để họ đến giải quyết. Đói cho sạch, rách cho thơm, tôi nghĩ không nên lợi dụng người lúc sa cơ mà lấy của cải của họ”.

Trên mạng xã hội, không ít người đã chế ảnh “đá xoáy” những người đi tranh bia rơi trên đường. Mới đây, bức ảnh chụp một người dân đang treo tấm băng rôn với nội dung: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12” đã “gây bão” trong cộng đồng mạng.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 5
Cộng đồng mạng chia sẻ những tranh biếm họa vụ "hôi bia".

Không ít người dân Biên Hòa cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng bản thân họ cũng cảm thấy xấu hổ khi việc này diễn ra ngay tại quê nhà của mình.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 6
Một cư dân mạng là người Biên Hòa chia sẻ quan điểm vụ "hôi bia".


Đừng vì vài biểu hiện xấu mà mất lòng tin vào con người

Bên cạnh những ý kiến “ném đá” hay tìm cách bào chữa cho những người hôi của còn là những người ôn hòa hơn với quan điểm: “đừng vì vài biểu hiện xấu mà mất lòng tin vào con người”. Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng bày tỏ niềm tin vào con người, vào truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã thành bản sắc của người Việt.

Nhiều Facebooker đã chia sẻ những chuyện họ đã giúp đỡ người khác hoặc chứng kiến ai đó gặp nạn được giúp đỡ như để khẳng định lòng tốt của con người. Một nữ thành viên kể chuyện nhặt được điện thoại của một người làm rơi trên đường và đứng chờ cho đến khi người đó quay lại lập tức được bạn bè “like” và bình luận rào rào.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 7

Chuyện nhặt được của rơi trả lại người bị hại của một cư dân mạng được hưởng ứng.

Một người bạn của thành viên này chia sẻ dưới câu chuyện: “Ngày trước em cũng thế. Lên KTX để xe máy ở dưới quên luôn chìa khóa. Lên buôn chuyện tương đối lâu với mọi người, lúc xuống vẫn không phát hiện ra. Có hai bạn ngồi ghế đá từ lúc em lên, mình còn nghĩ trong đầu sao hai bạn ngồi lâu thế nhỉ? Lúc xem xe mới phát hiện mình quên chìa khóa, hai bạn ý cười bảo: “Mình thấy bạn quên chìa khóa nên chờ” rồi đứng dậy đi về. Cảm ơn rối rít, may mà mình gặp được người tốt”.

Một câu chuyện khác về lòng tốt của người đi đường tại phố Trường Chinh, Hà Nội trong sáng 9/12 cũng được chia sẻ trên mạng.

Hôi của và hiệu ứng đằng sau của truyền thông 8
Chủ nhân của status này cho biết, trong xấp tiền bị rơi có nhiều tiền 100.000 đồng và 50.000 đồng, nhưng người đi đường đều nhặt giúp người gặp nạn.

Chia sẻ