Hú hồn những pha y tá chăm sóc bé sau sinh

Moon Child,
Chia sẻ

Nhìn con tím tái, cứng đờ người, hai bàn tay nhỏ nắm chặt vì sợ hãi mà chị không khỏi thấy xót xa.

Khi sinh con ra, người mẹ nào cũng muốn tự tay chăm sóc con mình thật cẩn thận. Tuy nhiên trong những ngày đầu khi cả hai mẹ con còn ở bệnh viện, đặc biệt với trường hợp mẹ sinh mổ, hoặc với những gia đình sản phụ neo người, nhiệm vụ chăm sóc cho các thiên thần nhỏ thường được giao phó cho các cô y tá.

Thực tế, dưới bàn tay chuyên nghiệp và đầy đủ kỹ năng của những “thiên thần áo trắng”, các bé sẽ được an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp chính vì được chăm sóc bởi y tá mà các bé sơ sinh mới xuất hiện những triệu chứng tâm lý và bệnh lý bất thường, ảnh hưởng lâu dài về sau.

Chị Nguyệt (Kim Giang, Hà Nội) vẫn còn tức tối khi kể lại: “Mấy hôm đầu mới về mình không để ý vì còn mệt sau ca đẻ mổ, tuy nhiên sau một vài lần tắm cho con, mình mới thấy con có biểu hiện khá lạ lùng. Lần nào cũng thế, cứ cho con chạm chân vào nước là cháu dúm dó người lại, cơ thể căng cứng và hai bàn tay cháu nắm chặt lại với nhau. Khi mình hỏi một số người quen đã từng sinh con thì các chị cho biết: có thể là do lúc ở bệnh viện, các y tá khi tắm cho bé đã không cẩn thận khiến bé sợ nước. Chính vì vậy nên cháu mới có biểu hiện sợ hãi như thế mỗi khi tiếp xúc với nước tắm”.

Còn ở một bệnh viện phụ sản có tiếng, chị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) lại gặp trường hợp vừa hy hữu vừa buồn cười: Khi đưa trẻ đi tắm, cô y tá đãng trí thế nào lại làm rơi mất số đeo ở tay bé. Đến lúc đưa bé về phòng, y tá chẳng biết phải trả bé cho mẹ nào, lại bế đến từng người để hỏi nhận con. May mà con của chị có một vết chàm ở bắp chân trái nên chị nhận ngay ra cháu, chứ lúc bấy giờ trong phòng cũng có đến vài mẹ đang nghển cổ lên ngóng xem liệu có phải là con của mình hay không.

Không chỉ có chuyện tắm táp cho trẻ sơ sinh, mà những chu trình chăm sóc khác cũng dễ dàng gặp phải vấn đề nếu như y tá chăm con cho bạn không phải là người cẩn thận, hoặc không phải là chỗ quen biết để quan tâm tận tình đến bé.

Hai mẹ con chưa ra viện được bao lâu đã phải gấp gáp bế con đến bệnh viện, chị Ngà (Hoàng Mai, Hà Nội) được một phen hú vía vì đặt niềm tin vào các cô y tá. Mặc dù đẻ thường, nhưng do thiếu máu nên chị phải lưu lại bệnh viện gần 10 ngày để theo dõi. Chồng thì vụng về, lóng ngóng vì đây mới là lần đầu làm bố, trong nhà chỉ còn mỗi bà ngoại, nhưng bà già yếu nên chị cũng không dám để bà chăm cháu, chị đành phó thác mọi việc của con cho nhân viên bệnh viện.

Cháu bé hơn 10 ngày tuổi vẫn chưa rụng rốn, lại hơi sốt nhẹ, rốn có dấu hiệu chảy nước và có mùi hôi. Sau khi nghe bác sĩ khám và bắt bệnh, chị mới biết hóa ra cô y tá thiếu kinh nghiệm, không vệ sinh kỹ vùng rốn cho con sau khi tắm nhúng nước, và lại băng rốn quá kín khiến cho khu vực này bị nhiễm trùng. Thật may mắn là chị đã phát hiện kịp thời, bởi nếu để quá lâu, hiện tượng nhiễm trùng này sẽ nặng thêm và dẫn đến ảnh hưởng thần kinh của bé, trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong.

Hú hồn những pha y tá chăm sóc bé sau sinh 1Thà tự mình học cách chăm con, ban đầu có lóng ngóng đôi tí, nhưng chắc chắn là sẽ cẩn thận, tỉ mỉ và an tâm hơn là giao con cho người ngoài. (Ảnh minh họa)

Còn chị Phương (Tân Mai, Hà Nội) thì lại "méo mặt" vì mất tiền thuê y tá về chăm bé tận nhà mà con vẫn phải vào viện. Sau khi tìm hiểu các dịch vụ y tá chăm sóc trẻ sơ sinh, thấy giá cả khá đắt đỏ (dao động từ 200 – 300 nghìn đồng/lần tùy thuộc xuất thân của y tá là từ bệnh viện nào) nên chị tặc lưỡi nghe theo mẹ chồng, thuê y tá của một trung tâm y tế về tắm và chăm sóc bé với giá 120.000 đồng/lần.

Chưa thấy chuyên nghiệp ở đâu, chị chỉ thấy giờ giấc tắm cho con phải phụ thuộc giờ làm việc của chị y tá, có hôm tắm sớm, có hôm tắm muộn vì phải chờ chị ta xong việc ở chỗ làm. Có lần, chị chạm thử tay vào nước tắm của con thì thấy nhiệt độ quá nóng thay vì tầm 36-38 độ như các chuyên gia khuyến cáo. Khi hỏi đến, chị nhận được lời giải thích là: Dùng nước nóng già để tắm thì trẻ mới không bị viêm phổi. Không chỉ có thế, bằng kinh nghiệm và bàn tay thuần thục, mạnh mẽ của mình, chị ta còn làm cho bé Gon xước cả mũi khi vệ sinh cho cháu.

Nhắc lại chuyện chăm sóc con của y tá, chị Nguyệt vẫn còn ấm ức vô cùng. Mỗi lần nhìn con tím tái, cứng đờ người, hai bàn tay nhỏ nắm chặt vì sợ hãi mà chị không khỏi thấy xót xa. Hiện giờ, sau khi tham khảo nhiều lời khuyên, chị đang phải áp dụng phương pháp tập cho con làm quen dần lại với nước. Mỗi khi tắm cho con, chị không vội vàng cho bé chạm vào nước ngay mà dùng khăn nhúng nước ấm lau dần, đồng thời vừa tắm vừa nói chuyện và cho con nghe nhạc để bé thư giãn hơn.

Chị Phương thì cho biết: “Sau khi thấy chị ta rơ lưỡi cho con bằng mật ong, mình tìm kiếm thông tin trên mạng thấy không an toàn, lại cộng thêm việc mấy hôm thấy không hài lòng về giờ giấc và phương pháp chăm sóc, mình quyết định cho nghỉ luôn. Thà tự mình học cách chăm con, ban đầu có lóng ngóng đôi chút, nhưng mình tin là mình sẽ cẩn thận, tỉ mỉ và an tâm hơn là giao con cho người ngoài.”

Vẫn biết các y tá bệnh viện là những người có chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, giao phó hoàn toàn con mình cho họ thì các mẹ cân nhắc cẩn thận. Nếu không phải là chỗ thân quen hoặc có thể tin tưởng, tốt nhất, các mẹ hãy tìm hiểu và học cách để tự mình chăm con. Nếu bản thân không thể làm được điều đó do hoàn cảnh bất khả kháng, bạn hãy nhờ người thân có kinh nghiệm chăm sóc cho con để có thể được an tâm về sự an toàn của bé.
 
 
Các mẹ chớ lo lắng, bởi vì thật ra tắm cho trẻ sơ sinh không hề khó chút nào!!!
Hú hồn những pha y tá chăm sóc bé sau sinh 2
Chia sẻ