Khi "bão" thất nghiệp gây "bão" trong gia đình

,
Chia sẻ

Với người đàn ông, công việc không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn là niềm vui, danh dự. Nhưng trong cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, không ít ông chồng đã phải chịu cảnh thất nghiệp, ở nhà ngồi không hoặc trông con cho vợ đi làm...

Bỗng dưng... thất nghiệp

Trước đây, anh Vũ, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội làm cho một công ty liên doanh, thu nhập khá. Đang yên đang lành thì cơn suy thoái toàn cầu xảy ra, công ty phá sản. Trong những ngày khó khăn, anh Vũ khó có cơ hội kiếm việc làm trở lại, nên hằng ngày anh chăm chỉ đưa đón con đi học, chờ đợi cơ hội đến với mình. Nhưng suốt ngày ở nhà, anh Vũ đâm ra chán nản, mệt mỏi. Mấy lần đi tìm việc không thành đã khiến anh bi quan hơn, tìm đến rượu để giải buồn, cuộc sống vợ chồng từ đó thêm lục đục.

Thất nghiệp, những quán nước chè vỉa hè tập trung khá nhiều đàn ông nhàn rỗi. Những từ “chán” luôn được gắn trong câu chuyện của họ. Anh Đức Long thuê một căn hộ mở công ty riêng, công việc khó khăn nên làm ăn thua lỗ. Công ty phải đóng cửa, anh tâm sự: “Dạo này chán, chỉ muốn đi đâu đó thật xa, về nhìn thấy vợ con lại chạnh lòng. Mình là trụ cột gia đình mà không thể lo cho vợ con”.
 

Chỉ nên xem thất nghiệp như một tai nạn. (Ảnh minh họa)


Theo TS. Nguyễn Linh Khiếu (Trưởng ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản), trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nạn thất nghiệp trở nên trầm trọng trong đó không ít lao động là đàn ông Việt Nam, buộc phải sống nhờ các thành viên trong gia đình, thường là nhờ vợ.

TS Khiếu cho rằng, đây cũng là chuyện thường tình của đời sống các gia đình hiện đại, nhất là trong gia đình Việt Nam, mọi tài sản, thu nhập được xem là của chung. Đây là thời điểm khó khăn, thử thách sự bền vững của các gia đình, nhất là những gia đình trẻ. Về mặt kinh tế thì mất đi một nguồn thu nhập, về mặt tâm lý thì thường nảy sinh tình trạng bi quan, mất tự tin, trầm cảm, mặc cảm, bức xúc...

Chỉ nên xem là một “tai nạn”

Chị Thanh Hải, số nhà 24, ngõ 2, Cầu Giấy, Hà Nội là một phụ nữ năng động, tháo vát. Chị vừa cưới chồng hồi đầu năm, chồng chị trước làm cho một công ty du lịch, vào thời điểm khó khăn, anh bị mất việc. Vốn là một phụ nữ tự tin, chị biết mình có thể khích lệ được người đàn ông của mình và có thể hỗ trợ chồng một công việc phù hợp.

Những ngày tháng đầu tiên của cuộc hôn nhân là giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng. Thay vì đi nghỉ tuần trăng mật, chị Hải ngược xuôi kiếm lớp học thêm cho chồng vì chị phát hiện ông xã có năng khiếu về đồ họa nên khuyến khích chồng theo hướng đó. Trước sự tận tâm của vợ và tự trọng của một người đàn ông, anh Tú (chồng chị) đã đi học, để mong kiếm được một công việc khác. Ở bên cạnh một người phụ nữ luôn nhiệt huyết với cuộc sống, anh Tú thấy mình thật may mắn.
 

Dù lo lắng nhưng người vợ nên bình tĩnh, chia sẻ và cảm thông với chồng. (Ảnh minh họa)


TS Hồ Bất Khuất (Trưởng ban Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em) cho rằng, dù là người đàn ông mạnh mẽ và có bản lĩnh, nhưng khi mất việc, anh ta vẫn bị sốc, bị choáng. Mất việc, không chỉ mất thu nhập, mà người đàn ông còn thấy bị tổn thương sâu sắc vì có ý nghĩ “mình là người kém, người thừa” mới bị sa thải. Thực tế không phải thế, khi kinh tế khủng hoảng chỉ nên xem bị mất việc là một “tai nạn” chứ không phải “tai hoạ”. Vì vậy, dù buồn, dù lo nhưng người vợ không được trách móc, khinh rẻ người chồng; ngược lại, phải tỏ thái độ bình tĩnh, vững vàng, chia sẻ, thông cảm với người chồng. Sự vững vàng, thông cảm của các thành viên trong gia đình sẽ giúp người mất việc tĩnh tâm trở lại, tìm hướng giải quyết hợp lý nhất.

Tiến sĩ tâm lý học Lê Tiến Hùng thì cho rằng, để người chồng tự tin vượt lên hoàn cảnh, người vợ cần quan tâm, chia sẻ cùng chồng những suy nghĩ, cùng tìm kiếm việc làm và nhất là tạo cơ hội để chồng cùng mình tìm được nhiều niềm vui khi chăm sóc con và làm việc nội trợ. Người vợ tránh kêu ca, phàn nàn về những bức bối kinh tế của gia đình. Ai trong xã hội hiện đại cũng có thể thất nghiệp và cơ hội tìm kiếm việc làm bao giờ cũng xuất hiện. Xã hội hiện đại có rất nhiều thách thức với gia đình trẻ và vượt qua được những thách thức đó thì mới tồn tại và hạnh phúc.
 
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thống kê từ 38 tỉnh, thành hiện đã có 9 làng nghề phá sản, 124 làng nghề đang cầm cự sản xuất. Gần 2.200 hộ sản xuất khối làng nghề tuyên bố phá sản, 468 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Dự báo số lao động có khả năng mất việc của khu vực này có thể lên tới hàng triệu người trong năm nay.
 
 
Theo GĐ&XH
Chia sẻ