Khi bé nói leo

,
Chia sẻ

Nhiều bậc cha mẹ bực mình khi đang nói bị con cắt ngang. Với vẻ chống đối, bé cứ thao thao bất tuyệt, chẳng thèm để ý phản ứng của bạn.

Một đứa trẻ hay cướp lời người lớn thường bị gán cho tội hỗn láo, vô lễ và cứng đầu. Nhưng động cơ thật sự của bé có lẽ không nghiêm trọng đến vậy.
 
Lý do khiến bé hay nói leo

1. Lập luận của bé đã chín chắn hơn. Bé dần có quan điểm của mình về những vấn đề nó quan tâm. Cảm giác háo hức khi thấy mình có đủ khả năng tham dự vào đề tài của người lớn thôi thúc bé thể hiện.
2. Bé đã lớn và hiểu nhiều khái niệm trừu tượng như sự công bằng, đạo đức hay bình đẳng. Khi còn ở tuổi tập đi, “sự mất cân bằng về quyền lực” được bé giải quyết bằng cách nổi giận và khóc lóc, buộc người lớn phải nhượng bộ. Nhưng khi đã lớn hơn, bé thích sử dụng “sức mạnh của lời nói” để khẳng định sự có mặt của mình.

3. Động cơ thứ 3 ít được cha mẹ để ý đến nhưng lại thật quan trọng đối với bé. Bé mong cha mẹ hiểu những gì chúng muốn làm và cách duy nhất là phải bày tỏ và thuyết phục.

Vì vậy, việc trẻ cướp lời không hẳn là thái độ vô lễ hoặc tật xấu. Đơn giản, đó chỉ phản ảnh một giai đoạn phát triển của bé. Việc của cha mẹ không phải là la mắng mà dạy cho bé cách nói đúng mực. Thế hệ ông bà chúng ta gọi là “lễ phép”. .
 

Hãy tôn trọng ý kiến của trẻ

Thái độ của người lớn khi trẻ nói leo

1. Không nên giành nói với bé. Bạn nên cố gắng nói với giọng và nhịp điệu bình thường dù bé có lớn tiếng đến đâu đi nữa.

2. Khi bé cướp lời, bạn có thể tạm ngưng câu nói của mình và lắng nghe xem con muốn gì. Khi bé vừa kết thúc ý kiến, bạn tiếp tục nói suy nghĩ của mình.. Việc này có thể phải lặp đi lặp lại vài lần cho đến khi bé hiểu nguyên tắc mỗi người không nên ngắt lời người đối thoại cho dù không muốn nghe. Bằng cách đó bạn đã dạy được bé phép lịch sự.

3. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể dạy bé bằng cách nhắc nhở bé, chẳng hạn: “Mẹ đã hiểu những gì con muốn nói và bây giờ để cho công bằng thì con phải nghe mẹ giải thích”. Chỉ một lời nhắc nhở ngắn gọn và nhẹ nhàng nhưng có thể làm cho trẻ tự suy nghĩ về thái độ của chúng, hình thành ý thức về sự công bằng.

4. Bạn cũng nên cho bé biết bạn đã hiểu suy nghĩ của con sau khi lắng nghe những gì nó nói, nếu không, bé cứ nghĩ bạn chẳng để tâm chuyện của nó và sẽ tìm cách nhắc lại. . Ví dụ: “ Mẹ đã hiểu ý con rồi”, tốt nhất là bạn bày tỏ ngay quan điểm hoặc cách giải quyết của mình để bé cảm thấy yên tâm hoàn toàn. Nếu không, bạn có thể hứa sẽ suy nghĩ về vấn đề này sau.

Có rất nhiều cách trả lời cho một mục đích duy nhất là để bé thấy mình được lắng nghe. Từ đó bé sẽ học cách biết lắng nghe người khác.

Theo Web trẻ thơ
Chia sẻ