Khi gái công sở nghiện mua sắm online

Por,
Chia sẻ

Dù làm việc nhưng trên màn hình vẫn luôn hiện thị các trang web hay diễn đàn mua sắm, điện thoại hẹn hò và chuyển phát nhanh tới tấp chính là chân dung của những cô nàng nghiện mua sắm online nơi công sở

Ảnh hưởng đến công việc

Nếu các đồng nghiệp thường “ăn bớt” chút thời gian đầu ngày để đọc báo trước giờ làm thì  những trang Hà truy cập đầu tiên khi mở máy tính và tắt cuối cùng khi phải tắt máy lại là các diễn đàn mua sắm online như muare hay lamchame...

Và không phải chỉ dành 5-10 phút như các đồng nghiệp mà thời gian cô lang thang tại những trang mua bán này là cả tiếng đồng hồ vào lúc đó chỉ để nghiên cứu, ngắm nghía xem hôm nay có mẫu nào mới, có đồ gì đẹp để đặt mua. Nếu không nhìn nội dung hiện thị trên màn hình, nhìn thái độ nghiêm túc và căng thẳng của Hà hẳn người ta nghĩ cô phải đang hăng say làm việc lắm. Nhưng có lại gần mới biết, cái thái độ chăm chú của cô đang dành cho những cây son, bộ váy, đôi giày lung linh trên mạng.

Khi gái công sở nghiện mua sắm online 1
Mua sắm online là niềm đam mê của nhiều chị em.

Những diễn đàn mua sắm cho phái nữ, chẳng trang nào mà Hà không có nick, không là thành viên gắn bó, quen thuộc. Dù gắn chặt 8 tiếng vàng ngọc ở văn phòng, nhưng chỗ nào sales cái gì, chỗ nào bán mặt hàng gì Hà đều nắm được. 

Tiện lắm, cần mua gì, chỉ việc gửi pm (tin nhắn trong hệ thống diễn đàn), hoặc nhắn tin, gọi điện, nếu xa thì chuyển phát nhanh toàn quốc 1 vài ngày là nhận được,  nếu gần lúc sau là có người mang hàng đến tận nơi, chả phải nắng gió đi mua – Hà phân trần lý do cô nghiện mua sắm online.

1 tuần thì có đến 2 - 3 ngày nếu Hà không nhận được chuyển phát nhanh hàng hóa thì cũng là tiếp người ship hàng trong giờ làm việc. “Nếu tuần nào không mua được cái gì thì em bứt rứt khó chịu lắm”, cô kể

Là nhân viên văn phòng bình thường với thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 6 triệu nhưng do mua sắm nhiều như vậy nên hậu quả tất yếu là lúc nào Hà cũng trong tình trạng hết tiền, thậm chí cô còn phải xin thêm gia đình và vay cả bạn bè.

Không chỉ lúc nào cũng viêm màng túi, hôm họp tổng kết tháng vừa rồi, Hà chính thức bị trưởng phòng khiển trách vì làm việc không tập trung gây ra, gây ra hậu quả nghiêm trong bởi hôm trước cô vừa đặt hàng, vừa làm báo cáo nên đã nhập sai số liệu. Lời cảnh cáo “Nếu tiếp tục vi phạm sẽ đuổi việc”, khiến cô gái trẻ phải suy nghĩ về việc cai nghiệm mua sắm online của mình

Đến đồng nghiệp dị nghị

Không khác gì Hà, nhưng nếu xét về "level" nghiện mua sắm, Hồng còn cao thủ hơn Hà nhiều bậc. Hễ cứ rảnh lúc nào là cô lang thang lên các diễn đàn mua sắm lúc đó. Trên máy tính của cô, mục thời trang của diễn đàn lamchame thậm chí còn được cài làm trang chủ, nghĩa là cứ mở trình duyệt là tự động đăng nhập. 

Là một nhân viên kinh doanh giỏi lại là tiểu thư con nhà khá giả nên Hồng khá rủng rỉnh kinh tế mua sắm. Cô nghiện tất cả những gì thuộc về làm đẹp và thời trang từ quần áo, váy vóc đến nước hoa, mỹ phẩm. Không chỉ dừng ở mua sắm trong nước và cô còn nghiện mua sắm từ các trang web nước ngoài bởi có nhiều mẫu mã đẹp, lại hay có giảm giá. Cô tiết lộ, mỗi tháng mua sắm online cũng ngốn của cô ít nhất hơn 10 triệu.

Khi gái công sở nghiện mua sắm online 2
Một góc gia tài của cô nàng nghiện mua sắm.

Chỉ riêng bộ sưu tập nước hoa của cô cũng lên tới hơn 30 chai to nhỏ. Còn về quần áo, do mua sắm quá nhiều nên “mình cũng chả nhớ mình có bao nhiêu đồ”. Thậm chí có rất nhiều món cô mua về theo cảm hứng rồi chưa động đến một lần.

Lượng mua sắm của Hồng quá nhiều nên hầu như ngày nào là cô không có bưu phẩm hay có người chuyển hàng đến tìm, thậm chí có ngày đến 3 – 4 lần, do đó nhiều người làm cùng không khỏi “ngứa mắt” với cảnh cô gái trẻ suốt ngày đi lấy đồ, thử đồ. Hồng ấm ức kể: "Có lần vừa đi ăn trưa với bạn về thì có người giao hàng, do đi ăn trưa không mang nhiều tiền lại ngại vào phòng lấy tiền nên mình vay tiền của bạn để trả trước, thế mà mấy hôm sau ở công ty đã có tin đồn lấy tiền của trai bảo sao mua sắm nhiều thế”.

Chưa hết, mới gần đây, Hồng cũng bị đội bảo vệ và hành chính của công ty nhắc nhở vì lạm dụng giờ giấc làm việc và cho người lạ ra vào cơ quan quá nhiều.

Và những tai nạn đau thương

Đối với mua sắm trực tiếp, nhiều khi thử lên, thử xuống mà còn phải cái lỗi, cái hỏng, nên đối với những người mê mua sắm online thì bên cạnh sự tiện, nhanh là rất nhiều tai nạn như nhận hàng không đúng size, đúng màu, chất xấu, mặc không đẹp, hãng lỗi, rách.

Rất nhiều trường hợp vì đã yêu cầu người bán hàng giao hàng đến nơi nên khi hàng đến nơi dù không thực sự ưng nhưng ngại nên vẫn phải lấy, Hà chia sẻ. Cô kể thêm, có lần thích đôi giày trong Sài Gòn quá nên đặt mua, tuy nhiên lúc nhận được lại không vừa size. "Nhưng đôi giày có hơn 300.000 đồng mà tiền vận chuyển 1 lượt cũng đã rơi vào khoảng 40.000 đồng, chuyển ra, chuyển vào cũng quá tội nên đành để đấy cho hoặc bán lại giá rẻ".

Cũng tương tự như Hà, Hồng - dù chịu khó canh giảm giá nhưng một món đồ của cô nàng bỏ nhẹ cũng phải từ $20 (khoảng 400.000 đồng) một món, tuy nhiên, những món đồ này hoàn toàn chỉ mua theo ảnh nên cái rộng, cái chật, cái mặc vào xấu điên, hay mất cúc, bị bẩn trên đường đến tay chủ nhân là những chuyện “khá thường ngày ở huyện”.

Khi gái công sở nghiện mua sắm online 3
Từ quần áo...

Khi gái công sở nghiện mua sắm online 4
Đến mỹ phẩm đều có thể bị thanh lý khi hết thích.

Mua nhiều cũng đồng nghĩa với việc khó có thể sử dụng hết đồ hoặc cả thèm chóng chán nên không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng các cô nàng nghiện ngập như Hà và Hồng lại phải làm một topic thanh lý những đồ không vừa hay hết ưng để "gỡ" lại tiền. "Khi mua thì đắt chứ bán lại được bao nhiêu" - Hồng chép miệng. Và quả thực, những món đồ mua hàng triệu mới xài 1 vài lần có khi phải bán tống, bán tháo với giá chỉ từ 1/3 đến 2/3 giá trị thật. 
Chia sẻ