Khi mẹ chồng khắc khoải dựa cửa chờ con dâu

,
Chia sẻ

Mỗi lần, đi làm về đến nhà, Tuyết thấy mẹ chồng bắc ghế, bật đèn ngồi chờ sẵn ở cổng. Lần nào cô cũng bị nhắc nhở.

Sau ngày lên xe hoa...

Tuyết và Quân yêu nhau từ khi còn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Sau 3 năm tìm hiểu, tốt nghiệp xong hai người đã quyết định đi đến hôn nhân.

Tuyết tưởng như đang mơ bởi lấy được người chồng yêu thương mình, hơn thế nữa gia đình Quân lại vào bậc khá giả, có tiếng đất Sài thành. Ngờ đâu, cuộc đời Tuyết rơi vào cay đắng, ê chề kể từ ngày lên xe hoa... 

Sau đám cưới, Tuyết về sống chung với gia đình Quân trong một căn biệt thự lớn tại quận 2, TP.HCM. Hai vợ chồng trẻ vừa ra trường đã có việc làm ngay quả là điều may mắn. Gia đình chồng có công ty riêng nên Quân về hỗ trợ thêm cho bố, mẹ, còn Tuyết được nhận vào làm ở bộ phận quan hệ khách hàng cho một công ty truyền thông tại quận 1.

Kể từ lúc sinh đứa con đầu lòng, mẹ chồng Tuyết có ý không muốn con dâu tiếp tục đi làm. Do còn mới mẻ nên bà chỉ nói bóng gió để cô con dâu tự hiểu: “Nhà mình không thiếu tiền nên người phụ nữ quan trọng nhất vẫn là chăm sóc chồng con...”. Những lần như thế, Tuyết chỉ lặng thinh, không dám nói thêm gì.

Biết mẹ chồng kỹ tính nên sáng nào trước khi đi làm Tuyết cũng dậy sớm ủi quần áo cho chồng, con, đánh thức con dậy, cho ăn sáng rồi chở con đi nhà trẻ.

Đặc thù công việc, Tuyết hay về trễ hơn chồng nên Quân thường đảm nhiệm việc đón con.

Dần dà, sự không vừa ý của mẹ chồng Tuyết tỏ rõ ra mặt. Bà thuê xe ôm đi theo con dâu tới chỗ làm với lý do lo lắng, muốn biết rõ nơi con dâu mình làm việc có xa hay nằm trong hẻm hốc gì không (sợ con dâu về tối nguy hiểm). Thậm chí, bà vào tận cơ quan, nhờ cấp trên của Tuyết và bảo vệ công ty "để mắt" trông chừng con dâu giúp mình.

Mỗi lần, đi làm về đến nhà, Tuyết thấy mẹ chồng bắc ghế, bật đèn ngồi chờ sẵn ở cổng. Lần nào cô cũng bị nhắc nhở: “Con đi làm gì thì làm phải để ý đến em chứ, 7h rồi mà em vẫn chưa được ăn cơm, mẹ không bằng lòng đâu. Thằng Quân cũng chưa ăn gì đâu đấy!”

Nghe mẹ chồng mắng, vừa dựng xe vào sân, Tuyết hớt hải chuẩn bị đồ ăn cho chồng, con rồi lên lầu mời ba, mẹ và Quân xuống ăn cơm. Khi cả nhà vui vẻ ăn uống, Tuyết thui thủi đút cho con ăn. Rửa bát, don dẹp, tắm cho con xong, 9h tối cô mới bước được về phòng. Công việc cơ quan còn ngổn ngang nhưng Tuyết nào dám ngồi vào máy tính vì sợ chồng la.

Người phụ nữ luôn vất vả vì vừa đi làm, vừa lo lắng, chăm sóc chồng, con. Ảnh: Thanh Huyền. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

 

Thế rồi chính Quân, người chồng yêu quý của Tuyết cũng khó chịu với vợ. Mỗi lần thấy mẹ mắng vợ, anh đều gọi vợ lên phòng riêng nhiếc móc thêm: “Em xem thế nào chứ anh thấy không ổn đâu. Mẹ già rồi mà ngày nào cũng mất ăn mất ngủ vì lo cho con, cháu. Em không thấy quá đáng khi tối nào bà già cũng phải thấp thỏm canh cổng cho em à.”

Nghe lời Quân nói mà Tuyết chỉ biết nghẹn ngào, nước mắt cứ nối tiếp trào ra thành dòng. Những lúc như vậy, Tuyết cảm thấy nhớ nhà và cô đơn biết mấy.

Từ lúc sinh ra trên cõi đời, Tuyết được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng, lo cho ăn học nên người. Bố, mẹ cô luôn tự hào khi kể về con gái lớn giỏi giang, thành đạt với bà con, hàng xóm. Thế mà giờ đây, Tuyết không ngờ công việc của mình lại khiến gia đình Quân không vui, làm mẹ chồng mất ăn, mất ngủ.

Xót mẹ, chồng lôi vợ ra "dạy”

Quân càng ngày càng trở nên khó tính và độc đoán với vợ. Anh nói: “Anh chiều em quá nên em không biết thân, biết phận. Ông bà nói dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về... không sai chút nào. Em về làm vợ anh rồi thì là người nhà anh. Ba, mẹ anh lớn tuổi rồi, anh không muốn các cụ phiền lòng. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm em cố gắng ăn sáng cùng hai cụ. Chiều về sớm được thì chở mẹ đi chơi. Tội nghiệp bà già, suốt đời hy sinh cho chồng, con nên chưa được hưởng thụ cuộc sống.”

Cảm thấy cuộc sống rơi vào bế tắc, Tuyết gọi điện thoại cho mẹ đẻ, người gần gũi, thương yêu và hiểu mình nhất để được tư vấn. Nghe xong, mẹ Tuyết xót xa, gọi điện nói với bà thông gia xin sự thông cảm để con gái mình được đi làm và cũng không quên khuyên nhủ con phải biết nhẫn nhịn giữ gìn hạnh phúc.

Nói chuyện với mẹ Tuyết, mẹ chồng cô vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra: “Chị cứ khéo nghĩ, chỉ là tôi sợ cháu nó vất vả vì vừa đi làm, vừa chăm con, sức khỏe bị ảnh hưởng chứ tôi có cấm đoán gì nó đâu.”

Ngay tối đó, Tuyết phải trả giá cho hành động của mình bằng sự nhục mạ của chồng: “Cô gọi điện về nhà? Cô thích đi làm? Cô đi khỏi nhà tôi đi, để con lại. Cô về với bố, mẹ cô để xem họ có lo được cho cô không nhé, hoặc cô lên cơ quan hỏi thử xem thằng nào nó chứa chấp cô, sắp xếp cho cô một cái phòng ở hẳn luôn.”

Không hiểu sao Tuyết không thể khóc òa thành tiếng dù nỗi thất vọng về chồng quá đỗi lớn lao, nhưng cô không thể làm theo lời chồng “đi ra khỏi nhà về với bố, mẹ”. Bởi nếu ra đi sẽ làm khổ đứa con thơ mới tròn 2 tuổi, lẫn người sinh thành ra mình.

Người phụ nữ ấy hiện chỉ biết đến sự nhẫn nhịn và cố gắng…

Tỷ lệ ly hôn cao chưa chắc là tiêu cực

Khi nghe kể câu chuyện về những người như Tuyết, Tiến sĩ Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký hội Khoa học – Tâm lý – Giáo dục TP.HCM tỏ thái độ bức xúc. Tiền sĩ Luông ngậm ngùi xác nhận hiện tại Việt Nam, rất nhiều người vợ, đặc biệt người vợ trong những gia đình trí thức phải cắn răng cam chịu do bị chồng và gia đình nhà chồng ngược đãi, bạo hành (bạo hành về thể xác và tinh thần).

Dù chúng ta đang sống trong một xã hội mở, các luồng văn hóa trên thế giới ồ ạt du nhập dẫn đến sự tự do giải phóng con người, bình đẳng giới. Tuy nhiên, để Việt Nam thực hiện được điều này thì chắc còn phải mất hàng trăm năm nữa.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ, "chồng chúa vợ tôi" đã in hằn vào trong tiềm thức của người dân Á Đông ngay từ khi mới chỉ là đứa trẻ lọt lòng.

Trong câu chuyện của Tuyết và nhiều phụ nữ khác, cả một tập thể gồm chồng, gia đình nhà chồng cùng đứng về một phía, đặt áp lực lên cô con dâu. Thậm chí, chính bản thân bố, mẹ đẻ của cô ta cũng nghĩ như thế là… phải, dù rất xót xa cho con gái.

Tiến sĩ Luông khuyên người phụ nữ khi thấy cuộc sống hôn nhân là địa ngục thì cần bản lĩnh, cứng cỏi, yêu cầu chồng cùng ngồi thảo luận để tìm ra cách giải quyết.

“Theo tôi, ly hôn chưa hẳn là tiêu cực, tỷ lệ ly hôn cao chứng tỏ người phụ nữ biết sống thực hơn cho mình. Cam chịu trong cuộc sống địa ngục được người ta tôn vinh thành sự hy sinh là sai lầm. Cuộc hôn nhân như thế không chỉ làm người phụ nữ héo hắt, chết mòn mà còn đào tạo ra những đứa con giống y hệt cha, mẹ chúng.”, Tiến sĩ Luông nói.

(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ