Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà

Khi trẻ hỗn với người giúp việc

,
Chia sẻ

Con trai 10 tuổi của tôi hách dịch với người giúp việc, thái độ rất ông chủ. Khi nó làm sai, chị ấy nhắc thì nó đỏ mặt tía tai mắng lại và nhắc nhở về địa vị của chị. Tôi phải làm sao để con bỏ thói xấu này?

Trả lời:

Trong phần lớn trường hợp, thói hách dịch của trẻ đối với người giúp việc có nguyên nhân sâu xa từ cách cư xử của bố mẹ. Có thể bạn hoặc vợ bạn trong quan hệ với người giúp việc luôn thể hiện quan điểm rằng họ thuộc đẳng cấp thấp hơn. Với thái độ đó, dù bạn nhắc con lễ phép với người giúp việc thì trẻ không thể không cảm nhận mình là một “thiếu gia” và kém tôn trọng người giúp việc.

Một số trẻ nhỏ vẫn có thái độ đó dù bố mẹ cư xử đúng mực, đó là do ở tuổi này, trẻ có tâm lý bắt nạt tất cả những ai có thể. Người giúp việc nể con chủ nên không nghiêm khắc như bố mẹ khiến trẻ lấn lướt. Ngoài ra trẻ thấy người đó phải nghe lời bố mẹ mình nên kết luận là mình có thể hạch sách được.

Sự hách dịch đó rất có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ, dẫn đến thói khinh người nghèo, coi thường lao động chân tay. Do đó, cha mẹ nên để ý cách cư xử với người giúp việc, thái độ, cách nói năng phải luôn tôn trọng, không quát mắng, khi họ làm sai cũng cần bĩnh tĩnh góp ý.

Bạn cũng có thể gợi sự cảm thông, tôn trọng của trẻ bằng những câu chuyện cảm động về người giúp việc để trẻ thấy đó cũng có tình cảm, đạo đức. Ngoài ra, bạn nên giao cho trẻ tự làm một số việc như gấp chăn màn, quần áo của mình chứ không phải việc gì cũng ỷ vào giúp việc. Điều này không chỉ rèn tính tự lập mà còn giúp trẻ coi trọng lao động chân tay và những người lao động chân tay.

 Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà
Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ