Khó giảm cân coi chừng mắc bệnh tiềm ẩn

Liên Anh,
Chia sẻ

Người khó giảm cân có thể đang tiềm ẩn một số bệnh nguy hiểm như suy giáp, trầm cảm, đái tháo đường...

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - cơ sở 3, cho biết với nhiều người, giảm cân không phải điều dễ dàng. Thậm chí, một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể khiến việc này trở nên thách thức hơn.

Khó giảm cân coi chừng mắc bệnh tiềm ẩn - Ảnh 1.

Một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể khiến việc giảm cân khó khăn. (Ảnh minh họa: The Economic Times)

Cụ thể:

- Suy giáp: Suy giáp khiến chức năng tuyến giáp suy giảm, gây thiếu hụt hormone tuyến giáp, khiến cơ thể khó kiểm soát quá trình trao đổi chất, dẫn đến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.

Các triệu chứng của suy giáp gồm: mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, táo bón và khô da. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này và khó giảm cân, mặc dù đã thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh hơn hoặc tập thể dục thường xuyên hơn, bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Đây là một hội chứng rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh được đặc trưng bởi sự hiện diện của nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng, gây mất cân bằng nội tiết tố và dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản, trao đổi chất và tăng cân.

Các triệu chứng PCOS gồm: kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, lông mọc nhiều và khó giảm cân. Phụ nữ mắc PCOS có thể bị trầm cảm hoặc lo âu khi phải chịu đựng những triệu chứng này. Tuân thủ phác đồ điều trị và điều chỉnh lối sống, như tập thể dục và thói quen ăn uống lành mạnh, sẽ giúp kiểm soát nhiều triệu chứng.

- Hội chứng Cushing: Đây là một rối loạn nội tiết tố hiếm gặp, do nồng độ hormone cortisol trong cơ thể cao bất thường. Cortisol cao có thể gây tăng cân, đặc biệt thấy rõ ở mặt, cổ và bụng.

Hội chứng này thường liên quan đến việc dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc có khối u tuyến thượng thận. Các triệu chứng của Cushing gồm thay đổi về kết cấu da (da mỏng đi), da dễ bị bầm tím, trầm cảm hoặc lo âu và khó giảm cân. Việc điều trị thường liên quan đến giảm nồng độ cortisol thông qua thuốc hoặc phẫu thuật.

- Đái tháo đường: Đây là một bệnh mạn tính ngăn cơ thể sản xuất hoặc sử dụng insulin đúng cách. Nếu không có đủ insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì được sử dụng để tạo năng lượng.

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường gồm khát nước và đi tiểu nhiều, mệt mỏi, mờ mắt, vết thương chậm lành. Người bệnh kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống cũng như dùng thuốc. Trong một số trường hợp, có thể cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.

- Trầm cảm: Người bị trầm cảm thường khó ngủ, thiếu năng lượng và mất động lực nên có thể sẽ không tập thể dục hoặc ăn uống lành mạnh. Bên cạnh đó, những người bị trầm cảm có khả năng ăn nhiều thực phẩm mang lại cảm giác thoải mái (comfort food) như đồ ăn nhanh, nhiều calo, đường... dẫn đến tăng cân. Người bệnh trầm cảm cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

- Suy giảm tuyến sinh dục: Xảy ra khi các tuyến sinh sản không sản xuất đủ hormone, phổ biến hơn ở nam giới và thường được chẩn đoán ở độ tuổi 30-50. Tình trạng này có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, khiến khó giảm cân hơn.

Chia sẻ