Khủng hoảng tài chính đe doạ phụ nữ

,
Chia sẻ

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với phụ nữ là một trong những chủ đề của phiên họp kéo dài hai tuần của uỷ ban Liên hiệp quốc về địa vị của phụ nữ (CSW) khai mạc hồi đầu tuần này.

Phát biểu tại phiên họp, ông Sha Zukang, phó tổng thư ký Liên hiệp quốc đặc trách các vấn đề kinh tế và xã hội, nói: “Về mặt lịch sử, các cuộc suy thoái kinh tế đã gieo một gánh nặng quá sức chịu đựng lên đôi vai người phụ nữ”.

Ông chỉ ra rằng phụ nữ dễ bị đẩy vào những công việc dễ bị thương tổn hơn đàn ông, không được sử dụng hết khả năng lao động, dễ bị thất nghiệp, thiếu sự bảo vệ của xã hội, và ít được tiếp cận các nguồn lực kinh tế và xã hội cũng như ít có quyền kiểm soát những nguồn lực đó.
 
Ảnh minh họa

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi bị ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng lan rộng nhất, có tỷ lệ phụ nữ trong tuổi lao động cao nhất thế giới. Và trong số phụ nữ đó, 65% đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Theo uỷ ban Kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP), nhiều người trong số phụ nữ này không được hưởng phúc lợi gì cả – chẳng hạn như nghỉ thai sản và lương hưu – cũng không có công việc ổn định, lâu dài, và có nguy cơ lớn lâm vào cảnh đói nghèo khi các cuộc suy thoái kinh tế xảy ra.

Bà Thelma Kay, giám đốc ban Phát triển xã hội của ESCAP, cho biết: “Giá thực phẩm đã tăng trong hai năm qua, buộc phụ nữ phải xoay xở khó khăn để có đủ tiền chi tiêu cho gia đình. Và ở những nơi mà học phí cao đến mức không thể chịu nổi, thì con gái thường bị cho nghỉ học nhiều hơn con trai”.

Theo bà Navi Pillay, thuộc Cao uỷ nhân quyền Liên hiệp quốc, trong những thời kỳ kinh tế khó khăn, phụ nữ và trẻ em gái thường có nguy cơ cao hơn đối với bạo lực, và các quyền về kinh tế – xã hội của họ cũng dễ bị đe doạ hơn so với nam giới.

Bà Thelma Kay cho biết trong nhiều trường hợp, phụ nữ là đối tượng đầu tiên dễ mất việc làm, bởi vì họ thường ít có kỹ năng hơn nên thường dễ bị sa thải hơn. Bà Thelma dẫn chứng cuộc suy thoái tài chính đã và đang khiến nhiều phụ nữ ở Indonesia dễ bị mất việc hơn đàn ông trong những tháng gần đây. Bà nhắc lại: “Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trước đây (1996/1997), ngành xuất khẩu với lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

Bà Thelma Kay đề xuất: “Chúng ta có thể đầu tư nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái, bởi vì những khoản đầu tư như thế không chỉ tốt cho họ, mà còn cho cả nam giới và trẻ em trai”. Sự tiếp cận bất bình đẳng của phụ nữ đối với cơ hội tìm việc làm đàng hoàng và có lương cao đã làm cho khu vực này mất đi 42 – 47 tỉ USD mỗi năm.

Theo Vĩnh Thọ(IPS)
 SGTT
Chia sẻ