Kỳ bí "sét hòn": Quả cầu phát sáng nhìn đẹp lung linh nhưng hóa ra lại là "bạn thân" của tử thần

Aries,
Chia sẻ

Nếu bỗng nhiên vào một ngày mưa gió, bạn vô tình thấy một quả cầu ánh sáng xẹt xẹt như điện lơ lửng xuất hiện bên cạnh mình thì bạn sẽ làm gì?

Nhiều người vẫn chưa quên hai vụ sét đánh liên tiếp xảy ra ở tỉnh Đồng Tháp cách đây 15 năm, khiến 10 người thiệt mạng tại chỗ. Vụ đầu tiên xảy ra vào khoảng 14h ngày 31/3/2006 tại ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Mưa lớn kèm theo sét đánh bất ngờ làm 5 người chết và 5 người bị thương khi đang thu hoạch lúa trên cánh đồng. 4 ngày sau, tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), trời tiếp tục đổ mưa kèm theo sấm sét làm hai anh em ruột là Châu Trọng Thủy (36 tuổi) và Châu Văn Tuấn (33 tuổi) tử vong.

Sét hòn - "sát nhân" bí ẩn nhất thế giới

Mới đây, một vụ sét đánh khác lại xảy ra ở Hà Nội khiến 2 vợ chồng tử vong khi đang đi xe máy giữa trời mưa gió sáng ngày 15/9 khiến dư luận xôn xao. Dù được cảnh báo sự nguy hiểm của thời tiết, không ít người vẫn xui xẻo bị Thiên Lôi giáng cơn thịnh nộ xuống gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, những tia sét chết người phóng thẳng từ không trung ấy vẫn chưa gây ám ảnh sợ hãi bằng thứ được gọi là "sét hòn". Hệt như cái tên của nó, "sét hòn" có hình dạng như quả cầu, phát sáng và bay lơ lửng như trái bóng trong không khí, có kích thước từ hạt đậu cho tới vài mét đường kính.

Đừng tưởng chớp lóe mà ngỡ sấm về, đôi khi đó lại là vị khách không mời cực nguy hiểm mang tên "Sét hòn" - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tại sao sét hòn lại đáng sợ?

Trường hợp tử vong do sét hòn lần đầu tiên được ghi nhận vào ngày 12/10/1638. Trong cơn giông, một quả cầu phát sáng đã bay qua cửa sổ một nhà thờ ở Devonshire (Anh) sau đó phát nổ, khiến 4 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Không ai biết quả cầu này có nguồn gốc từ đâu.

Kể từ đó đến nay, có rất nhiều báo cáo kỳ lạ về sét hòn. Chúng có thể xuất hiện lơ lửng gần mặt đất, bay vào trong các tòa nhà, lượn lờ trên lò nướng trong bếp, bay lang thang dọc lối đi của máy bay dân dụng, đuổi theo một chiếc ô tô, hoặc phát nổ làm cho hệ thống điện bị hỏng... Chúng còn bị nhầm lẫn với UFO (vật thể bay không xác định) bởi những đặc điểm tương tự đĩa bay ngoài hành tinh.

"Sét hòn" đã được biết đến từ nhiều thế kỷ trước, là nỗi ám ảnh sợ hãi với người dân khắp thế giới.

Theo một cuộc điều tra thống kê được thực hiện bởi nhà nghiên cứu người Mỹ J.R.McNally vào năm 1960, hiện tượng sét hòn từng được nhìn thấy bởi 5% dân số thế giới. "Con số này tương đương tỷ lệ người dân chứng kiến một vụ sét đánh thông thường ở cự ly gần" - Peter H. Handel, nhà vật lý tại Đại học Missouri (Mỹ) cho biết.

Lời kể của nhân chứng về "sét hòn"

Một ngày mưa giông dữ dội, Reverend John Henry Lehn đang ở trong phòng tắm nhà mình ở Pennsylvania (Mỹ) thì nhìn thấy một quả cầu lửa màu vàng to bằng quả nho ngay bên ngoài rèm cửa sổ. Nó im lặng xuyên qua tấm rèm mà không làm rách hay hỏng rèm rồi lượn tròn quanh bàn chân Reverend.

Ở một nơi khác, có hai cậu bé trú mưa dưới mái chuồng bò. Bỗng nhiên trên ngọn cây dương xuất hiện một quả cầu lửa màu đỏ vàng. Nó nhảy từ cành này sang cành khác, hạ xuống đất và lăn về phía chuồng bò. Những tia lửa nhỏ màu da cam tóe ra từ quả cầu như thỏi sắt nóng đỏ. Hai cậu bé đứng yên không nhúc nhích. Khi quả cầu lăn đến sát chúng, một cậu bé đã lấy chân đá quả cầu làm nó nổ tung với tiếng rít chói tai. Hai cậu bé ngã lăn ra, rất may là chúng còn sống. Nhưng trong số 12 con bò cái trong chuồng thì 11 con bị chết.

Đừng tưởng chớp lóe mà ngỡ sấm về, đôi khi đó lại là vị khách không mời cực nguy hiểm mang tên "Sét hòn" - Ảnh 3.

Tranh vẽ lại cảnh những nông dân vùng Salagne (Corrèze, Pháp) hoảng hốt sợ hãi khi nhìn thấy một quả cầu phát sáng trong chuồng bò.

Kỹ sư I.Motsalop ở thành phố Nigioni Taghin cũng phát hiện thấy trên đầu van hệ thống lò sưởi một quả cầu nhỏ màu xanh da trời bắt đầu hình thành. Lúc đầu, nó bé bằng hạt đậu. Khi đường kính tăng đến 4-6 cm, nó rời khỏi mép lò sưởi hơi nước và khi đi qua gầm bàn thì nó dừng lại. Từ quả cầu nhỏ đó phát ra tia lửa, sau đó nó nhảy bật lên trên và tiếp tục lượn một lúc dưới bàn rồi nổ tung.

Còn vô số lời kể khác nữa về "sét hòn" với những điều kỳ lạ không giải thích được, như nó rơi xuống nước làm sôi sục như nồi hơi, nhưng khi nước nguội thì chẳng ai tìm thấy được gì dưới nước. Nhiều thế kỷ trước, "sét hòn" khiến người ta sợ hãi vì nghĩ đó là hiện tượng siêu nhiên.

Sét hòn - góc tối khiến giới khoa học đau đầu

Dù nguy hiểm là vậy nhưng may mắn là sét hòn rất hiếm khi xảy ra trong tự nhiên và chúng ta cũng không thể dự đoán trước thời gian hoặc địa điểm nó xuất hiện. Suốt một thời gian dài, hiện tượng sét hòn không được thừa nhận, nhiều nhà khoa học khẳng định đó chỉ là một sự đánh lừa về quang học. Nhưng rồi rất nhiều sự kiện chứng tỏ sét hòn có tồn tại, tuy nhiên chưa ai giải mã được câu hỏi: Sét hòn là gì và nó được tạo ra như thế nào?

"Hiểu biết của chúng ta hiện nay về sét hòn chủ yếu dựa vào báo cáo của các nhân chứng tình cờ bắt gặp nó" - Eli Jerby, nhà nghiên cứu sóng cực ngắn tại Đại học Tel Aviv (Israel) cho biết.

Năm 1955, Pyotr Kapitsa – nhà vật lý người Nga đã giải thích rằng: sét hòn là kết quả của sự phóng điện không điện cực (electrodeless discharge), được tạo ra bởi các sóng đứng siêu cao tần (UHF) bí ẩn, tồn tại giữa mặt đất và đám mây. Một lý thuyết khác cho rằng tuy được gọi là sét, nhưng thực chất đây là một loại khí. Sét hòn là một khối plasma mật độ cao, được tạo ra sau khi bị nung nóng bởi áp suất khí quyển.

Đừng tưởng chớp lóe mà ngỡ sấm về, đôi khi đó lại là vị khách không mời cực nguy hiểm mang tên "Sét hòn" - Ảnh 4.

Hình ảnh sét hòn di chuyển qua đường ray.

Các nhà khoa học đã cố gắng tái tạo "sét hòn" hoặc một thứ gì đó giống với nó ở phòng thí nghiệm. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Phys Review Letters vào năm 2007, nhóm nghiên cứu tại Đại học Liên bang Pernambuco (Brazil) đã sử dụng điện để làm bay hơi các tấm silic nhỏ. Kết quả họ tạo ra những quả cầu màu xanh, trắng, da cam, có kích thước bằng quả bóng bàn bay lơ lửng xung quanh tấm silic trong khoảng 8 giây. Các nhà nghiên cứu đề xuất giả thuyết cho rằng, sét hòn hình thành từ những cú sét đánh trên đất giàu silica (SiO2). Theo đó, silica bay hơi ngưng tụ thành các hạt nano và liên kết với nhau bằng điện tích. Nó phát sáng rực rỡ vì xảy ra phản ứng hóa học giữa silic và oxy trong không khí.

Năm 2012, trong quá trình thực địa nghiên cứu sét thông thường, các nhà khoa học tại Đại học Sư phạm Tây Bắc ở Lan Châu, Trung Quốc đã tình cờ ghi lại được video tốc độ cao về sét hòn tự nhiên từ khoảng cách chừng 900 mét. Quả cầu này đã chiếu sáng một khu vực có đường kính lên tới 5 mét, di chuyển với vận tốc 31 km/h trước khi biến mất.

Đừng tưởng chớp lóe mà ngỡ sấm về, đôi khi đó lại là vị khách không mời cực nguy hiểm mang tên "Sét hòn" - Ảnh 5.

Hình ảnh hiếm hoi về sét hòn ngoài tự nhiên đăng trên tờ The Siberian Times, do một người dân địa phương tên Roman Tregubov ghi lại gần ngôi nhà của anh ở ngoại ô Novosibirsk, thành phố lớn nhất Siberia năm 2016.

Tuy sét hòn chỉ được nhìn thấy trong khoảng thời gian cực ngắn 1,64 giây nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đủ thời gian phân tích ánh sáng nó phát ra bằng máy đo quang phổ. Màu sắc của sét hòn chuyển dần từ màu tím sang da cam, trắng và cuối cùng là đỏ.

Cho đến thời điểm này, "sét hòn" được biết đến là một hiện tượng hiếm gặp trong khí quyển chưa được lý giải. Rất ít người chết vì sét hòn, nhưng điều đó chứng tỏ nó có thể đe dọa tính mạng. Vậy nên chúng ta hãy thận trọng khi thấy bất kỳ quả cầu ánh sáng nào bay lơ lửng bên cạnh mình nhé, đặc biệt khi trời mưa giông thì hãy tìm một chỗ trú ẩn an toàn, tránh xa sét hòn càng xa càng tốt.

Chia sẻ