"Ký sinh trùng": Có gì phía sau siêu phẩm xứ Hàn mà đi đâu cũng thấy nhắc tên, nghe qua tưởng phim... kinh dị?

PA DUN,
Chia sẻ

"Bộ phim mở đầu với nhiều tiếng cười, sau đó thay bằng tiếng gầm gừ rồi kết thúc với tiếng thét tuyệt vọng...".

Tháng 5/2019, tờ Hollywood Reporter đã dành một bài viết khá dài để tôn vinh Parasite (Ký sinh trùng) - bộ phim Hàn Quốc vừa thắng giòn giã tại Cannes. Tờ này mạnh mẽ đánh giá: "Đạo diễn tiêu biểu của Hàn Quốc Bong Joon Ho đã trở lại Cannes với một bộ phim bi hài kịch gia đình đen tối, nơi mà con người còn đáng sợ hơn quỷ dữ".

Trong khi đó, trên trang trang web đánh giá phim ảnh hàng đầu thế giới thì tác phẩm đến từ xứ củ sâm cũng nhận được số điểm cao ngất ngưởng với 8,6/10 của IMDB, 89/100 từ Metascores và 98/100 từ Rotten Tomatoes.

Landscape Avatar

Tất nhiên, những bảng điểm ấn tượng này chỉ là một căn cứ nhỏ nhoi để nói về thành công của Parasite. Điều quan trọng chính là hiệu ứng khổng lồ mà bộ phim mang tới cho gần 200 quốc gia mà nó trình chiếu.

Ở Việt Nam những ngày này, đi đâu người ta cũng nghe đến Parasite (Ký sinh trùng). Vậy rốt cuộc, sản phẩm đến từ xứ Kim chi khiến nền điện ảnh thế giới phải ngưỡng mộ đó có gì?

Khi Parasite (Ký sinh trùng) chưa ra rạp, chỉ cần nhìn poster phim và cái tên người ta đã đoán già đoán non đây chính là một bộ phim thuộc thể loại Horror (phim kinh dị). Thế nhưng, hóa ra chẳng có ma quỷ nào ở đây cả, Parasite đã đánh lừa khán giả ngay từ cái tên của mình.

1

Parasite thuộc thể loại dark comedy, hiểu nôm na là hài kịch đen. Ở Parasite, người ta có thể cười mỉm, cười to đến mức đau cổ họng rồi nghèn nghẹn lại đó như những tiếng gầm gừ.

Parasite kể về cuộc sống của hai gia đình, đại diện cho 2 tầng lớp cố hữu trong xã hội đó chính là giàu và nghèo. Nếu gia đình họ Ki sống trong căn hầm ẩm thấp, thường xuyên phải "câu trộm" wifi thì nhà họ Park lại ở biệt thự rộng thênh thang với khoảng sân vườn đầy nắng. Có lẽ vì thế, cảnh quay ở nhà họ Ki lại tăm tối như tiền đồ của họ vậy. 

Công việc hàng ngày của vợ ông Park là ngồi ngoài sân rộng, đợi chồng mang tiền về và thưởng thức món đồ ăn đắt tiền, tắm ánh nắng mặt trời còn gia đình nhà họ Ki thì vật lộn trong đồng mùi thối rữa của khu lao động nghèo, ngày ngày gấp hộp pizza để kiếm những đồng bạc lẻ. 

Có một điều đặc biệt, trong cái căn nhà nghèo nàn của ông Ki, đôi vợ chồng nhem nhuốc cùng 2 đứa con lúc nào cũng vang tiếng cười. Còn ở căn nhà rộng lớn nằm trên sườn dốc kia lại lạnh lẽo đến bất ngờ. Sự khác biệt giàu nghèo được diễn tả một cách tinh tế qua hình ảnh đối lập và tương phản dữ dội.

Những tưởng, 2 gia đình này sẽ chẳng liên quan gì đến nhau, họ sẽ sống trong cái thế giới của riêng mình, một bên ngập tràn ánh nắng và hương thơm hóa chất đắt tiền còn một bên tăm tối cùng thứ "mùi nghèo".

2

Như một cơ duyên, Ki-Woo – cậu con trai thi Đại học 4 lần không đậu của nhà ông Ki được làm gia sư cho con gái của một gia đình thượng lưu rồi sau đó, cô con gái thất nghiệp nhưng giỏi thiết kế cũng bước chân vào căn biệt thự sang trọng đó.

Và cũng từ đó, những câu chuyện cứ lần lượt hiện ra, như bóc vỏ một củ hành, đủ để người ta cay mắt.

Về nội dung chi tiết của phim, xin hãy tới rạp để cảm nhận đủ những cung bậc mà phù thủy Bong Joon Ho mang đến bởi mọi ngôn ngữ đều không thể nào diễn tả một cách trọn vẹn. Trong nội dung bài viết này, người viết chỉ xin nói về những ý nghĩa đặc biệt phía sau câu chuyện Parasite - thứ ký sinh trùng bám rễ vào xã hội này.

Parasite tập trung khai thác nỗi thống khổ của người nghèo tại xã hội Hàn, cuộc sống của những kẻ "ăn bơ thừa, húp sữa cặn".

3

Đạo diễn người Mexico, ông Alejandro G. Iñárritu, trưởng Ban giám khảo Cannes 2019 đã từng có những phát biểu khá dài về Parasite, đại ý rằng: "Cái hay của phim này là nói lên vấn đề chung của cả thế giới nhưng lại chỉ gói gọn trong cuộc sống của một gia đình tại một quốc gia. Tất cả chúng tôi thật sự cảm thấy choáng ngợp khi xem bộ phim này, giải thưởng được trao là rất xứng đáng".

Bằng những thủ pháp nghệ thuật của mình với từng chi tiết, lát cắt, đạo diễn Bong Joon Ho đã châm biếm sâu cay xã hội phân tầng lớp giàu nghèo để làm cho phim vừa bi vừa hài, càng cười nhiều thì càng khóc nhiều. 

Nhân vật chính trong Ký sinh trùng có lẽ chỉ đơn giản bao gồm 2 đối tượng: vật chủ (Gia đình giám đốc Park giàu có) và loài ký sinh (những kẻ nghèo khổ hút máu vật chủ để sinh tồn).

5

Bằng sự thông minh và tinh quái của mình, gia đình họ Ki - những con ký sinh trùng quái kiệt đã từng bước đưa các thành viên của mình bước chân vào nhà họ Park giàu có. Từ cả gia đình thất nghiệp, họ đã có công việc, có tiền và thậm chí làm chủ căn nhà khi "Vật chủ" đi vắng.

Nhưng thành công của "ký sinh trùng" nhà ông Ki lại trở thành mối nguy hại của một nguồn ký sinh trùng khác đó là bà quản gia cũ và người chồng dưới căn hầm ở căn biệt thự. Và khi hai loại ký sinh trùng gặp nhau, chúng bắt buộc phải chiến đấu để sinh tồn, để cho mình cơ hội được bám vật chủ.

Hình ảnh gia đình nhà ông Ki nằm bẹp dưới gầm bàn, lắng nghe những âm thanh từ cuộc làm tình của ông bà chủ cùng câu chuyện về thứ mùi nhà nghèo khiến nhiều người phải chua xót. Có lẽ vì thế, chi tiết mùi nhà nghèo liên tục xuất hiện trong bộ phim. 

Theo ông Park, ở ông Ki luôn có một thứ mùi, thứ mùi của dân lao động, nó ám vào cơ thể dù ông gột rửa bằng nhiều loại xà bông cũng chẳng thể nào hết được. Nó là thứ "mùi nghèo", thứ mùi mà ông Ki luôn xấu hổ.

Điều đó chứng tỏ, trong suy nghĩ của những kẻ giàu có, dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn luôn dành cho những người nghèo khó sự phán xét và khinh miệt riêng của mình. Dù lúc đó, ông Park có khẳng định: "Ông ta chưa bao giờ đi quá giới hạn...".

Trong Parasite, trong các cuộc nói chuyện cùng ông Park, ông Ki luôn hỏi về chuyện: "Chắc ông chủ rất yêu bà chủ". Thế nhưng, đáp lại câu hỏi của ông Ki, ông Park luôn ngập ngừng, thậm chí là lảng tránh. 

MV5BYTNhZWQ4ZTUtMWRmMS00NjVkLTg0YzItNzc4N2RkNjUyN2U3XkEyXkFqcGdeQXVyNzAwMTc4OTY@

Câu chuyện ở đây chẳng phải là có yêu hay không mà đó là cách thể hiện tình yêu hoàn toàn khác nhau của kẻ giàu người nghèo.

Người giàu, họ luôn sợ để lộ điểm yếu của mình, chuyện bản thân mình yêu ai đó cũng vậy. Chính vì thế, họ thường chẳng bao giờ nói rõ bộc bạch lòng mình. Kẻ nghèo thì khác, họ có gì đâu để mất, tình yêu thương cứ bỗ bã mà nói ra. 

Người ta nói rằng, tiền là một thứ dược liệu, nó có thể làm mờ đi tất cả các nếp nhăn. Đúng như cách ông bà Park sinh sống, sự giàu có không cho phép cuộc đời họ bị vấy bẩn, thậm chí là một chút nhăn mũi vì thứ mùi khó chịu. 

Thế nhưng, họ không nghĩ rằng bản thân mình lại chính là kẻ ích kỷ, ban cho mình thứ quyền lợi đáng sợ lên những "đối tác" nghèo đói của mình. 

Mỉa mai vì thứ mùi của ông Ki nhưng phu nhân của ông Park vẫn thản nhiên gác chân lên thành ghế khi ngồi sau xe của người tài xế. Đôi khi, để sống, con người ta cần kỹ năng của một người thợ đồng hồ để giữ con lắc cảm thông cân bằng giữa cái khổ đến nghẹt thở của người nghèo và cuộc sống đủng đỉnh đến đáng ghét của người giàu.

Một trong những thứ âm thanh chát chúa đặc trưng của Ký sinh trùng không phải là thứ nhạc giao hưởng sang chảnh ở căn biệt thự bên sườn dốc mà nó là tiếng của xã hội nghèo khó, tiếng của những người dân bất lực chạy cứu những đồ vật còn sót lại sau cơn giông. Nó là âm thanh của cuộc đời, âm thanh đậm chất nguyên sơ. 

Đó cũng như cái kết đầy ám ảnh của bộ phim, với một sự thật buồn bã rằng: "Hút máu nhà giàu sẽ thỏa mãn cơn đói khát tạm thời, nhưng rồi đói vẫn hoàn đói, mà nghèo vẫn hoàn nghèo".

Chia sẻ