Làm vườn trong nhà phố

,
Chia sẻ

Nhu cầu của mọi người giờ đây không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là một không gian riêng cho mình, có đủ nắng gió và hoà nhập với thiên nhiên.

Trong xu hướng làm nhà gần đây, chúng tôi ghi nhận được hiện tượng các chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức vườn, trồng cây trong nhà.

Mỗi căn nhà phải hô hấp với trời đất bằng những khoảng xanh

Cụm từ “hoà nhập thiên nhiên” hiểu theo nghĩa đơn giản ở đây là trồng cây xanh trong nhà. Trong nhà có nhiều cây xanh sẽ làm không gian trong lành, mát mẻ, giải quyết được những “góc chết”. Hơn nữa, việc cắt, tỉa, tưới cây... là một công việc mang nhiều tính chất thư giãn hơn là xem nó như công tác làm vườn.

Một cách làm vườn gầm cầu thang

Trong khuôn khổ chuyên đề này chúng tôi không đề cập đến việc tổ chức vườn trong biệt thư, resort, hay các nhà cao tầng, bởi những loại hình đó đã có số phần trăm diện tích sân vườn nhất định. Chúng tôi chỉ đề cập đến việc bố cục (tổ chức) vườn trong nhà phố hoặc căn hộ chung cư.

Với diện tích không quá lớn, ánh sáng và gió trong nhà rất ít thì việc đem lại màu xanh trong không gian đó như thế nào? Vườn trong nhà phố không nhất thiết là một nơi có đất trồng cây, có nước chảy. Một, hai chậu cây hoặc giả một không gian để treo cây… vườn sỏi điểm xuyến vài chậu trầu bà nhỏ thì cũng có thể gọi là vườn. Với không gian một căn nhà phố, bạn có thể tổ chức vườn ở những vị trí sau:

Gầm cầu thang (áp dụng đối với những nhà không sử dụng gầm cầu thang từ trệt lên lầu làm vệ sinh).

Ở vị trí này thường có diện tích khá rộng nhưng ít ánh sáng. Do đó bạn có thể tổ chức một vườn sỏi trắng pha ít sỏi đen, đặt vào trên nền sỏi đó một ít chậu cây bằng gốm, lá cây to bản và bò ra trên nền sỏi như trầu bà… Pha một ít đèn có ánh sáng màu vàng, khu vườn trở nên xinh xắn và phá đi cái nét cứng nhắc của cầu thang.

Nhiều trường hợp, chủ nhà tự ý làm một hồ nước dưới gầm cầu thang. Gầm cầu thang vốn dĩ là nơi tập trung khí âm (không tốt) thêm nước vào đấy sẽ tăng phần ẩm thấp cho vùng này. Tốt nhất vẫn là cách để chậu cây xanh tốt trên nền sỏi, gầm cầu thang sẽ “sống” lại.

Bậu cửa sổ hướng ra ống thông tầng

Những bậu cửa sổ hướng ra ống thông tầng

Với nhà phố, chìa khoá để giải quyết ánh sáng và gió là khoảng thông tầng thường được bố trí bên cạnh cầu thang và cuối nhà.

Kiến trúc sư sẽ cố tình mở những ô cửa kính hướng ra những thông tầng đó thì việc có một ít màu xanh ở những bậu cửa là việc làm rất dễ bằng cách đặt chậu cây (có dĩa lót ở đáy chậu) trong những khung sắt có độ rộng chừng 30 – 35cm. Khung sắt bạn nên sử dụng loại sắt hộp với tiết diện nhỏ như 14 x 14mm hoặc 13 x 26mm và sơn màu trắng, tạo nên sự mảnh mai. Nếu làm khéo các khung cửa trở nên trữ tình và duyên dáng. Với cách bố cục cây xanh này bạn nên chú ý định vị khung sắt thấp xuống phía dưới khuôn bao cửa tránh trường hợp khi cánh cửa mở ra lại bị xô vào cây.

Vườn trên sân thượng

Ban công

Là nơi cả chủ nhà lẫn người đi đường cùng thưởng thức. Gần đây, ban công nhà không được các chủ đầu tư hứng thú vì bụi, nắng… và để quên nó. Nên có một cái vòi nước ở mỗi ban công dù to hay nhỏ, để tiện việc tưới tiêu, thứ đến, kiến trúc sư nên thiết kế cánh cửa khi mở là tối ưu nhất (chiếm ít diện tích nhất).

Sở dĩ, chủ nhà không để được những chậu cây trên ban công là vì vướng vào cánh cửa ra vào, vướng cục nóng máy lạnh… Một cách khác, để có hẳn một mảnh vườn trên đất ở những ban công bằng cách thiết kế lật sàn, chống thấm kỹ lưỡng và đổ đất trồng cây, lúc đó cánh cửa ra vào sẽ là cửa kính lùa.

Đối với những căn nhà hướng tây, nên có một giàn hoa theo chiều dọc trồng cây leo để tránh nắng. Ban công với ngôi nhà như đôi lông mày của người phụ nữ, cần được tỉa tót và chăm sóc kĩ lưỡng, đẹp cho mình và đẹp cho mọi người.

Sân thượng

Tuỳ ý thích của mỗi người, sân thượng là nơi trồng cây, ngồi thư giãn, nhưng việc trồng cây ở sân thượng xem ra không đơn giản. Thứ nhất, kinh nghiệm cho thấy rằng sự hăng hái của chủ nhà leo lên tầng trên cùng để chăm cây ngày càng giảm, cây cối không được chăm sóc. Thứ hai, trời mưa to, đất ở chậu sẽ bắn ra ngoài, làm cho nền gạch bẩn. Trong khi đó bạn có thể tổ chức một khu vườn hoàn chỉnh. Hoàn chỉnh ở đây là có đất, nước, đồi cỏ, đèn vườn... Bằng cách nâng sàn trồng cây lên khỏi mặt sàn sân thượng, đục lỗ sàn nâng đó, trải lưới nylon, sỏi, đất bạn có thể hoàn toàn yên tâm về việc thoát nước.

Ngoài ra, việc để sân thượng theo một diện tích khá lớn theo như bản vẽ xin phép, xảy ra một trường hợp rất chung là phòng ngay dưới sân thượng đó khá nóng, khi đó bạn nên làm một dàn pergolas bằng gỗ hoặc composite phía trên, để treo cây hoặc dành cho cây có dạng leo, sẽ là một phương pháp chống nóng rất hiệu quả và dễ thực hiện.

Góc chết sống lại với chậu cây

Những góc chết

Trong nhà có những nơi không có tác dụng gì cả, người ta gọi là “góc chết”. Để những góc chết thành “góc sống”, bạn có thể đặt một chậu cây sống được trong nhà, hoặc bạn có thể mua những thân tre xanh, hoặc vàng dựng hơi ngẫu nhiên, đính vào đó một vài lá tre sẽ mang lại một cảm giác thân thuộc ở những nơi vốn lâu nay không biết làm gì.

Một nhà là một vẻ, một trường hợp. Chúng tôi chỉ đưa ra những trường hợp phổ biến nhất để các bạn tham khảo và áp dụng căn nhà mình đang ở.

Một căn nhà là một thực thể sống, nó phải hô hấp với trời đất, bằng cách phải có đường để gió vào và ra, ánh sáng chan hoà. Thước đo cho sự hô hấp đó là những khoảng xanh trong nhà, sẽ làm giảm mật độ bê tông và không gian trở nên mềm mại.

Theo KTS Nguyễn Quốc Tuấn
  SGTT
Chia sẻ