Loạn thực phẩm chức năng "quảng cáo" chữa ung thư tại cổng bệnh viện K

Hoàng Đan, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân mua thực phẩm chức năng với giá hàng triệu đồng để uống. Ngoài cổng bệnh viện K (cơ sở 2), thực phẩm chức năng đang "bủa vây" người bệnh.

Tìm hiểu của chúng tôi trên mạng internet và ngoài thị trường tràn ngập các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị các loại bệnh ung thư khác nhau. Một số loại dù trên nhãn hay bảng hướng dẫn sử dụng bên trong chỉ ghi rất chung chung nhưng trên lại được khẳng định có khả năng chữa các loại bệnh ung thư.
 
Tràn ngập các quảng cáo thực phẩm chức năng có khả năng chữa bệnh ung thư
trên mạng internet.
 
Không chỉ "tấn công" người tiêu dung bởi đủ thứ lời hoa mỹ trên mạng, các loại thực phẩm chức năng này còn tran lan khắp các hiệu thuốc. Đặc biệt, tại những bệnh viện chuyên điều trị ung thư.
 
Dạo một vòng quanh các hiệu thuộc xung quanh khu vực cổng cơ sở 2 của bệnh viện K (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) chúng tôi không khỏi hoa mắt trước hàng loạt các poster, biển quảng cáo các loại thực phẩm chức năng được bào chế từ nhân sâm, linh chi của đủ các nước Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc…
 
Rất nhiều biển quảng cáo các loại thực phẩm chức năng có khả năng
 chữa ung thư tại khu vực cổng cơ sở 2 bệnh viện K.

Tại nhà thuốc Thắng Sinh, mới nghe bảo chúng tôi có người nhà bị ung thư, không cần hỏi rõ loại ung thư nào, cô dược sĩ đã nhanh nhảu khuyên nên dùng thực phẩm chức năng Agel UMI. Theo cô bán hàng này thì thuốc được bào chế dạng gel, có khả năng ngăn ngừa tế bào ung thư, khống chế sự phát triển, di căn của tế bào ung thư, kéo dài tuổi thọ người bệnh… Ngoài ra, cô bán hàng còn không quên giới thiệu thêm thuốc có thể điểu trị tốt cho các loại ung thư gan, vú, vòm họng, dạ dày, phổi...

“Anh cứ yên tâm, ông họ nhà em cũng đang bị ung thư vòm họng, dùng thuốc này mấy năm nay rồi, tác dụng tốt lắm, người nhà anh mới bị thì chỉ dùng vài hộp là có chuyển biến ngay.”, cô bán hàng thao thao quảng cáo.
 
Theo báo giá của cô này, thì hiện Agel Umi được đóng trong các gói nhỏ dạng gel, mỗi hộp với 30 gói có giá 2.250.000 đồng/ hộp.

 
Bệnh nhân chờ đến lượt khám tại cơ sở 2 của bệnh viện K.

Cách đó không xa, tại quầy thuốc số 5, bên dưới tấm biển quảng cáo lớn thực phẩm chức năng Sun Ginseng còn ghi rõ công dụng của sản phẩm bảo vệ tế bào não, tăng cường sức đề kháng, chống tái phát ung thư…
 
Theo người bán hàng thì đây là loại “thuốc” cực tốt được bào chế từ hồng sâm Hàn Quốc, được bào chế thành dạng viên, giá của mỗi hộp với 180 viên là  7.500.000 đồng. Còn tại các hiệu thuốc Ánh Dương, người bán thuốc chỉ định với loại thuốc Trái nháu (Noni) có thể điều trị tất cả các loại loại ung thư và loại thuốc này dùng kết hợp trong điều trị truyền hóa chất, phẫu thuật và xạ trị…
 
 
Không những vậy, chủ nhiều hiệu thuốc tại đây và cơ sở 1 của viện K (phố Quán Sứ) còn giới thiệu cho bệnh nhân các loại nấm linh chi Hàn Quốc, Lộc Nhung hươu New Zealand hay một số loại sữa uống có tác dụng chữa bệnh ung thư. Giá bán của các sản phẩm này từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.
 
Không tin bác sĩ còn tin ai...
 
Có bệnh là phải chữa, huống chi bệnh ung thư gần như một bản án chung thân đối với người bệnh mắc phải. Vì thế, cứ ăn, uống được cái gì mà chỉ cần có dòng chữ "có khả năng", "chuyển biến tốt", "tích cực" thì người bệnh nào cũng muốn sử dụng.
 
Thêm vào đó, khá nhiều bệnh nhân người ở các địa phương xa, ra Thủ đô chữa bệnh, họ rất tin tưởng vào lời khuyên của bác sĩ. Dù nghèo khó nhưng nếu cứu được người thì họ vẫn sẵn sàng chi cả chục triệu cho thực phẩm chức năng.
 
 Ngồi quạt cho chồng, vì thiếu giường đang phải nằm truyền hóa chất điều trị căn bệnh ung thư dạ dày tại vườn hoa cơ sở 2 của bệnh viện K, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Bắc Giang) cho biết, gần 5 tháng nay, chồng chị đã dùng đến 4 – 5 loại thực phẩm chức năng khác nhau, tuy bệnh chưa chuyển biến nhiều nhưng nguyên số tiền chi mua những “thuốc” này đã mất đến gần 40 triệu đồng.
 
“Có loại thì do bác sĩ người ta kê cho, rồi khuyên mình nên cho uống, có loại thì do người quen, người nằm trong viện đã từng điều trị báo có chuyển biến tốt mách cho thì mua. Mình là người có bệnh nên cứ có thuốc hay là phải mua ngay, vẫn có người đỡ cơ mà.”, chị Hạnh bảo.
 
Chúng tôi cũng gặp chị Trần Thị Bách (quê Quảng Nam) đang hớt hải cầm đơn chạy ra ngoài mua lọ “thuốc” Flavin 7 với giá 1.200.000 đồng/lọ cho chồng vì nhà thuốc bênh viện không có.  “Một lọ bé thế thôi mà cả bạc triệu, mỗi lần kê đơn là hai lọ nhưng nhà hoàn cảnh, ra đây tiền ăn, tiền ở còn khó nên chỉ dám mua có một lọ. Phải chắt chiu lắm để mua không người ta biết lại bảo là mình tiếc tiền hơn tiếc chồng.”, chị Bách nói trong nước mắt...
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, một điều khá lạ là nhiều bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc, trong đó có "bổ sung" những loại thực phẩm chức năng. "Ngoài những thuốc đặc trị, trong đơn bác sĩ có kê thêm vài loại nói là có tác dụng tốt trong điều thị ung thư. Bác sĩ kê cho mình chẳng lẽ lại sai, lại không tốt, nên dù đắt mấy thì chúng tôi vẫn phải mua để dùng", một người bệnh thở dài cho biết.
 
"KHÔNG THỂ CHỮA BỆNH UNG THƯ"
 
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, khẳng định TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng, không có tác dụng chữa bệnh thay thế cho thuốc chữa bệnh.
 
Thế nhưng, hiện có nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật, lập lờ về các tính năng tác dụng sản phẩm nhằm mục đích bán được nhiều. Ông Phong cũng thừa nhận tình trạng: “Đã có những doanh nghiệp sử dụng các bác sĩ, cán bộ trong ngành y tế để đi quảng cáo hoặc bán sản phẩm, điều này đã gây ra sự ngộ nhận cho người tiêu dùng”.
 
Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cũng khẳng định: "TPCN không thể chữa bệnh nào hết, với ung thư thì càng không. Nếu người nào nói dùng TPCN để chữa bệnh thì phải đem ra mà chém đầu! Bộ Y tế đã từng có Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP với chủ đề: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng về TPCN”. Đáng lưu ý, ông Đáng cảnh báo: “Theo tôi, hiện chí ít cũng phải 30% TPCN không đạt yêu cầu về hoạt chất. Chúng ta lâu nay có kiểm tra chất lượng thì cũng chỉ loanh quanh về mức độ an toàn của sản phẩm: kim loại nặng, nấm mốc chứ hầu như chưa kiểm tra được hoạt chất. 
 
(Theo Thanh Niên) 
Chia sẻ