Lời giải cho những bức thư chì chiết mẹ đẻ và vấn nạn "fan cuồng"

Thu Hương,
Chia sẻ

Lên mạng xả giận, rủa phụ huynh chết sớm vì không được đi chơi hay chuyện fan cuồng viết tâm thư chì chiết mẹ đẻ sau khi bị từ chối cho tiền mua vé xem KPop… là những lý do khiến nhiều người không khỏi hoang mang về lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những bức thư “lạ” có nội dung gần tương tự nhau của các “cậu ấm cô chiêu” gửi tới phụ huynh với lời lẽ và nội dung đủ khiến bất cứ ai đọc cũng phải giật mình. Điều đáng nói là với tần suất xuất hiện ngày càng nhiều, những tâm sự gây sốc này đã tạo một cái nhìn đầy lo ngại về lối sống và cách cư xử của một bộ phận giới trẻ bây giờ.

Con chì chiết cha mẹ vì không được đi chơi hay “vấn nạn” fan cuồng

Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, cộng đồng mạng vừa có dịp “dậy sóng” với những tranh cãi nảy lửa về hai bức thư được viết bởi hai cô gái trẻ có tên HG và HN, được gửi tới chính bố mẹ ruột của họ. Nội dung hai bức thư có nhiều điểm tương đồng, khi liên tục chì chiết các đấng sinh thành chỉ vì bị nghe những lời mắng mỏ không êm tai. Cụ thể, cô gái trẻ tên HG đã trút giận lên trang cá nhân những tâm sự đầy bức xúc sau khi bị bố mẹ mắng chửi và không cho 200 nghìn đồng đi chơi. Sau đó, HG còn nhân tiện kể công lao của mình trong quá khứ đã tận tâm với bố mẹ ra sao, để đổi lại, cô chỉ nhận được sự quan tâm hời hợt, hoàn toàn không giống với cách đối xử của bố mẹ đẻ với con gái ruột. Cuối cùng, cô gái trẻ tức tối dọa sẽ bỏ nhà đi và mong cho bố mẹ "chết ngay bây giờ".

thiếu nữ bỏ nhà đi
Hai trong số những bức thư "lạ" khá phổ biến hiện nay

Trước đó không lâu, bức tâm thư có nội dung đầy hằn học của một thiếu nữ gửi tới mẹ ruột cũng từng nhận được không ít “gạch đá” của cư dân mạng. Với lý do chính là không được cho 5 triệu đồng mua vé xem show diễn nổi tiếng có các ngôi sao Hàn Quốc tham dự trong khi chỉ còn vài ngày nữa là show diễn bắt đầu, cô gái trẻ đã vô tư bày tỏ cơn giận dữ. Nữ nhân vật chính mở đầu bằng những lời đầy bức xúc: “Xin lỗi mẹ, con nghe mẹ chửi quá nhiều rồi. Không cần phải căng như thế đâu, con xin đi có một câu mà mẹ đổi lại gấp 10 lần, nghe không lọt lỗ tai đâu mẹ ạ!”. 

Sau khi bị mẹ đẻ chỉ trích những thần tượng Hàn Quốc của mình là “rồ, dở hơi, ngu học”, và thách thức “muốn đi đâu thì đi luôn đi”, nữ nhân vật chính đã có “đáp trả” lại những lời lẽ “nông cạn” của mẹ bằng một đoạn giải thích khá dài. Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức thư của nữ fan “cuồng” sao Hàn trên đã nhận được hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận trái chiều. Trong đó, rất lớn ý kiến đều tỏ ra bất bình trước lối cư xử thiếu suy nghĩ và cho rằng cô gái trẻ đã quá thiếu lễ độ khi nói về mẹ mình bằng giọng thách thức như thế.

Thực ra, trường hợp của cô gái fan “cuồng” trên không phải là chuyện hiếm. Như một thông lệ, hễ có dịp các ngôi sao Hàn tới Việt Nam biểu diễn, lập tức sẽ có một lượng fan đông đảo chào đón họ từ rất sớm. Cũng trong đám đông ấy, những bạn trẻ được biết đến với tên gọi "fan cuồng" sẽ trở thành tâm điểm với các màn gào thét, khóc lóc thê lương khi gặp thần tượng, diễn những “trò lố” như hôn ghế, thậm chí ngất xỉu vì quá vui sướng hay mỏi mệt. Những hình ảnh trên sau khi vô tình hay hữu ý lọt vào ống kính của các phóng viên hay khán giả, sau khi được tung lên các trang mạng xã hội hay phương tiện truyền thông, bỗng nhiên trở thành một “điểm nóng”. Người ta gọi họ là “fan cuồng”, đi kèm theo đó là vô vàn lời chỉ trích nặng lời: “khùng”, “rỗi việc”… Rồi “đến hẹn lại lên”, sau bất cứ một show diễn có các sao Hàn tham dự, và đương nhiên có cả rất nhiều “fan cuồng”, mọi người lại tiếp tục mang câu chuyện "văn hóa thần tượng" ra mổ xẻ. 

Không nên vội vàng kết luận: giới trẻ đã lệch chuẩn đạo đức

Nếu để ý, chắc hẳn ai cũng dễ dàng thấy được điểm chung của các bức thư “lạ” gần đây: cùng có tác giả là những người còn rất trẻ tuổi. Nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng “chống đối” giữa cha mẹ và con cái này chính là sự khủng hoảng tâm lý của lứa tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội đã tạo ra giữa các thế hệ một khoảng cách lớn về tâm lý, sở thích, lối sống, các giá trị... và hậu quả là càng ít hiểu nhau hơn. 

Theo chuyên gia tâm lý Kim Ngân – Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm, xã hội nên có một cái nhìn khách quan và đúng đắn trước khi lên tiếng quy kết một hành động nào đó của giới trẻ là “lệch chuẩn”. Nhận xét riêng về hiện tượng của các fan “cuồng”, chị Ngân cho hay: “Nếu chỉ trích hành động thần tượng hóa ở giới trẻ là bất bình thường, là dở hơi và lệch chuẩn đạo đức thì chúng ta có thể phải tìm hiểu kĩ tâm lý lứa tuổi cũng phương pháp giáo dục hiện tạị đã đủ điều kiện để kích thích sự phát triển của em theo hướng tích cực hay chưa?”.

Anh Vũ Hoàn – một phụ huynh học sinh cho biết, việc uốn nắn cô con gái đang tuổi lớn của anh cũng là việc khó khăn mà anh luôn ý thức được tầm quan trọng, tuy vậy không dễ để có cách ứng xử phù hợp. “Con chưa thực sự đủ lớn để tự quyết định mọi việc nhưng không còn quá nhỏ để răm rắp nghe theo lời cha mẹ trong bất cứ chuyện gì. Nếu cấm đoán con, chắc chắn con sẽ phản ứng, chưa biết chừng còn là tiêu cực. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu để con tự ý làm việc mình thích và nghĩ là đúng? Hậu quả có khi còn khôn lường hơn rất nhiều. Đó là cái khó của những người làm cha mẹ”, anh Hoàn bộc bạch.

hiện tượng con cái cãi chửi cha mẹ
Những lời lẽ đầy khiêu khích của nữ fan "cuồng" với mẹ đẻ

Cũng giống như anh Hoàn, câu hỏi “Cha mẹ và nhà trường cần có những cách ứng xử ra sao với con em mình trong những hoàn cảnh tương tự như trên?” – Đó là thắc mắc tương tự của rất nhiều bậc phụ huynh khác nữa nhưng không phải ai cũng có thể tìm được lời giải thích hợp. Theo chuyên gia tâm lý Kim Ngân, trước khi đưa ra những phán xét gay gắt về một hiện tượng nào đó, phụ huynh và nhà trường nên tìm hiểu kĩ tâm lý lứa tuổi, tâm lý xã hội của các em để có đối sách phù hợp. 

Một số điều bố mẹ nên và không nên làm với các con
Nên làm:

- Nói chuyện, chia sẻ với con cái/ học sinh nhiều hơn. 
- Tìm hiểu sở thích, nguyện vọng của các con
- Lắng nghe con cái/học sinh 
- Khuyến khích các con vào hoạt động giải trí lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. 
- Cùng con chia sẻ những vấn đề khó khăn ở tuổi dậy thì, trưởng thành. 
- Giữ mối quan hệ  thân thiết với bạn bè của con
- Bình tĩnh xử lý khi con mắc lỗi
- Thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ con
- Khen ngợi khi con có hành vi tích cực. 

Không nên làm: 

- Áp đặt giá trị sống của bản thân lên con cái/ học sinh.
- So sánh con với các bạn khác cùng lứa tuổi hoặc với chính bản thân mình khi ở độ tuổi đó. 
- Để mặc con tự xoay xở với tuổi dậy thì
- Kiểm soát quá mức quan hệ bạn bè của con
- Kiểm soát quá mức hoạt động vui chơi, giải trí của con
- Chỉ trích, phê phán, buộc tội
- Dùng bạo lực để trấn áp 
Chuyên gia tâm lý Kim Ngân – Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm
Chia sẻ