Ly hôn cũng cần văn hóa

,
Chia sẻ

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Một cuộc ly hôn tốt còn hơn là một cuộc hôn nhân xấu”. Thế nhưng không phải cặp đôi nào cũng biết cách kết thúc cuộc hôn nhân sai lầm của mình trong êm đẹp.

Chúng ta luôn tự hào về truyền thống văn hóa 4000 năm của người Việt. Nhưng trong cả cái bề dày truyền thống ấy hầu như không thấy ai nói đến văn hóa ly hôn. Có lẽ vì ly hôn chưa từng xuất hiện trong xã hội phong kiến ngàn năm khi người đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp.

Trong khi tỷ lệ ly hôn cao không kém gì các nước khác thì văn hóa ly hôn của chúng ta lại quá thấp

Nếu hôn nhân không có tình yêu hoặc không hạnh phúc, người đàn ông có thể lấy thêm vợ hai, vợ ba, vợ tư... chứ chẳng cần phải ly hôn người vợ cả. Chính vì thế, trong cả kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú, đa dạng của ông cha ta chứa đựng biết bao nhiêu kinh nghiệm sống mà các thế hệ trước truyền lại cho đời sau, tịnh không có câu nào nói về chuyện ly hôn cả. Mới chỉ cách đây vài chục năm, trong thời bao cấp, ly hôn vẫn còn là chuyện hiếm, khi dư luận xã hội vẫn nhìn họ như những tội đồ, khi những cuộc li dị tòa xử kéo dài cả chục năm không kết thúc...

Thế nhưng chỉ sau vài chục năm, tình trạng ly hôn của người Việt đã “phát triển vượt bậc” và đưa nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tỷ lệ ly hôn cao trên thế giới. Nhất là những năm gần đây, khi thủ tục đã được đơn giản đi nhiều, dư luận xã hội cũng chẳng còn khắt khe, tỷ lệ này càng có chiều hướng gia tăng.

Các thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75vụ/1000 dân (trong khi ở Nga là 3,36, Trung Quốc là 0,79, ở Thái Lan là 0,58). Theo số liệu thống kê ở thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị (tăng gấp đôi so với năm 1998). Nếu so sánh với Mỹ là 49% (cao nhất thế giới) và phần lớn các nước phát triển là khoảng 40%, thì tình trạng “tan đàn xẻ nghé” ở nước ta cũng chả chịu thua bạn kém bè.

Điều đáng nói là trong khi tỷ lệ ly hôn cao không kém gì các nước khác thì văn hóa ly hôn của chúng ta lại quá thấp so với họ. Ở các nước khác, sau ly hôn, hầu hết những người đã từng là vợ chồng vẫn cư xử với nhau bằng phép lịch sự tối thiểu và rất hiếm khi đẩy nhau vào thế hận thù.

Tôi có người bạn mới đi Thụy Điển về, anh kể chuyện đến dự sinh nhật một cháu bé có cha mẹ ly hôn. Điều khiến anh ngạc nhiên là bữa tiệc đó đông vui hơn sinh nhật những đứa trẻ có gia cảnh bình thường khác bởi đứa trẻ ấy có tới bốn bố mẹ (thêm bố dượng và mẹ kế) và hẳn tám ông bà. Tất cả đều nâng cốc chúc mừng vui vẻ, tan tiệc còn tiễn nhau ra xe rất thân tình. Có lẽ ở các quốc gia phát triển với khung nền văn minh cao, những cuộc chia tay trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn vì truyền thống ly hôn đã có từ nhiều đời. Không ở được với nhau thì chia tay; không là vợ chồng nữa thì có thể là bạn bè, và cả hai cùng phải có trách nhiệm với con cái. Đời ông bà, cha mẹ như thế nào, con cháu cứ thế mà theo nên nó trở thành một nếp sống.

Còn chúng ta suốt mấy nghìn năm, khi ván đã đóng thuyền, dù không có tình yêu, không hạnh phúc, dù gia đình có tên gọi khác là địa ngục trần gian, năm ngày ba trận choảng nhau, thì vẫn cứ cố mà chịu đựng nhau cho đến hết đời bởi lời răn đe “đừng bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ", bởi nỗi xấu hổ, ê chề khi phải đối mặt với sự ác cảm, định kiến của cộng đồng. Thế nên lớp trẻ ngày nay không tiếp thu được chút gì về văn hóa ly hôn của các thế hệ trước, khi “hữu sự”, họ hành xử phần nhiều theo bản năng, và không ít điều đáng tiếc đã xảy ra.

Thực trạng hiện nay cho thấy khoảng 70% đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên. Với không ít những ông chồng trong đầu còn chất nặng tư tưởng phong kiến và thói gia trưởng vẫn ngấm sâu trong huyết quản, đó là một sự xúc phạm. Và giống như con thú bị thương, họ sẽ hung hãn trả thù với không ít hành động vừa phi đạo đức, vừa trái pháp luật như bạo hành, lăng nhục vợ con... mà đôi khi pháp luật cũng khó can thiệp kịp thời.   

Mặt khác, các cuộc ly hôn ở những nước phát triển cũng trở nên nhẹ nhàng hơn bởi sự chặt chẽ, nghiêm minh của thứ pháp luật thượng tôn. Quyền nuôi con đã được điều tra, xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ. Chuyện phân chia tài sản cũng đơn giản hơn vì nhiều đôi có hợp đồng hôn nhân trong đó đã thỏa thuận ghi rõ phần tài sản thuộc về mỗi người nếu chia tay. Nếu chưa có hợp đồng trước đó thì họ cũng chẳng có lí do gì mà đi ngược lại phán quyết của pháp luật.

Chỉ cần vi phạm chế độ phụ cấp nuôi con sau ly hôn, toà án đã can thiệp ngay để bảo vệ quyền lợi của người nuôi và của đứa trẻ. Hành vi của những người đã ly hôn còn quay lại quậy phá người cũ, pháp luật cũng chẳng bỏ qua. Trong khi đó ở xứ ta, người mẹ được tòa xử cho quyền nuôi con, nhưng chồng cũ đến đón con mang đi mất đành đệ đơn xin toà án can thiệp tiếp. Vị thẩm phán nghĩ một lúc vẫn chẳng hết phân vân: “Bây giờ chúng tôi có thể huy động lực lượng đến cưỡng chế đòi lại con cho chị nhưng vài hôm anh ta lại đến cổng trường đón con về thì làm thế nào?”. Bạn tôi, một chuyên gia người Úc, biết chuyện đã rất ngạc nhiên: “Nếu ở nước tôi, anh ta bị khép vào tội bắt cóc trẻ con và chắc chắn đi tù”. Chính vì luật pháp của họ có uy lực như thế nên người dân có muốn làm bậy cũng không dám.

Hãy độ lượng và bao dung để chia tay nhau thật nhẹ nhàng, vui vẻ...

Còn ở ta thì sao? Có người đàn ông, tòa đã xử ly hôn rồi nhưng vẫn tự cho mình cái quyền ghen với vợ cũ, bất kể người đàn ông nào đến với chị đều bị anh ta đe dọa, chửi bới cả hai. Có anh, tòa đã xử cho vợ được quyền nuôi đứa con gái 5 tuổi, nhưng anh ta cứ đến cổng trường mẫu giáo đón con về nhà mình, khiến mẹ thương nhớ con lại phải đến tiếp tục hầu hạ anh ta. Ngược lại, có trường hợp người bố đến thăm con nhưng cả nhà vợ cũ cấm cửa không cho gặp, phải nhờ đến cảnh sát khu vực và tổ dân phố can thiệp mới được gặp con một lúc.

Một đám cưới ở Hà Nội, người vợ cũ xông vào giữa lúc hôn lễ đang tiến hành làm náo loạn, cô dâu, chú rể chạy tan tác. Thậm chí có anh ly hôn đã hai năm rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn đến cửa hàng của vợ cũ đập phá, chửi bới om sòm, chính quyền đã nhiều lần can thiệp mà cũng chẳng ăn thua. Còn những chuyện đổ lỗi cho nhau, nói xấu nhau không ra gì trong và sau ly hôn cho hả giận hay cho đối phương không dễ làm lại cuộc đời, là chuyện ...thường ngày ở huyện

Trong xã hội hiện đại, khi người ta nhận ra cuộc hôn nhân của họ là sai lầm không thể cứu vãn thì ly hôn chính là phương cách giúp họ giải quyết sai lầm ấy. Về bản chất, ly hôn chẳng phải là một vấn đề xấu, người ly hôn cũng chưa chắc đã phải người xấu, như một triết gia người Đức từng nói: “Một thánh nam lấy một thánh nữ chưa chắc đã thành đôi vợ chồng thánh”.

Cái xấu ở đây chỉ là thái độ hận thù, hậm hực, những cư xử thiếu tôn trọng nhau của những người trong cuộc. Mà suy cho cùng, khi bạn tát người khác, chính tay bạn cũng bị đau cơ mà. Bởi thế, dù vẫn biết cuộc đời chẳng giống như ciné hay tiểu thuyết tâm lý, tôi vẫn mong muốn tất cả các cặp vợ chồng khi hết yêu nhau, hãy độ lượng và bao dung để chia tay nhau thật nhẹ nhàng, vui vẻ...
 
Trịnh Trung Hòa
Theo Sành điệu
Chia sẻ