Mẹ Cam mách trình tự các món ăn dặm của trẻ theo từng tháng tuổi, quan trọng nhất lại là 3 tuần “ăn chay”

Minh Nguyệt,
Chia sẻ

Sai lầm của nhiều mẹ là bỏ qua 3 tuần ăn chay của bé bằng việc cho bé ăn đầy đủ chất đạm, chất xơ và tinh bột trong 1 bữa ăn ngay từ khi con mới tập ăn dặm.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp nhất để bé ăn dặm. Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, ăn dặm là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên.

Là một bà mẹ trẻ nổi tiếng trong việc chăm con với những clip hướng dẫn nấu các món ăn phong phú cho bé, Duyên Trần (mẹ bé Cam, Nghệ An) rút ra nhiều kinh nghiệm hữu ích về quá trình ăn dặm của trẻ.

Mẹ Cam mách trình tự ăn các món ăn dặm của trẻ theo từng tháng tuổi, quan trọng nhất lại là 3 tuần “ăn chay”  - Ảnh 1.

Bé Cam nhà chị Duyên Trần bắt đầu ăn dặm từ thời điểm 6 tháng tuổi.

Theo chị, có 2 yếu tố quyết định bé ở tháng tuổi nào thì sẽ ăn được những món nào. Thứ nhất là độ thô của món ăn và khả năng ăn thô của bé, thứ hai là thành phần nguyên liệu món ăn.

Cụ thể, mẹ đảm xứ Nghệ phân tích, với yếu tố thứ nhất, bé từ 6 tháng tuổi có thể bắt đầu tập ăn thô, từ hoa quả hấp mềm, các loại bánh dễ tan.

Chị Duyên khẳng định: "Ăn thô sớm không có hại, ăn dặm sớm mới có hại. Vì vậy, có bé 7,5 tháng đã ăn cơm tốt, nhưng có bé 9 tháng chỉ ăn được cháo xay vẫn ọe. Khả năng ăn thô của bé phụ thuộc vào phần lớn vào sự tập luyện của mẹ, một phần nhỏ là khả năng bẩm sinh của bé".

Các bé nên được ăn tăng dần độ thô của món ăn và theo trình tự.

Sau khi ăn thô tốt, bé có thể ăn cơm với các món ăn được chế biến mềm. 

Nói về vấn đề lựa chọn thực đơn cho bé ăn dặm theo độ tuổi, chị Duyên phân chia từng giai đoạn cụ thể của bé trong thời kỳ này:

- Khi bé bắt đầu ăn dặm, 3 tuần đầu tiên được gọi là "ăn chay" khi khẩu phần ăn của bé chỉ bao gồm 2 nhóm thực phẩm chính là nhóm bổ sung tinh bột và nhóm bổ sung chất xơ để hệ tiêu hóa yếu ớt của bé làm quen với dạng đồ ăn mới. Một số loại tinh bột bé ăn được ở thời điểm này là gạo, bột mỳ, bột bắp, bột năng,… Một số lại chất xơ bé ăn được ở thời điểm này là khoai lang, khoai tây, bí đỏ, cải bó xôi, súp lơ, cà rốt; các loại quả như bơ, chuối, táo,…

- Bước sang tuần cuối cùng của tháng thứ 7, mẹ có thể bắt đầu bổ sung đạm cho bé qua lòng đỏ trứng gà. Tuy nhiên, chỉ nên cho bé ăn thử 1/3 lòng đỏ vì trứng có khả năng gây dị ứng với trẻ nhỏ sau đó sẽ tăng dần lên.

- Từ 7 tháng tuổi trở đi, mẹ bắt đầu bổ sung cho các thực phẩm bổ sung chất béo và đạm. Chất béo phù hợp với bé ở độ tuổi này gồm dầu oliu, dầu óc chó, dầu hạt cải, phomai tách muối. Chất đạm bé có thể ăn từ các loại thịt, cá; bắt đầu trước từ các loại thịt trắng (ức gà) rồi tới thịt đỏ (thịt nạc heo, thăn bò), tôm đồng, các loại cá.

- Từ tháng thứ  8  trở đi, mẹ bắt đầu cho bé ăn hải sản (tôm biển, mực, ghẹ,…). Các thực phẩm này cũng có khả năng gây dị ứng nên mẹ nên cho ăn một lượng nhỏ trước.

- Từ 12 tháng trở đi, bé có thể ăn lòng trắng trứng gà, sữa tươi, gia vị như đường, muối, mật ong, hạt nêm.

Mẹ Cam lưu ý các mẹ cần cung cấp đủ 4 nhóm: tinh bột, chất xơ, chất đạm và chất béo trong khẩu phần ăn mỗi ngày của con.

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Duyên Trần cũng khẳng định không phải ăn chất béo là có hại và không phải ăn nhiều đạm là tốt.

Chia sẻ