Mẹ chồng, nàng dâu và bão giá

Đinh Liên,
Chia sẻ

Mỗi tháng, mẹ chồng Linh đưa cho con dâu đúng bằng ấy tiền chợ, việc chi tiêu thế nào cho bữa ăn của 4 người trong cơn bão giá quả thực khó khăn với số tiền ít ỏi đó.

Lập gia đình được hơn 2 năm nay, cũng chừng ấy thời gian Linh (Gia Lâm, Hà Nội) ở nhà làm bà nội trợ đảm đang. Chồng cô thường xuyên phải đi công tác xa, nhà lại có bố mẹ già yếu, nên mọi trọng trách chăm sóc gia đình đè nặng lên đôi vai của cô con dâu. Vì không đi làm, nên Linh không có tiền riêng, tất cả phụ thuộc vào số tiền hàng tháng chồng gửi về cho bố mẹ, bố mẹ đưa cho con dâu chi tiêu: “Mẹ chồng mình cũng là người quản lý chi tiêu khá chặt tay, bà tính mỗi ngày chỉ đưa cho mình 90.000 đồng tiền đi chợ mua thực phẩm, nên cả tháng chỉ đưa gần 3 triệu, mình chỉ được mua đồ ăn trong khoảng tầm tiền đó. Trước đây thì với số tiền 90.000 đồng, 3 người ăn cũng tạm, nhưng giờ giá cả “nổi bão” 90.000 đồng chắc chỉ đủ cho một bữa ăn. Nhưng mẹ chồng vẫn khăng khăng tiền đi chợ chỉ có thế.”

Mỗi lần đi chợ, nhìn giỏ thức ăn lèo tèo có vài món, Linh chỉ biết thở dài. Những món rẻ như đậu, trứng... ăn mãi cũng phát ngán, mà mua thịt, thực phẩm tươi sống về làm bữa tươi cho cả nhà ăn thì sợ lạm vào tiền chợ của ngày khác. “Nhà chồng mình khá giả, nhưng mẹ chồng thường xuyên căn dặn, rằng phụ nữ thì phải biết tằn tiện chi tiêu, vun vén cho gia đình, rằng đàn bà lấy chồng rồi thì không thể tiêu pha vô tư như thời con gái được. Nên cụ nhất quyết phải “huấn luyện” cho con dâu bài học nằm lòng đó. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, các cụ nhiều tuổi, ăn các món thanh đạm mãi được, mình còn trẻ, ăn nhiều không quen”, chị Linh cho biết.
 
Để đảm bảo bữa cơm thời bão giá, nhiều nàng dâu phải chi tiêu tằn tiện (ảnh: internet)

Có lần, Linh giấu mẹ chồng, bỏ tiền túi đi mua thêm thức ăn cho cả nhà. Mẹ chồng không vừa  ý, trong mâm cơm cũng chẳng gắp miếng thức ăn nào. Từ ngày đó trở đi, Linh không dám trái lời mẹ.

Mẹ chồng chị Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại chê con dâu tiêu tiền “vung tay quá trán”, thứ gì cũng mua nhiều, ăn không hết lại bỏ đi, thấy mà tiếc. Bà giành quyền đi chợ hàng ngày, công việc mà cách đây ba tháng, vì sức khỏe yếu bà đành giao lại cho con dâu. Mỗi tháng, vợ chồng chị Hạnh đưa cho ông bà 3 triệu tiền ăn, cộng với tiền ăn của ông bà cũng phải 5, 6 triệu/tháng. Tuy nhiên, số tiền mua thực phẩm hàng ngày đó, được mẹ chồng chị tính toán chi li. Mỗi ngày, bà đề ra chỉ tiêu chỉ được mua 150.000 đồng/2 bữa ăn. Quá số tiền đó, thì hôm sau phải ăn ít đi để bù vào ngày hôm trước. Thế nên bữa cơm của cả nhà quanh quẩn chỉ toàn các món trứng, đậu, cá, hiếm hoi mới có món thịt.

Bữa nào hai vợ chồng tôi nhìn mâm thức ăn cũng ngao ngán, chẳng ăn nổi các món đó mãi. Vì hai cụ tuổi già, nên muốn ăn các món ít chất đạm. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng tôi có mua về thêm thịt, cá để ăn, thì cả bữa nghe mẹ chồng than vãn không biết tiết kiệm, bão giá thế này mà ăn hoang quá!”, chị Hạnh than thở.

Chuyện ăn uống đã vậy, nếp sinh hoạt thường ngày cũng hết sức khắt khe. Từ ngày về nhà chồng, chị Hạnh luôn phải nhớ nằm lòng mấy nguyên tắc như: nước vo gạo phải giữ lại để rửa rau, nước rửa rau giữ lại để rửa bát, nước rửa bát giữ lại để… dội nhà vệ sinh.

Xích mích giữa mẹ chồng, nàng dâu đôi khi cũng chỉ vì bão giá (ảnh: internet)

Quần áo, bộ cánh mới chị cũng không dám mua vì mỗi lần diện mẹ chồng đều hỏi: “Con mua có đắt không? Tuổi trẻ chúng mày chẳng biết sống tiết kiệm là thế nào cả”.
 
“Thỉnh thoảng lắm, hai vợ chồng mới xin phép ra phố xá chơi nhưng lần nào tôi cũng rất ngại vì mẹ chồng hay có câu: “cà phê với chả cà pháo. Nhà mình có thiếu thứ gì đâu, mà chúng mày cứ phải giơ đầu ra cho người ta chém. Chẳng biết xót tiền gì cả”, chị Hạnh kể.

Mỗi tháng, chị Duyên (Kim Mã, Hà Nội) cũng góp thêm với bố mẹ chồng hơn 3 triệu tiền ăn.  Thấy giá cả tăng đến chóng mặt, chị lại đưa thêm cho mẹ chồng thêm 1 triệu mỗi tháng. Ấy thế nhưng cụ vẫn cho cả nhà ăn uống rất... túng thiếu: “Mình không ăn quen nên thấy rất khó chịu, ăn cơm rồi mà vẫn phải giấu cụ ra ngoài hàng ăn thêm món gì đó. Nhưng khổ nhất là bé con nhà mình, mới 5 tuổi mà ăn uống đạm bạc thế, làm sao đủ chất được.”

Có lần, chị nhẹ nhàng bảo mẹ chồng hôm nay nhà mình ăn tươi một bữa, thì nhận lại là những lời giận dỗi: “anh chị chê tôi không biết nấu nướng cho cả cái nhà này, chê bà già này đi chợ. Tôi không không dám cầm tiền chợ của anh chị nữa, thâm hụt vào lại đổ lỗi tại bố mẹ chồng.”
Chị Duyên ngậm ngùi không dám nói, rối rít thanh minh. “Từ đó, chẳng dám ý kiến gì về bữa cơm hàng ngày nữa. Cụ giành phần nấu cơm, đi chợ cho cả nhà, cũng là phụ mình đỡ vất vả. Thôi thì cố gắng ăn các món thanh đạm vậy, còn con gái mình thì mỗi lần đón con ở trường, tối cho con đi chơi, mình đều phải cho cháu ăn thêm món gì đó. Khổ thân con bé! Nhưng mẹ chồng lại chẳng chịu hiểu cho.”
 
Chia sẻ