Mẹ là người đanh đá!

Đức Dũng,
Chia sẻ

Nhưng đằng sau hai chữ “đanh đá” không mấy dễ nghe này lại là một người phụ nữ tuyệt vời. Với tôi một người phụ nữ chuẩn 10 thì có khi đanh đá cũng là một phần không thể thiếu trong tính cách. Đanh đá nhưng không hỗn láo, mất dạy đối với người bề trên, với người hơn tuổi, cư xử đàng hoàng thì hãy cứ đanh đá.

Mẹ là người đanh đá!

Đó là câu mà người ta thường nói cho tôi nghe về mẹ, và cũng là câu nói mà tôi luôn nhớ nằm lòng để sau này kén vợ các bạn ạ!

Mẹ tôi là con gái Thanh Hóa, lấy chồng năm mười tám tuổi và cuộc đời mẹ là rất nhiều những thăng trầm. Tôi là con trai cả, ngày mẹ sinh em gái thứ ba thì bố tôi có nhân tình, đó là chuyện xấu hổ mà tôi và mẹ không bao giờ để các em biết. Mẹ lặn lội từ quê ra Quảng Ninh gặp gia đình và gặp cô nhân tình của bố. Mẹ khiến cho người ta hiểu rằng họ đang xâm phạm vào hạnh phúc của người khác, cướp đi người cha của những thiên thần. Trong truyện này mẹ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhà nội. Bố tôi sau đó trở về với gia đình nhưng mọi vốn liếng, tiền bạc dành dụm bao năm của mẹ đã biến mất hết.

Sau này trong cuộc sống vợ chồng dù rất nhiều lần tôi thấy bố mẹ “đá thúng đụng nia”, song chưa bao giờ tôi thấy mẹ nói đến quá khứ chơi bời của bố. Có lẽ vì thế mà bố rất nể mẹ, bố không bao giờ dám đi vào vết xe đổ ngày xưa, bố nể mẹ vì cách cư xử khôn khéo của vợ mình.

Ngày tôi lên lớp một, cuộc sống nghèo khó quá nên cả gia đình phải chuyển vào Đồng Nai làm kinh tế mới. Cuộc sống nơi đất khách quê người thật sự rất khó khăn, kiếm được miếng cơm manh áo là phải trầy trật sớm hôm. Mẹ cùng bố đi làm thuê cho người ta với đồng tiền công rẻ mạt, tài sản duy nhất và lớn nhất của bố mẹ chính là ba đứa con ngoan.

Ngày đó, có những ruộng mía giáp rừng Nam Cát Tiên và ở tận sâu trong núi xa, có nhiều thú rừng nguy hiểm như voi, lợn rừng, rắn độc nhưng bù lại tiền công làm rất cao. Vậy mà một người phụ nữ nhỏ bé như mẹ lại luôn sẵn sàng nhận lãnh trước sự ái ngại của nhiều người. Họ nói mẹ là “ăn gan hùm, uống mật gấu”, rồi “đanh đá cá cày” mới dám nhận làm ở những lô mía mà đàn ông họ còn thấy ngán ngẩm. Thế nhưng chính nhờ vậy mà anh em tôi có được thêm chiếc áo, tấm quần và những bữa cơm có thêm miếng thịt mỡ ngon tuyệt đấy.

Mẹ tôi rất thích tự trồng rau củ, hoa màu và nuôi gà để tăng gia cuộc sống gia đình. Bà nuôi gà rất mát tay và mỗi khi tết đến bán gà lấy tiền là giúp cho cả nhà đón xuân đủ đầy hơn. Tivi màu, quạt điện, nồi cơm điện hay đồ nội thất của gia đình toàn là tiền nuôi gà khó nhọc của mẹ đấy.

Có một lần tết âm lịch sắp tới, mà nhà tôi mất liền sáu con gà mái tơ rất to, tính ra là cả chỉ vàng. Và ngay lập tức mẹ đội nón, sắn tay áo đi khắp xóm kiểm tra từng chuồng gà nhà người ta. Tôi nhìn thấy rất nhiều những ánh mắt xăm soi, nhìn thấy những nụ cười xỉa xói, những cái xua tay khinh bỉ của người ta, tôi thương mẹ lắm. May thay cuối cùng mẹ cũng tìm được bốn con gà và kéo theo là một trận cãi nhau lớn chưa từng có ở xóm. Vì tiếc của và kỹ tính nên số gà đó mẹ tôi đã cẩn thận đánh dấu hiệu riêng ở chân, bà tìm được gà nhưng kẻ trộm lại chối phăng cho rằng bị vu vạ. Đương nhiên vì gà đã được đánh dấu nên cuối cùng bà cãi thắng, có điều cũng từ đó người ta lại càng có lý do để nói mẹ tôi đanh đá, đáng sợ!

Phải đến lúc lớn lên tôi mới biết rằng những con gà đó là mẹ để dành bán tết để kiếm thêm chút tiền gởi cho hai bên nội – ngoại một chút quà xuân. Nhà tôi nghèo không đủ ăn nếu không có mấy đồng tiền gà thì làm sao mua quà biếu các cụ ở quê đây?! Mẹ không đanh đá, không cãi nhau với người ta nảy lửa như vậy thì liệu có tìm lại của bị mất không?

Còn một lần khác mẹ tôi bị một người đàn ông cùng xóm lấy trộm tiền. Sau khi biết mất tiền mẹ tôi đã nói người kia trả lại nhưng bị người ta chửi bới là nghèo đói không có tiền nên bịa chuyện ăn vạ.

Mẹ giận lắm, có điều lần này mẹ không cãi nhau, bà bỏ cơm trưa rồi đạp xe giữa trưa nắng gần hai mươi cây số ra công an xã để làm đơn thưa kiện. Mấy anh công an ngày đó thực sự cũng sốc lắm nhưng nhìn mẹ họ biết rằng mẹ nói thật, phải làm cho rõ chuyện. Họ nhận đơn trình bày và vào xóm tìm hiểu sự việc. Cái chuyện mẹ vác đơn kiện bị trộm tiền khiến xóm tôi được một tuần xôn xao bàn tán. Tất nhiên mẹ chiến thắng vì tiền đó là của bà và bà đã chỉ đúng kẻ ăn cắp xấu xa kia. Ông kia bị xử phạt một năm tù treo và phải bồi thường cho mẹ tiền tổn thất về tinh thần.

Mẹ tôi tâm niệm mình không làm gì sai thì không có gì phải sợ, mẹ có thể không hiền lành trong mắt thiên hạ nhưng mẹ luôn yêu thương chồng con, luôn sống vì gia đình hết lòng.

Sau này vì mang tiếng mẹ đanh đá nên hai đứa em gái tôi không có mấy đứa con trai dám đến nhà chơi, ngoại trừ mấy đứa bạn của tôi. Có thể ai đó cho rằng mẹ tôi làm khổ con gái, song với mẹ đó lại là chuyện hay!

Mẹ hướng cho hai em gái tôi học và thi vào nghành sư phạm, mẹ muốn hai cô con gái làm cô giáo, có cuộc sống ổn định để có thời gian chăm chồng, chăm con. Mẹ không muốn hai con gái mẹ đủ 18 lại lấy chồng như bao nhà. Mẹ muốn các con mình thoát nghèo bằng cái chữ và cho chúng một cái nghề làm cần câu cơm.

Có lẽ chính nhờ sự sắt đá, cứng rắn của mẹ mà giờ đây hai em gái tôi đều có công ăn việc làm ổn định và tôi có hai đứa em rể tuyệt vời.Đời sống gia đình tôi đã khác ngày xưa rất nhiều vì chúng tôi đã trưởng thành và phụ giúp cho bố mẹ. Mẹ vẫn giữ thói quen nuôi gà, đánh dấu gà mình nuôi, vẫn sẵn sàng tay đôi nếu ai đó nói xấu, đụng chạm đến gia đình một cách sai sự thật. Cái tiếng đanh đá của mẹ vẫn cứ tồn tại theo dòng đời nhiều bon chen chuyện cơm áo gạo tiền.

Nhưng đằng sau hai chữ “đanh đá” không mấy dễ nghe này lại là một người phụ nữ tuyệt vời. Với tôi một người phụ nữ chuẩn 10 thì có khi đanh đá cũng là một phần không thể thiếu trong tính cách. Đanh đá nhưng không hỗn láo, mất dạy đối với người bề trên, với người hơn tuổi, cư xử đàng hoàng thì hãy cứ đanh đá.

Và là đàn ông của thế kỷ 21 thì tôi quan niệm người phụ nữ có cho mình một chút đanh đá mới đúng là chuẩn 10 đấy.

Cảm ơn đời đã cho tôi một người mẹ đanh đá!
Chia sẻ