Mẹ quẫn trí tự tử cùng con - Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất

Lê Nhi,
Chia sẻ

Đằng sau phút quẫn trí của những phụ nữ ôm con tự tử theo mình gây nên những cái chết đau lòng làm rúng động dư luận thời gian qua là cả một bi kịch gia đình thương tâm.

Quá quẫn trí vì những bi kịch gia đình

Cách đây 8 tháng (sáng 25/3/2014), dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng và đau lòng khi một người dân vớt được xác ba mẹ con cô giáo trẻ chết dưới lòng hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) trong tư thế bị trói chặt vào tay nhau. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm pháp y. Nạn nhân được xác nhận là cô giáo mầm non Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, trú thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh) và 2 con là Mai Thị Thảo My (2010) và Mai Gia Huy (SN 2012) đã chết trong tư thế cột chặt vào nhau do tự tử.

Khi nhận được tin 3 mẹ con cô giáo Diệu buộc tay nhau nhảy hồ Phú Ninh tự vẫn, không ai có thể tin đó là sự thật. Họ không nghĩ cô giáo trẻ này chỉ vì giây phút nghĩ quẩn mà gây nên 3 cái chết đau lòng. Từ đây bi kịch gia đình nạn nhân cũng được hé lộ. 

Mẹ quẫn trí ôm con tự tử: Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất 1
Bà con hàng xóm đều bật khóc khi hay hay tin 3 mẹ con cô Diệu mất

Cô Diệu kết hôn với anh Mai Văn Chương (người cùng làng) vào năm 2010. Anh Chương làm nghề lái xe tải chuyên chở đất cho các công trình ở Tam Kỳ. Những ngày mới kết hôn, ai cũng mừng cho họ. Nhưng từ khi 2 con thơ liên tiếp chào đời, đồng lương giáo viên mẫu giáo không đủ lo cho con nên cô giáo Diệu chỉ biết trông chờ vào chồng.

Nhưng chồng cô lại đi biền biệt không về. Sốt ruột, người phụ nữ này đã bồng con xuống Tam Kỳ tìm, mới hay chồng đã nghiện nặng. Tất cả tiền làm ra chồng cô đều đổ vào ma túy và sau đó bị công ty cho nghỉ việc. 

Đưa chồng nghiện trở về nhà, song chồng cô không công ăn việc làm, lại thêm nghiện ngập nặng. Vì thế, cuối năm 2013, chồng cô phải đi cai nghiện bắt buộc ở trại cải tạo. Từ đây gia đình cô giáo Diệu bắt đầu rơi vào bi kịch.

Mẹ quẫn trí ôm con tự tử: Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất 2
Lá thư đẫm nước mắt của cô giáo Diệu để lại trước khi tự vẫn.

Cuộc sống vốn đã túng quẫn càng đẩy vào bế tắc khi chỉ trong vài tháng bố đẻ, bố chồng của cô Diệu vì bệnh tật và tai nạn giao thông đã lần lượt qua đời. Lại thêm chồng nghiện nặng nên cô Diệu tỏ ra chán nản. Quá nghèo khó, lại thấy không còn chỗ dựa, vì một phút nông nổi, cô giáo Diệu đã nghĩ quẩn, kết thúc cuộc sống của mình và 2 đứa con nhỏ dại bằng cách 3 mẹ con buộc chặt tay nhau nhảy hồ tự vẫn.

4 tháng sau (giữa tháng 7/2014), người dân thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk lại bàng hoàng phát hiện ra cô Trần Thị Hạ (SN 1972, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, TP Buôn Ma Thuột) chết trong tư thế treo cổ trong căn nhà thuê. Con gái cô Hạ (5 tuổi) là bé Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 2008) cũng chết trên giường ngủ cạnh đó.

Mẹ quẫn trí ôm con tự tử: Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất 3
Nhà 19.8 Đặng Thái Thân - nơi người dân phát hiện cái chết của mẹ con cô Hà.

Được biết, cô giáo Hạ đã ly hôn chồng khoảng hơn 1 năm nay. Vợ chồng cô có 2 người con, cô Hạ nhận nuôi con gái thứ hai là bé Thảo, còn con trai lớn ở với chồng. Do nợ nần chồng chất, mất khả năng thanh toán nên cô Hạ bị quẫn bách, đầu độc con gái 5 tuổi rồi tìm đến cái chết. 

Trước khi chết cô Hạ có viết một bức thư để lại. Bức thư có nội dung xin mọi người xóa nợ cho cô và nhờ nhà trường lo hậu sự. 

Tiếp đến, ngày 1/9 vừa qua, dư luận xã hội lại một lần nữa chấn động và không thể cầm lòng được khi phát hiện thi thể người mẹ -  nữ y tá đang mang bầu 3 tháng tuổi ôm đứa con thơ hơn 2 tuổi gieo mình xuống sông Lô  (Việt Trì, Phú Thọ) tự vẫn. Khi được đưa lên bờ, cả 3 mẹ con cùng bỏ mạng và vẫn dính chặt vào nhau.

Mẹ quẫn trí ôm con tự tử: Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất 4
Địa điểm chị Mai ôm con nhảy sông quyên sinh.

Sau những ngày nỗ lực tìm kiếm, các cơ quan chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể nữ y tá Lê Thị Hương Mai (SN 1986, trú tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) cùng các con trên sông Hồng gần khu vực địa phận huyện Phúc Thọ (Hà Nội), cách nơi chị Mai ôm con nhảy xuống khoảng hơn 20km.

Khi sự việc thương tâm này xảy ra, nhiều người vẫn chưa hết xôn xao về câu chuyện gây nên bi kịch đau lòng này. Được biết, nguyên nhân dẫn đến vụ tử tử của nữ y tá này do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.

Chẳng là, hai vợ chồng nữ y tá Mai đều công tác tại cơ quan nhà nước. Gia đình vợ chồng Mai cũng thuộc diện khá giả. Sau khi kết hôn, chị Mai cùng chồng là anh Lê Hải S về sống với mẹ chồng ở tổ 22, phường Bến Gót, thành phố Việt Trì.

Nhưng cuộc sống của con dâu cùng người mẹ chồng dường như không mấy thoải mái khi thường xuyên có lời qua tiếng lại. Song để giữ gia đình êm ấm, nữ y tá này vẫn cố gắng gượng đến khi sinh con với hy vọng mẹ chồng không thương mình thì sẽ thương cháu. 

Mẹ quẫn trí ôm con tự tử: Bi kịch từ những nỗi đau chồng chất 5
Cái chết của ba mẹ con chị Mai khiến dư luận đau xót

Khi con chị Mai được sinh ra với 1 bàn chân 6 ngón thì những mâu thuẫn giữa chị và mẹ chồng càng thêm lớn hơn. Không còn cách giải quyết nào khác, chị và chồng quyết định thuê phòng trọ ra ở riêng. 

Song đến ngày 28/6, sau khi hai vợ chồng thống nhất bàn bạc, chị Mai đã quyết định theo chồng về sống với mẹ chồng. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng 10 ngày thì xảy ra chuyện đau lòng trên.

"Phụ nữ cần phải có những kỹ năng đối phó với áp lực"

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Rồng Việt Vũng Tàu) thì thời gian qua có những vụ mẹ quẫn trí ôm con tự vẫn gây chấn động dư luận, ngoài những bi kịch gia đình còn có một phần nguyên nhân do năng lực cảm xúc của những phụ nữ này yếu. Do đó, họ dễ bị tổn thương trước những mâu thuẫn gia đình. 

Ngoài ra, những phụ nữ này còn thiếu sự hỗ trợ và không có chỗ dựa gia đình tốt, không nhận được sự động viên tinh thần của chồng, người thân, họ hàng; lại thêm phải gồng gánh bao áp lực kiếm tiền nặng nề ngoài việc chăm con... nên họ không tìm được lối thoát mà dẫn tới hành động quẫn trí, nông nổi.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng giải thích rõ hơn, việc người phụ nữ khi bế tắc nhất thường tìm mọi cách mang con chết theo mình. Nguyên nhân là do với phụ nữ, con cái đối với họ như một phần của cơ thể họ. Đi đâu họ cũng muốn mang con đi theo, muốn gắn bó với con. Trong ý nghĩ vô thức của họ thường lo lắng, khi họ chết đi rồi mà để con ở lại, họ sẽ không yên tâm vì lo con họ không được ai yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng. Do đó, mới hay xảy ra những bi kịch này.

Bên cạnh lời giải thích về nguyên nhân xảy ra những vụ việc thương tâm trên, chuyên gia tâm lý nổi tiếng này cũng khuyên các chị em phụ nữ nên học cách đối mặt với những mâu thuẫn gia đình bằng cách nâng cao những kỹ năng sau: 

- Yêu và quý trọng bản thân mình: Khi lấy chồng, nuôi con, phụ nữ thường chỉ chuyên tâm chăm lo cho gia đình, cho chồng con mà không nghĩ đến bản thân mình. Song thực tế, phụ nữ nên phải nghĩ đến bản thân mình bằng cách dành thời gian chăm chút, chau chuốt nhiều cho hình thức bên ngoài ngày một đẹp hơn. 

- Học cách tăng kỹ năng tự chủ, kiềm chế bản thân: Theo Lê Khanh lý giải, trước đây khi chưa kết hôn, phụ nữ thường hay chia sẻ với bố mẹ, bạn bè nên khi rơi vào tình trạng căng thẳng, giận dữ cũng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của họ. Nhưng sau khi lấy chồng, gặp khó khăn hay mâu thuẫn với chồng, nhà chồng, phụ nữ thường hay tự mình đương đầu trực tiếp và ít chia sẻ. Nhưng điều này không nên chút nào, vì cứ ôm nỗi đau, nỗi ấm ức trong lòng, lại không nhận được sự động viên, chia sẻ của người xung quanh, phụ nữ sẽ dễ nghĩ quẩn mà có những hành động đáng tiếc.

Do đó, khi gặp mâu thuẫn trong gia đình, phụ nữ không nên đương đầu trực tiếp với khó khăn 1 mình mà cần tìm nguồn hỗ trợ từ bạn bè, bố mẹ, cô dì chú bác trong họ hàng để được cho những lời khuyên thiết thực.

Khi mâu thuẫn gia đình xảy ra, phụ nữ không nên rối lên mà phải biết cách phân tích vấn đề, biết nghĩ đơn giản và tìm cách giải quyết đơn giản nhất. Nhất định không được để những mâu thuẫn nhỏ chồng chất hay ôm nỗi đau một mình.

Cuối cùng, phụ nữ không nên cam chịu, phải biết quý trọng bản thân mình. Nếu quá bế tắc, hãy gọi điện cho một người bạn tin tưởng hay một chuyên gia tâm lý để nhận được 1 lời góp ý, lời khuyên đúng lúc đúng chỗ để không đưa ra những quyết định vội vàng, thiếu sáng suốt.

Chia sẻ