Mẹ vô tư dạy con thành đầu gấu

Trần Vân,
Chia sẻ

Vì muốn con không bị bắt nạt, chị Quế vô tình biến con thành đầu gấu.

Dạy con “chiến đấu” với bạn

Ở nhà, bé Bi rất nhanh nhẹn, tinh nghịch và... hay bắt nạt bố mẹ. Nhưng mọi chuyện thay đổi từ khi Bi đi học mẫu giáo. Khi về đến nhà chẳng ngày nào là Bi không có thêm vài vết cào cấu trên mặt, trên người. Xót con, chị Quế tới nhiều lần “dằn mặt” cô giáo nhưng tình hình đâu vẫn vào đó.
 
Chị Quế làm ầm lên dọa mách hiệu trưởng nhưng cô giáo bảo: “Chị thông cảm, các cháu rất đông. Chỉ nhãng đi một tí là các cháu cấu véo nhau rồi. Không phải chúng em vô trách nhiệm đâu”.

Dù hiểu nhưng chị Quế nhất định không thông cảm. Thấy con mình mẩy trầy xước, bà mẹ nào chẳng thương đến rớt nước mắt. Thế là chị quyết định chuyển trường cho con. Kết quả là dù có chuyển trường tới 3 lần, bé Bi vẫn thương tích đầy mình.

Từ đó chị mới kết luận tất cả tại bé Bi “anh hùng xó bếp”. Bi chỉ bắt nạt bố mẹ ở nhà. Còn ra đường, cu cậu rúm ró, sợ hãi.

Thương con, hận…. lũ trẻ đầu gấu, chị Quế quyết đào tạo con thành đầu gấu. Ngày nào chị cũng cho con xem phim bạo lực. Cứ đến cảnh chiến đấu, chị lại bảo con: “Đấy, đứa nào đánh con, con đánh lại cho mẹ. Không phải sợ ai hết. Đã có mẹ bênh rồi”.
Mẹ vô tư dạy con thành đầu gấu
Để cho chắc ăn, chị “kèm” con bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Có lần, cậu bé hàng xóm gây sự với Bi, chị chạy một mạch từ trong nhà ra rồi hùng dũng: “Con cứ đánh nó cật lực. Đã có mẹ ở đây”.

Có mẹ làm “bảo kê”, cu Bi mạnh mẽ xử lý cậu bạn hàng xóm. Thế là hơn 1 năm trời trôi qua, cu Bi hoàn toàn lột xác. Bây giờ, không có chuyện cu Bi bị bắt nạt. Cứ bé động vào Bi xem, đảm bảo đứa trẻ kém may mắn sẽ lãnh hậu quả ngay.

Chị Quế khá hài lòng với “giáo án” của mình. Thế nhưng chị sớm ân hận vì cu Bi đã ra khỏi vòng kiểm soát của chị. Không chỉ biết bảo vệ mình, cu Bi còn thường xuyên hành hung bạn. Cu cậu thậm chí còn đánh bạn để cướp đồ chơi. Khi cô giáo tới nhà nhắc, chị Quế la rầy con, cu Bi còn thẳng tay đấm vào mặt khiến má chị sưng u. Tới lúc này, chị mới công nhận mình đã đào tạo ra đầu gấu thay vì một anh hùng như chị mong đợi.

Dạy con “bình đẳng” với người lớn

Là người “chiến đấu” vì tư tưởng bình đẳng nên chị Huyền quyết để con mình bình đẳng về mọi mặt. Ví dụ ở nhà, không có chuyện chị nhún nhường, cả nể bố mẹ chồng. Với chị, chuyện nào ra chuyện đó, “miễn đúng là được”. Thế nên mới có chuyện chị đối xử… ngang hàng với bố mẹ chồng. Và chị cũng giáo dục bé Hoa theo cách đó.

Khi bé Hoa bị cô giáo mắng, chị Huyền đưa con tới tận trường, gọi cô giáo ra để nói chuyện “cho ra lẽ”. Thế là thành ra đôi co. Nhưng chị Huyền luôn tin tưởng con mình: “Con tôi đẻ ra, tôi biết. Nó không bao giờ nói dối. Chỉ có cô nói dối để lấp liếm lỗi của mình. Tôi yêu cầu cô phải xin lỗi con tôi”.

Tất nhiên, cô giáo không đời nào chịu nghe theo lời chị Huyền. Thế là chị Huyền làm ầm ĩ ở trường, thậm chí còn… kiện lên Phòng giáo dục.

Trong bất cứ câu chuyện nào liên quan tới tranh cãi giữa người lớn và con, chị Huyền luôn nhắc bé Hoa: “Con không việc gì phải sợ. Người lớn không được phép bắt nạt trẻ con. Cứ cái gì đúng thì con chiến đấu tới tận cùng. Mẹ sẽ luôn ủng hộ con”.

Mẹ vô tư dạy con thành đầu gấu

Được mẹ đào tạo, bé Hoa luôn có tư tưởng bình đẳng với người lớn. “Bình đẳng” tới mức bé sẵn sàng cãi nhau tay đôi với cô giáo. Khi bị cô giáo mắng vì tội không kính trên nhường dưới, Hoa bê nguyên lời của mẹ: “Người lớn không ra dáng người lớn thì không đáng được trẻ em tôn trọng”.

Hoa hỗn xược với thầy cô nên cô bé thường xuyên bị nhắc nhở, thậm chí yêu cầu chuyển trường. Vì bênh con, chị Huyền sẵn sàng tất tả ngược xuôi tìm nơi khác cho con “trau dồi kiến thức”.

Chỉ đến khi bé Hoa hỗn xược với ông bà ngoại, chị Huyền mới “tỉnh cơn mê”. Chuyện là thế này, ông bà ngoại và ông bà nội bé Hoa có xích mích. Vì còn bé, lại ở cùng nhà nội nên đương nhiên bé Hoa quý ông bà nội hơn.

Thế nên, khi thấy ông bà nội bị ông bà ngoại “áp đảo”, bé Hoa tới tận nhà ông bà ngoại làm cho ra lẽ với giọng điệu bà cụ non: “Ông bà già rồi mà cư xử như đầu đường xó chợ. Ông bà nội cháu có làm gì đâu mà bà làm ầm ĩ lên như thế. Cháu nghĩ ông bà phải xin lỗi ông bà nội cháu”.

Vì xót bố mẹ nên chị Hoa mới giật mình nghĩ về cách cư xử của con gái. Chị vội đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý. Khi nghe chuyên gia phân tích, chị lại càng hối hận hơn vì dạy con sai. Cũng may, sau mấy buổi tư vấn và thường xuyên theo dõi, uốn nắn con theo hướng dẫn của chuyên gia tâm lý, bé Hoa đã biết “tự hạ thấp quyền bình đẳng”.

Dù vô tình hay cố ý, những việc làm thiếu suy nghĩ đó đều ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển nhân cách của trẻ mà hậu quả khi lớn lên rất khó lường.

Chuyên gia Giá trị sống Trish Summerfield từng tư vấn các chương trình giáo dục tích cực cho các phụ huynh khuyên các cặp vợ chồng trẻ nên học các khóa làm cha mẹ trước khi kết hôn. Thái độ và hành động của bố mẹ có thể theo con đi suốt cuộc đời, nếu tiêu cực sẽ trở thành một gánh nặng, khiến bé gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ