Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới

QT - TT- Nhã Đan,
Chia sẻ

Vừa lo lắng khi dịch sởi và thủy đậu vẫn còn đang hoành hành, nhiều bậc phụ huynh lại tiếp tục hoang mang khi bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ, nhiều trường hợp nặng gây biến chứng nguy hiểm.

TP. HCM: Trẻ em ngồi vật vờ dọc lối đi

Bệnh tay chân miệng là bệnh do một nhóm virus khác nhau gây nên, vì khả năng miễn dịch không cao nên bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế, từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận hơn 17.400 ca mắc bệnh. Riêng TP.HCM đã có đến gần 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là đau họng, sốt, đau mỏi miệng, viêm loét miệng với những vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Bệnh khiến phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, bệnh tự đẩy lui sau vài ngày giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, song ở một số trường hợp khác, biến chứng của bệnh khá nguy hiểm: từ chân tay miệng, trẻ có thể bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và khám chữa kịp thời. 

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh đã xuất hiện tại hơn 60 địa phương. So với năm ngoái, năm nay số ca mắc bệnh giảm song bệnh lại có nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng ngày 5/5, các phòng bệnh tại Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đã quá tải, các gia đình có con em mắc bệnh phải ngồi vật vờ ở dọc hành lang và ngay cầu thang lối đi lại.

Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh tại BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại Bệnh viện đang điều trị 57 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 ca biến chứng độ 3-4 phải thở máy. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết chưa có trường hợp nào tử vong. “Vừa qua cũng có 1 ca biến chứng khá nặng nhưng bé vừa được điều trị dứt điểm và đã xuất viện. Nhìn chung, bệnh tay chân miệng không quá nguy hiểm. Đến chu kỳ thì bùng phát nhưng nếu phát hiện bệnh và xử lý kịp thời sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.”

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 1
Ngay sau những ngày nghỉ lễ, cha mẹ lại làm thủ tục cho con đi khám (Ảnh: Chí Toàn)

Hà Nội: Phụ huynh đứng ngồi không yên vì lo dịch

Đang lo lắng khi dịch sởi và thủy đậu vẫn còn hoành hành, các bậc phụ huynh lại tiếp tục hoang mang khi bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ, nhiều trường hợp nặng gây biến chứng nguy hiểm.

Chị Trần Phương Thùy (Long Biên, Hà Nội) tâm sự nghẹn ngào: "Mấy ngày nghỉ vừa rồi, cả nhà mình đứng ngồi không yên khi con mình có những biểu hiện lạ. Tự dưng, tối hôm trước bé sốt cao, giật mình khi ngủ, lười ăn, cứ ăn lại khóc. Mình định đưa con đi khám nhưng gia đình mình cản vì sợ đưa con vào viện thời điểm này không thích hợp, sợ nhiễm chéo bệnh khác. Thế nhưng tối qua mình phát hiện ra trong miệng con có nhiều vết loét, mình không còn cách nào khác phải đưa con vào viện. Vào tới đây, bác sĩ bảo con bị tay chân miệng". 

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 2
Trên gương mặt ai cũng đầy vẻ lo lắng, ưu phiền cho sức khỏe của con (Ảnh: Chí Toàn)

Thấy cô cậu con trai 2 tuổi có biểu hiện sốt, nổi mụn nước trong miệng, mới đầu chị Phương (Hòa Mã, Hà Nội) nghĩ con bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, vài tiếng sau, chị giật mình khi thấy bàn tay, bàn chân bé xuất hiện nhiều nốt đỏ. Đưa con tới viện, chị mới biết, "đúng là bé bị tay chân miệng". 

"Mình lo quá, nhưng bác sĩ bảo cứ đưa cháu về theo dõi, giữ vệ sinh sạch sẽ", chị tâm sự.

Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, từ thời điểm sau Tết cũng bắt đầu rải rác một số ca bệnh. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai hiện mỗi tuần tiếp nhận khoảng 10 – 15 trẻ mắc tay chân miệng đến khám. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, khoảng 90-95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Vì thế với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc bé tại nhà tránh đưa bé đến viện bị nhiễm chéo. Trong trường hợp, bé có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, kèm các triệu chứng tiêu chảy, nôn trớ, ăn ngủ kém, giật mình khi ngủ thì nên đưa bé ngay tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. 

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 3

Bên cạnh đó, trong việc phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Dũng đưa ra những lời khuyên như sau: 

Cả người lớn và trẻ nhỏ nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi ăn, đi vệ sinh, nấu ăn… Chế biến đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo ăn chín uống sôi. Hạn chế đun thức ăn cho bé bằng lò vi sóng vì nhiệt độ và thời gian của lò vi sóng chưa thể khiến thức ăn chín kỹ và diệt vi khuẩn. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, nơi sinh hoạt, khử khuẩn phòng. Chú ý theo dõi sức khỏe của con, nếu thấy con có những triệu chứng như trên cần tiến hành cách ly và đưa con đi khám càng sớm càng tốt.  

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 4
Ngay từ đầu tuần, bệnh viện đã chật kín như nêm những bệnh nhi trẻ (Ảnh: Chí Toàn)

Bộ Y tế cho biết, dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Một số hình ảnh ghi nhận tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM:

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 5
Thời tiết giao mùa, dịch nối dịch, trẻ ốm nhập viện tăng cao. Ảnh chụp tại BV Nhi Trung Ương. (Ảnh Trần Dũng).

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 6
Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cần cẩn trọng, chăm sóc sức khỏe cho bé tránh nhiễm chéo, biến chứng (Ảnh: Trần Dũng). Ảnh chụp tại BV Nhi Trung Ương.

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 7
Không còn phòng và giường bệnh, các gia đình phải trải chiếu cho con ngay lối đi trước Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 tại Tp HCM.


Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 8
Một gia đình chăm sóc và cho bé ăn vào giờ trưa ngay giữa lối đi của hành lang BV Nhi Đồng 1.

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 9
Thời tiết nóng bức tại Sài Gòn gây mệt mỏi cho gia đình các bé đang điều trị tại đây .

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 10
Một phòng bệnh tại Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 quá tải bệnh nhân.

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 11
Hai bên hành lang chật kín bệnh nhân.

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 12
Vợ chồng anh Khoa và chị Điệp đã chăm con được hơn một tuần. Các vết nổi trên người bé đã khô dần. Bé đã hết quấy khóc, ngoan ngoãn nằm ở hành lang ngủ trưa cùng ba mẹ.

Miền Nam bùng phát dịch chân tay miệng, miền Bắc cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới 13
Anh Tiến Thông mới đưa con vào viện sáng nay, đang đợi được xếp phòng.
Chia sẻ