Một "thế giới khác" ở viện dưỡng lão qua đôi mắt cô gái trẻ làm nghề thay bỉm, tắm gội, đút ăn cho người già

Huyền Trang,
Chia sẻ

"Các cụ ở đây đa phần là gia đình có điều kiện, thời tuổi trẻ cũng là "ông nọ bà kia", ông thì sếp lớn ở thành phố X, bà thì trưởng phòng kế toán, giảng viên trường đại học nọ kia, thế mà cuối cùng lại về đây, như một đứa trẻ, hờn dỗi khóc lóc, nhìn thương lắm".

Trong suy nghĩ của nhiều người, viện dưỡng lão là một "thế giới" bí ẩn. Đó là "lãnh địa" của những người già, những tâm sự cũ kỹ, những nỗi buồn thương... Nhưng với những điều dưỡng viên làm việc tại viện dưỡng lão, thế giới này nhiều màu sắc hơn thế.

Trần Thị Thùy Linh (SN 1993), đang theo học nghề điều dưỡng và thực tập tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội đã chia sẻ về công việc vất vả và đầy thách thức của mình như thế này: "Trước lúc đến đây, tôi nghĩ viện dưỡng lão kinh khủng lắm, và nghề điều dưỡng rất đáng sợ. Tôi vốn là một đứa không quen chăm sóc người khác, chưa phải đổ bô, thay bỉm tã, tắm gội cho ai, vậy mà bắt đầu thực tập ở viện dưỡng lão, đó là những công việc hằng ngày. Tôi phải học đủ thứ, học cho các cụ ăn, cho uống nước, dắt các cụ tập đi, đạp xe, vận động tay chân, tắm cho các cụ, thay bỉm, cạo râu, cắt móng tay, đo huyết áp....

Một thế giới khác ở viện dưỡng lão qua đôi mắt cô gái trẻ làm nghề thay bỉm, tắm gội, đút ăn cho người già - Ảnh 1.

Điều dưỡng viên viện dưỡng lão là một công việc không quá phức tạp, nhưng thử thách sự kiên nhẫn và trái tim người làm nghề.

Các cụ vào đây hầu như là người có bệnh, nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, có cụ nặng hơn là bị liệt nửa người, cụ nặng nhất là nằm liệt giường, đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp lên xuống, gây ra đột quỵ... Những cụ bệnh nặng là phải hỗ trợ 100% từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa.

Ngày nào cũng vậy, công việc của tôi là sáng gọi các cụ dậy, đánh răng rửa mặt, cho ăn sáng, dẫn đi tập phục hồi chức năng, trò chuyện tâm tình. Khoản trò chuyện tâm tình cũng buồn và vui lắm. Nghe các cụ nói chuyện, tự hào kể về con cái, kể về thời trẻ, thời làm việc của mình mà vui, rồi đang vui đấy lại quay ra khóc được ngay, phải dỗ, phải nịnh như em bé. Có cụ cứ ôm con gấu bông bảo là em bé, cho ăn uống, chiều chuộng hôn hít; có cụ thì hay làm thơ, hát mấy bài thiếu nhi, có cụ còn chửi bậy, đi lang thang....

Trong viện có mấy chục cụ, phải nhớ tên các cụ, nhớ sở thích ăn uống, (ví dụ có cụ không uống nước vối này, có cụ không ăn thịt gà này...), nhớ nhược điểm như là hay xé bỉm, không chịu đi tất, đi ngủ không đắp chăn, sợ nước, không chịu đi tắm. Khó khăn nhất là nhớ tên con cháu các cụ, nhớ công việc của con cháu cụ để lựa chuyện nói cho các cụ vui, hỏi thăm các kiểu.

Các cụ ở đây đa phần là gia đình có điều kiện, thời tuổi trẻ cũng là "ông nọ bà kia", ông thì chủ tịch thành phố X, bà thì trưởng phòng kế toán, giảng viên trường đại học nọ kia, thế mà cuối cùng lại về đây, như một đứa trẻ, hờn dỗi khóc lóc, nhìn thương lắm".

Một thế giới khác ở viện dưỡng lão qua đôi mắt cô gái trẻ làm nghề thay bỉm, tắm gội, đút ăn cho người già - Ảnh 2.

Người già cũng giống trẻ con, điều dưỡng viên phải dỗ dành, chăm sóc từng li từng tí.

Cô gái trẻ thẳng thắn chia sẻ, dù mới bắt đầu học việc chưa lâu, nhưng những niềm vui, nỗi cay cực của nghề điều dưỡng, cô đã nếm trải kha khá. "Công việc thì không khó lắm, nhưng đòi hỏi phải thật sự tận tâm và yêu thương các cụ thì mới có thể làm được. Việc khó khăn nhất có lẽ là chăm sóc các cụ bị liệt, phải bế các cụ từ giường lên xe lăn và ngược lại. Mình làm 2 tuần rồi mà vẫn chưa thành thạo. Cũng có cụ nặng quá, mình không bế nổi (cười).

Việc thứ 2 là thay bỉm tã cho các cụ. Có cụ chân bị liệt, hông không tự nhấc lên được, chân bị khèo... cũng rất khó khăn cho điều dưỡng viên. Thao tác của người điều dưỡng phải nhanh và chuẩn, rồi sau khi thay xong phải cuộn bỉm lại gọn gàng rồi mới được vứt rác.

Chuyện tắm rửa còn phức tạp hơn. Với các cụ ông, lúc đầu khi tắm rửa cho các cụ, cả hai bên đều khá là ngượng ngùng. Mình là con gái chưa chồng, thay quần áo, tắm táp cho các cụ ông, ban đầu cũng ngại và xấu hổ lắm, nhưng dần dần thành quen, vì đó là một phần của công việc. Bản thân các cụ, ai bị lẫn hay bị liệt thì không sao, còn lại, các cụ cũng ngại lắm. Lúc đó, điều dưỡng viên phải trấn tĩnh các cụ là hãy coi bọn mình như con cháu trong nhà, các cụ mới tự nhiên được".

Một thế giới khác ở viện dưỡng lão qua đôi mắt cô gái trẻ làm nghề thay bỉm, tắm gội, đút ăn cho người già - Ảnh 3.

Những chuyện nhạy cảm trong nghề như phải thay bỉm, đổ bô, tắm rửa cho người già dễ khiến người ta nản lòng, nếu không có tâm với nghề.

Cô gái trẻ đang học nghề điều dưỡng cũng tiết lộ, điều khó khăn nhất của người làm điều dưỡng ở viện dưỡng lão, là nắm bắt tâm tư tình cảm của các cụ. Những người ở viện dưỡng lão sống xa gia đình, lại mỗi người mỗi tính, khi muốn giúp đỡ gì các cụ cũng phải dỗ dành, phải dành thời gian trò chuyện với các cụ, tìm hiểu sở thích... thì đưa các cụ đi tắm hay cho ăn cũng dễ dàng. Người già vốn mưa nắng thất thường, hay dỗi, hay hờn giống trẻ con. Làm ở viện dưỡng lão cũng giống như làm bảo mẫu cho "những đứa trẻ bạc đầu" vậy, phải cực kỳ kiên nhẫn, đôi lúc phải lặp đi lặp lại một vấn đề, nghe đi nghe lại một câu chuyện, trả lời đi trả lời lại một câu hỏi... .

Ngày nào cũng tiếp xúc với người già, cũng chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ của họ, có lúc còn bị mắng, nhưng những niềm vui nho nhỏ với nghề điều dưỡng đã khiến cô gái trẻ tin rằng, mình có đủ nội lực để tiếp tục theo nghề. Ở viện dưỡng lão nơi cô thực tập, theo Linh chia sẻ, các nhân viên tận tình chăm sóc các cụ như người thân, gọi ông bà, gọi bố mẹ, chăm chút cho từng tí một. "Có cụ còn trêu bọn tôi là "con gái nuôi" của mình. Các bạn không hiểu được cảm giác khi một cụ đãng trí nào đó lại nhớ tên mình và gọi đâu, lúc đó, tôi cảm giác sướng hơn được quà vậy".

Một thế giới khác ở viện dưỡng lão qua đôi mắt cô gái trẻ làm nghề thay bỉm, tắm gội, đút ăn cho người già - Ảnh 4.

Cô gái trẻ đã thay đổi quan niệm về người già kể từ khi làm nghề điều dưỡng.

Từ ngày đi làm điều dưỡng, Linh tâm sự, cô đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều về "thế giới" của người già. "Trước đây, khi chưa làm nghề, đôi lúc mình cũng cảm thấy người già khá là... phiền phức. Ở nhà mình cũng có bà ngoại đã lớn tuổi, bị lẫn rồi, đôi khi mình cũng không "nhường nhịn" bà lắm. Nhưng khi làm nghề rồi, tự tay chăm sóc những người già như bà, mình không còn cảm giác như cũ nữa, trái lại, mình thấy thương bà nhiều hơn.

Thế nên, các bạn ạ, dù bận bịu thế nào cũng nên dành thời gian cho ông bà mình, dù đãng trí, mất trí nhớ, nói linh tinh, liệt giường... mỗi ngày ngồi 30 phút hỏi han, xoa bóp. Các cụ càng vui vẻ bao nhiêu thì càng sống khỏe bao nhiêu. Bọn mình khi làm việc ở viện dưỡng lão cũng phải lựa theo câu chuyện của các cụ mà đóng giả làm con cháu, dỗ ăn uống, luyện tập, tất nhiên là đồ "giả" thì sao bằng đồ "thật" được. Mỗi lần người thân vào thăm các cụ về, các cụ ăn được nhiều hơn, tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Thế nên, ai đang có người già trong nhà, hãy trân trọng và yêu quý họ, chăm sóc họ bằng cả tình yêu của mình. Chúng tôi, những điều dưỡng viên xa lạ, không máu mủ ruột rà với các cụ còn có thể cơ mà".

Chia sẻ