Mua đồ ăn do người quen làm, có vi phạm quy định giãn cách ở TP.HCM?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư, việc cá nhân hay tổ chức cung cấp dịch vụ ăn, uống mang cho khách (dù là thân quen) để mang về đều vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch và có thể bị phạt hành chính.

Để góp phần phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16 của Chính phủ. UBND TP chỉ đạo tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày.

Vậy liệu việc mua đồ ăn do người quen tự làm thì có vi phạm đến quy định giãn cách của Thủ tướng Chính phủ hay không?

Mua đồ ăn do người quen tự làm, có vi phạm quy định giãn cách? - Ảnh 1.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Để làm rõ vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, tổ chức, cá nhân vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ thì sẽ bị tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trường hợp vi phạm chỉ thị này mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS hoặc tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo Điều 295 BLHS nếu như phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên... 

Với hành vi vi phạm mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Mua đồ ăn do người quen tự làm, có vi phạm quy định giãn cách? - Ảnh 2.

Người đặt mua hàng mang về hoặc đi mua đồ ăn, đồ uống tại nơi cung cấp dịch vụ ăn uống mang về sẽ bị coi là tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh dịch và ra đường không có lý do chính đáng. Ảnh minh họa

Theo luật sư Cường, Chỉ thị 16 đã quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nếu không tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu để phòng chống dịch sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng. Chính vì thế, bất kể là cá nhân hay tổ chức cung cấp dịch vụ ăn, uống mang về đều vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch và có thể bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo luật sư, người đặt mua hàng mang về hoặc đi mua đồ ăn, đồ uống tại nơi cung cấp dịch vụ ăn uống mang về sẽ vẫn bị coi là tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh dịch (người bán hàng hoặc giao hàng) và ra đường không có lý do chính đáng.

Nếu công dân tự ra đường ngoài trường hợp chỉ thị cho phép thì sẽ bị xử phạt hành chính vì hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân trong phòng chống dịch bệnh.

Người vi phạm có thể bị phạt hành chính 1-3 triệu đồng, theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Vì vậy, để tránh bị phạt, cá nhân chỉ được mua hàng tại các điểm phân phối các mặt hàng thiết yếu tại thành phố theo quy định đã ban hành.

Chia sẻ