Mùa thu, lượng bụi tăng lên 30%

,
Chia sẻ

Bụi mùa thu có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, đau mắt... Người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang, kính... để "né" bụi.

Mùa thu - mùa ô nhiễm bụi

Tổng lượng bụi của mùa thu tăng khoảng 30% so với các mùa khác trong năm. (Ảnh: Trần Hải)

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, mùa thu, mùa của nắng ấm, gió nhẹ, lá vàng rơi, lại chính là mùa của ô nhiễm bụi. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới, bụi mùa thu bao giờ cũng "tác oai tác quái" hơn các mùa khác trong năm.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng khẳng định, tổng lượng bụi của mùa thu tăng khoảng 30% so với các mùa khác trong năm.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do thời tiết khô, hanh khiến cho bụi có cơ hội phát tán mạnh. Hơn thế, khác với mùa hè thường có những cơn mưa rào làm sạch trơn đường phố.

Vào mùa thu, mưa li ti không đủ làm sạch đường phố, thậm chí còn làm bụi bết lại, sau đó nhờ thời tiết hanh khô, bụi sẽ bay vào không khí. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến bụi tăng đột biến vào mùa thu là do đây là mùa của xây dựng. Các hoạt động xây dựng mang đến một lượng bụi rất lớn.

Các chuyên gia cho biết, bụi mùa thu chủ yếu là bụi lơ lửng. Lượng bụi này xuất phát từ hoạt động xây dựng. Một lượng bụi khác xuất phát từ việc thiếu vệ sinh môi trường. Đường phố bẩn thỉu cũng làm sản sinh ra một lượng bụi lớn.

Ngoài ra, ô tô, xe máy... cũng góp một lượng bụi không nhỏ. Các kết quả thống kê cho thấy, vào thời điểm "vắng những cơn mưa", người dân Hà Nội phải hít vào phổi 16 - 20mg bụi. Các quận như Đống Đa, Long Biên ở mức 0,8mg/m3 không khí/ngày, cao gấp 4 lần mức cho phép...


Bịt mặt, đeo kính... để né bụi (Ảnh: Trần Hải)

Bịt mặt, đeo kính, vệ sinh đường phố...

Theo các chuyên gia, bụi lơ lửng không nguy hiểm như bụi mịn (loại bụi do ống khói của ô tô gây ra thường chứa các hạt silic gây ung thư), tuy nhiên, bụi lơ lửng là tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm mũi, đau mắt...

Ngoài ra, bụi còn tác động vào các tuyến nhờn gây ra các bệnh ở da... Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo, bụi nhiều còn che khuất tầm nhìn, bay vào mắt gây ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông.

Việc phòng tránh bụi là rất khó vì người dân không thể không ra đường. Tuy nhiên, nếu có thể, người dân nên tránh đi vào những tuyến đường có công trường đang thi công, có mật độ giao thông dày đặc...

Khi ra đường thì thường xuyên đeo khẩu trang, đội mũ, đeo kính để tránh bụi bay vào mắt, vào mũi và miệng. Đối với nhà cửa, nhất là những ngôi nhà nằm trên các tuyến phố là điểm "đen" về bụi hoặc tại những nơi đang thi công thì nên đóng cửa, hoặc là phải có rèm để hạn chế bớt phần nào bụi bay vào nhà.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, các cơ quan chức năng cần phải yêu cầu các hoạt động xây dựng làm đúng quy định, ví dụ: Xe chở cát phải phủ kín bạt, khi đào đường phải đổ đất vào xe, không đổ đất lung tung trên đường.

Tăng cường tổ chức các lực lượng kịp thời quản lý, thu gom các điểm phát sinh phế thải và điều động tăng cường các xe hút bụi, rửa đường cho các tuyến phố.

 

Sau mùa thu, mùa  đông cũng được coi là  mùa của ô nhiễm bụi. Nguyên nhân là  do gió mùa đông bắc tràn về, khí  áp tăng cao, nhiệt độ hạ xuống làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao và bay ra xa. Điều này làm cho các chất ô nhiễm luẩn quẩn sát mặt đất trong một thời gian dài.

Theo Bee
Chia sẻ