Muôn kiểu "chạy trường" vào lớp 1

,
Chia sẻ

Muốn con vào trường điểm, gần chỗ bố mẹ làm việc, các phụ huynh phải vận động đủ mối quan hệ, "bắn" tiền không thương tiếc, thậm chí là đổi hộ khẩu cho con...

Hai tháng nay, Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa vì chưa tìm được trường cho con. Mất 2 tuần thăm dò, cô được 'mách nước' chạy trường mất 10 triệu đồng.

Làm nhân viên maketing của một công ty có trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, thường 6h cô mới rời khỏi cơ quan, trong khi giờ tan trường là 4h30. Vì vậy nếu cho con học đúng tuyến, cô không thể sắp xếp được công việc để về đón con (chồng Lan làm kỹ sư cầu đường, luôn đi công tác xa nhà).

Lan quyết định xin cho con đi học trái tuyến ở một trường gần chỗ cơ quan để hết giờ học cô có thể chạy qua đón, không sợ bị mất quá nhiều thời gian vì tắc đường.

"Nếu cho con đi học xa sáng phải dậy sớm, mà vào mùa đông nữa thì càng khổ. Nhưng tôi cũng chưa biết làm cách nào vì không có người đưa đón, ông bà thì lại ở xa. 10 triệu chứ đắt hơn thì cũng phải chạy" - Lan than vãn.
 
May mắn hơn, Minh Anh ( phố Chùa Bộc, Đống Đa) xin được cho con vào một trường tiểu học ở gần nhà. Tuy không trái tuyến, nhưng vì năm nay số lượng học sinh tiểu học tăng hơn so với mọi năm nên việc xin vào các trường rất khó khăn.
 
Môi trường và chất lượng giáo dục luôn là các yếu tố phụ huynh quan tâm khi quyết định cho con vào học. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

"Tôi có người nhà quen biết với một cô giáo lớp 1 trong trường. Cô hứa chắc chắn sẽ nhận con gái tôi vào học tại lớp cô làm chủ nhiệm, với mức phí ngót nghét 2 "vé". Hiện, con gái tôi được chính cô giáo này dạy kèm luôn để chuẩn bị vào lớp 1" - phụ huynh này cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc chạy trường, chị Hương - một phụ huynh từng 2 lần phải chạy trường cho con tâm sự, đứa con đầu, chị nghe theo lời giới thiệu qua trung gian. Chị đưa cho người đó một khoản tiền ứng trước với lời hứa chắc chắn là người này thân thiết với hiệu trưởng.

Nhưng đến gần ngày nhập học, chị mới biết tên con chị không có trong danh sách. Tiền chạy trường cũng đã nhận lại được nhưng cậu nhóc phải học ở một trường không danh tiếng như mong muốn của gia đình.

Đến lượt đứa con thứ hai, từ trước Tết, chị đã thăm dò các mối quan hệ để chạy cho con vào một trường điểm ở quận Cầu Giấy. Lần này, chị cạy cục, xin được “thư tay” của một vị lãnh đạo cấp Bộ nên việc xin cho con vào trường khá suôn sẻ.

“Chỉ lo chạy trường cho con mà cả tháng nay, hai vợ chồng bạc mặt, mất ăn mất ngủ. Ai cũng muốn chạy cho con vào trường điểm, giáo viên có chất lượng để con có nền tảng” - chị Hương thở phào nhẹ nhõm.

Chạy hộ khẩu

Để lách luật, một số phụ huynh đã tìm mọi cách để nhập hộ khẩu cho con về phường, quận nơi có trường tiểu học danh tiếng. Theo một cán bộ hộ tịch quận Đống Đa, theo luật cư trú mới, việc nhập hộ khẩu bây giờ trở nên dễ dàng hơn. "Nếu như họ đáp ứng đầy đủ giấy tờ và các quy định nêu trong luật cư trú, thì cán bộ hộ tịch vẫn phải nhập cho họ" - cán bộ này cho biết.

Tuy nhiên, để tránh việc chạy trường, một số trường tiểu học như THCS Giảng Võ, trường tiểu học Kim Đồng… đã đặt ra quy định chỉ giải quyết theo diện “đúng tuyến” cho những học sinh đã nhập hộ khẩu từ hai năm trở lên ở địa bàn phường.

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý giáo dục (Khoa Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhu cầu chọn trường tốt cho con như một quá trình tất yếu, đó cũng là thách thức đối với nhà trường. Tuy nhiên, để các em học tập hiệu quả và không bị áp lực, các phụ huynh cũng cần phải chú trọng sức khỏe của con, đây là yếu tố quan trọng để cho đứa trẻ hoạt động trí tuệ tốt hơn.

Cô giáo trực tiếp giảng dạy cũng là yếu tố mà các phụ huynh phải lưu tâm. Đôi khi, ở các trường không nổi tiếng như đồn thổi, có những giáo viên rất giỏi, đó mới chính là yếu tố giúp các con tiếp thu và học tập tốt.

"Điều quan trọng là phải dựa vào thực lực. Nếu thấy con mình yếu, mà cứ chạy vào các trường điểm, thì chính điều đó đã tạo áp lực cho các con, thui chột khả năng", tiến sĩ Thoa nhấn mạnh.
 
Là một trường có uy tín trên địa bàn quận Ba Đình, trường THCS Thực nghiệm luôn thu hút nhiều bậc phụ huynh bởi trường nhận học sinh trên địa bàn Hà Nội. Cuối tháng 4, nhiều phụ huynh đã đến để thăm dò thông tin về tuyển sinh.
 
Ông Nguyễn Kim Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm cho hay: “Mỗi năm chúng tôi chỉ tuyển hơn 100 học sinh lớp 1 trong khi nhu cầu của phụ huynh quá nhiều. Mỗi thí sinh sẽ phải qua một vòng thử nghiệm, nếu đủ tiêu chuẩn mới được nhận vào học. Đầu tháng 5, nhà trường mới bắt đầu bán hồ sơ tuyển sinh, mỗi phụ huynh chỉ được mua một bộ".
 
Một số lãnh đạo trường tiểu học cũng cho biết, hầu như năm nào họ cũng phải nhận một số “xuất ngoại giao”. “Vào gần thời điểm tuyển sinh, tôi thường phải tắt máy điện thoại, dặn nhân viên không cho số hoặc nói đi công tác để tránh một số sự “nhờ vả” mà nếu có từ chối cũng khó” - một vị hiệu trưởng than thở.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ