Nắm bắt 3 đặc trưng tâm lý của nhà tuyển dụng

Song Thương,
Chia sẻ

Nắm bắt 3 đặc trưng tâm lý cơ bản sau đây của nhà tuyển dụng, bạn sẽ tự tin hơn khi đối mặt với họ.

1. Ấn tượng từ vòng hồ sơ 

Theo một cuộc nghiên cứu điều tra cho thấy, có ít nhất 85% giám khảo trước khi cuộc phỏng vấn chính thức bắt đầu, họ đã có ấn tượng đầu tiên khi căn cứ vào hồ sơ ứng viên. Ấn tượng ban đầu này có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với quá trình và kết quả phỏng vấn.

Theo nguyên lý của tâm lý học, nếu bạn cho người khác ấn tượng đầu tiên không tốt thì sẽ rất khó khăn để thay đổi ấn tượng này. Đây chính là tác dụng của khuynh hướng làm tăng nặng điểm yếu.

Nắm bắt 3 đặc trưng tâm lý của nhà tuyển dụng 1
Hãy chuẩn bị hồ sơ thật kỹ vì nhà tuyển dụng sẽ xem trước và có những ấn tượng ban đầu với bạn - (Ảnh minh họa)

Từ đặc trưng này, trước khi nộp hồ sơ, hãy chắc chắn rằng bạn đã có một bộ hồ sơ thật lý tưởng và cẩn thận. Bạn không cần giấu giếm, nhưng cần phải thể hiện sao cho ưu điểm và sở trường “lấn át” những khuyết điểm và thiếu sót của bạn. Đương nhiên, ngoài ấn tượng trên giấy tờ, bạn cũng nên lưu ý đến ấn tượng trực diện bằng cách chuẩn bị chu đáo cho trang phục và nhất cử nhất động trước mặt giám khảo phỏng vấn.

2. Áp lực của nhà tuyển dụng 

Áp lực tuyển dụng ở đây là chỉ áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ tuyển người mà người phỏng vấn đang gánh vác. Áp lực này lại là một cơ hội cho người ứng tuyển. Có người từng làm thực nghiệm như sau: chia hai nhóm quản lý nhân sự, nói với một nhóm một rằng họ còn chưa đạt chỉ tiêu tuyển dụng rất xa, nói với nhóm hai rằng họ đã sắp hoàn thành chỉ tiêu tuyển dụng. Kết quả, nhóm một yêu cầu rất cao, rất khắt khe đối với ứng viên so với nhóm hai.

Nắm bắt 3 đặc trưng tâm lý của nhà tuyển dụng 2
Nhà tuyển dụng cũng có những áp lực trong công việc của họ - chính là tuyển dụng bạn, hãy để ý những dấu hiệu tâm lý họ thể hiện ra ngoài và tận dụng - (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, bạn khó mà biết được áp lực tuyển dụng của giám khảo. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn, do nóng lòng muốn hoàn thành nhiệm vụ, có thể họ sẽ vô ý dùng vài cử chỉ, hành động để biểu hiện tâm trạng này. Ví dụ, có người sẽ nói: “Khả năng ngoại ngữ của anh/chị rất ổn”, “Dựa vào kinh nghiệm của anh/chị thì không có vấn đề gì về kỹ thuật này”.

Họ sẽ không công khai mà luôn có cách thể hiện ngầm. Ví dụ khi giám khảo cho rằng câu trả lời của bạn chính xác, họ sẽ mỉm cười hoặc khẽ gật đầu chẳng hạn. Nắm bắt áp lực từ người phỏng vấn và kịp thời nhận ra những dấu hiệu từ họ, hãy đi tiếp tục đi theo con đường này, cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn.

3. Đánh giá cao ở diện mạo và ngôn ngữ cơ thể ứng viên

Vẻ ưa nhìn không chỉ là chuyện xinh hay xấu, ở đây cần nhấn mạnh về ánh mắt, biểu hiện trên gương mặt của ứng viên. Một nghiên cứu cho thấy, những người khéo dùng ánh mắt, biểu hiện gương mặt và những động tác nhỏ để thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mình, tỷ lệ phỏng vấn thành công của họ cao hơn rất nhiều so với những người “cứng đờ”, không một chút cảm xúc.

Nắm bắt 3 đặc trưng tâm lý của nhà tuyển dụng 3
Ngoại hình sáng sủa, phong thái tự tin luôn là điểm cộng khi đi phỏng vấn - (Ảnh minh họa)

Vì vậy, hãy rèn luyện cho mình phong thái tự tin, thoải mái khi đối diện với người khác. Bạn có thể tập nói trước gương để điều chỉnh thái độ cho phù hợp, chú ý hạn chế những động tác thừa thãi khi căng thẳng, hồi hộp để có thể ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Chia sẻ