Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Dù nạn nhân đã trốn thoát, tuy nhiên vì vụ việc xảy ra ở nước ngoài với những điều kiện và quy định chặt chẽ nên việc thu thập chứng cứ, nhiều vụ án buôn bán phụ nữ xuyên biên giới rơi vào bế tắc...

Đó là trăn trở của Trung tá Phan Văn Tặng, phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP.HCM khi chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống và buôn bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây trong buổi hội thảo "Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại và buôn bán".

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng BVCS trẻ em, Sở LĐTB&XH TP.HCM cung cấp số liệu về tình trạng trẻ bị xâm hại tại TP.HCM thời gian gần đây.

18 tháng - 14 vụ buôn bán phụ nữ ra nước ngoài

Nói về thực trạng, tình hình tội phạm mua bản phụ nữ và trẻ em tại TP.HCM, Trung tá Tặng cho biết, dù không nhiều so với các loại tội phạm khác như: trộm cắp, cướp giật… tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em.

Cụ thể trong khoảng thời gian từ năm 2016 và 6 tháng năm 2017, phòng CSHS và Công an các quận, huyện đã xác minh 14 vụ việc liên quan đến mua bán phụ nữ ra nước ngoài (chưa phát hiện mua bán phụ nữ tại địa bàn thành phố). Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không có điều kiện xác minh, chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Có vụ việc qua xác minh lại chưa đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội mua bán người, không có vụ việc phạm tội xảy ra hoặc nạn nhân không xác định được đối tượng. Hoặc là nạn nhân sau khi trở về Việt Nam không đến cơ quan làm việc. 

Về trẻ em, cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan công an cũng chưa phát hiện vụ việc mua bán trẻ em ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm hay lao động. Tuy nhiên, có một vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trong địa bàn thành phố được triệt phá.

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 2.

Người mẹ có con nghi bị xâm hại ở Thủ Đức trong lần cầu cứu Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM.

"Tháng 5-2017, phòng CSHS và Công an huyện Cần Giờ phối hợp điều tra, khám phá 1 vụ bắt cóc trẻ em là con riêng của tình nhân, xảy ra tại huyện Cần Giờ. Đối tượng bán em bé cho 1 gia đình ở Cần Thơ, tạm trú huyện Bình Chánh mua làm con nuôi" – trung tá Tặng kể.

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 3.

Trung tá Phan Văn Tặng chia sẻ về tình hình, thực trạng mua bán phụ nữ, trẻ em tại TP.HCM.

Nói về thủ đoạn hoạt động của những kẻ buôn bán người, đại diện phòng CSHS, Công an TP.HCM cho biết, các đối tượng thường lừa nạn nhân ra nước ngoài để bán nhằm mục đích mại dâm hay ép lấy chồng. Với thủ đoạn mồi chài lấy chồng giàu hoặc tìm việc lương cao, các đối tượng thường chọn những cô gái từ tỉnh lẻ lên thành phố kiếm sống để dụ dỗ. Thông qua mạng internet, zalo, webchat, điện thoại di động…, đối tượng dùng mọi cách từ kết bạn, làm quen đến tán tỉnh yêu đương, rủ đi chơi, nhất là với những cô gái mới lớn. Sau khi dụ được nạn nhân ra nước ngoài, hành vi mua bán mới được thực hiện.

Những vụ án bế tắc vì sự thật đau lòng

Dù rất quyết tâm trong công tác phòng ngừa, triệt phá loại tội phạm nguy hiểm này, tuy nhiên có nhiều vụ án buôn bán phụ nữ xuyên biên giới vẫn khiến cơ quan công an gặp bế tắc. Cụ thể, các vụ việc mua bán người xảy ra ở nước ngoài nên việc chứng minh hành vi mua bán người tương đối khó khăn do người mua ở nước ngoài hoặc đối tượng tổ chức và nạn nhân ở nước ngoài. Hoặc nạn nhân đã về Việt Nam nhưng đối tượng vẫn ở nước ngoài. Đồng thời do điều kiện và quy định về biên giới, lãnh thổ, công tác xác minh thu thập tài liệu chứng cứ cũng gặp trở ngại.

Tháng 3/2015, Phòng CSHS xác minh vụ việc 1 nạn nhân ở Sóc Trăng (tạm trú TP.HCM) bị đối tượng tên Hường (ngụ huyện Năm Căn, Cà Mau) lừa đưa bán cho nhiều đàn ông Trung Quốc xâm hại tình dục. Đối tượng yêu cầu nạn nhân đưa tiền chuộc 40 triệu đồng mới cho trở về Việt Nam.

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 4.

Nhiều phụ nữ không cầm được nước mắt khi nghe những câu chuyện trẻ bị xâm hại.

Đối tượng Hường nói với nạn nhân sang Hàn Quốc lao động hoặc lấy chồng Hàn Quốc có nhiều tiền, nhưng đưa nạn nhân đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài, rồi chở đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đưa sang Trung Quốc giao cho đồng bọn khác tên Ngoan. Đến khi nạn nhân phát hiện thì đã muộn. Nạn nhân lần lượt bị giao cho 6 người đàn ông Trung Quốc xâm hại tình dục để lấy tiền. Sau đó, có 2 người Trung Quốc lớn tuổi đến xem mặt, mua nạn nhân. Tuy nhiên khi cô gái từ chối thì bị nhóm đối tượng Ngoan đánh đập.

"Biết gia đình nạn nhân gửi đơn tố giác đến phòng CSHS, ngày 26/3/2015, đối tượng Ngoan cho nạn nhân về Việt Nam. Nạn nhân phải đi nhiều chuyến xe khách bên Trung Quốc, đồng bọn của đối tượng Ngoan dẫn đi đường núi vượt qua biên giới Lạng Sơn trái phép rồi nạn nhân tự mua vé xe khách đi về Hà Nội. Từ Hà Nội nạn nhân đi 2 ngày 2 đêm đến sáng ngày 31/3/2015 mới về đến nhà. Do Hường đã bỏ trốn, đối tượng Ngoan và đồng bọn đang ở Trung Quốc nên vụ việc vẫn chưa được xử lý" – Trung tá Tặng kể.

Đến tháng 11/2016, cơ quan công an lại tiếp tục xác minh 1 vụ việc nữ nạn nhân nữ bị lừa gạt qua Trung Quốc làm việc có Iương cao nhưng thực chất là bán cho người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ. 

Lời khai của nạn nhân cho biết, cô bị đối tượng lừa gạt đưa qua Trung Quốc mua bản bằng hình thức môi giới lấy chồng. Ban đầu, đối tượng đã lừa gạt nạn nhân đi ra Hà Nội làm việc, khi đến Hà Nội thì tiếp tục lừa gạt nạn nhân muốn làm việc lương cao thì phải sang Trung Quốc. Đối tượng thuê người khác đưa nạn nhân sang bên kia biên giới bằng đường tiểu ngạch, còn bà ta có hộ chiếu nên đi qua cửa khẩu. Sau đó đối tượng mua vé tàu hoả đưa nạn nhân đến vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh ít người sinh sống, bán cô gái cho 1 người đàn ông Trung Quốc 57 tuổi mua về làm vợ. Khi nạn nhân không đồng ý, cô bị "chồng" đánh đập, ép buộc làm vợ, bị nhốt trong phòng khoá của ngoài. Không còn cách nào khác, cuối cùng nạn nhân cũng phải làm vợ cho ông ta hơn 2 tháng để không bị đánh.

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 5.

Đại hiện Hội bảo vệ trẻ em bày tỏ nỗi bức xúc khi nhiều vụ việc gặp bế tắc.

"Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc này, ngày 30/11/2016 chúng tôi đã đề nghị Cục CSHS hỗ trợ giải cứu nạn nhân. Tối ngày 02/12/2016, lợi dụng lúc người đàn ông Trung Quốc ngủ say, nạn nhân trốn khỏi căn nhà, sau đó được 1 phụ nữ ở gần nhà giúp đỡ mua vé xe ôtô đi 2 ngày 2 đêm đến gần biên giới, rồi đi đường rừng khoảng 2 km qua biên giới, trở về Việt Nam. Ngày 5-12-2016, nạn nhân về đến nhà ở TP. Hồ Chi Minh. Nhưng do nạn nhân khai không xác định được lai lịch của đối tượng lừa gạt đưa sang Trung Quốc ở đâu, cũng có thể nạn nhân không muốn khai ra, do là bạn bè hay có quen biết trước, nên vụ việc này đến nay vẫn chưa tìm được đối tượng" – trung tá Tặng kể tiếp.

Nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới: Khó xử lý vì nạn nhân không trình báo - Ảnh 6.

Bà Đoàn Lê Phong, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện phát biểu tại hội thảo.

Ngoài hai vụ việc này, phòng CSHS còn xác minh nhiều vụ việc mua bản người qua Malaysia hoặc các nước khác cũng có nội dung tương tự như trên.

Từ những thực tế này, trung tá Phan Văn Tặng cho rằng công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm mua bản người cần phải được các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các tổ chức xã hội tăng cường. Hội Liên hiệp phụ nữ phải thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện với chỉ em phụ nữ, tư vấn về kỹ năng tự bảo vệ khi bị mua bán hoặc có nguy cơ bị mua bán; hướng dẫn nạn nhân mạnh dạn trình báo với cơ quan Công an để kịp thời điều tra xử lý tội phạm.

Ngoài ra, cần tư vấn cho các cô gái có ý định lấy chồng nước ngoài về quy trình, cách thức kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật và cách xử lý khi có sự việc xảy ra bị bạo hành, xâm hại tình dục hoặc bị mua bán.

Chia sẻ