Ngắm cảnh ấp con của những “ông bố, bà mẹ kangaroo” sau 20 năm phương pháp này có mặt tại Việt Nam

Mộc Cát,
Chia sẻ

Dùng chính hơi ấm của mẹ để sưởi ấm cho con, nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn cha mẹ trở thành những điều dưỡng tận tụy cho chính con mình, phương pháp chăm sóc kangaroo đã góp phần cứu sống những đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng, bệnh tật.

Từ nhiều năm nay, phương pháp Kangaroo đã được áp dụng để chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh nhẹ cân thiếu tháng hay có vấn đề về sức khoẻ. Với những ưu điểm vượt trội lại không tốn nhiều chi phí thực hiện, phương pháp mang đầy tính nhân bản này đang từng bước thay thế dần ảnh hưởng của chiếc lồng ấp khô cứng, lạnh lùng.


Những ông bố, bà mẹ Kangaroo tại bệnh viện Từ Dũ. (Clip: Mộc Cát - Lê Khanh)

Gặp lại con là nước mắt cứ trào ra

Tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cách chăm sóc trẻ này đã được tiến hành từ năm 1996. 20 năm miệt mài phát triển, với nhiệt huyết của BS Lương Kim Chi và đồng nghiệp, từ những chiếc chiếu trải đơn sơ trên sàn nhà, nay bệnh viện đã có đơn vị Chăm sóc Kangaroo với 13 phòng và 40 giường bệnh khang trang để những ông bố, bà mẹ có thể yên tâm ấp ủ, nâng niu đứa con bé bỏng của mình. Nơi đây cũng là một trong những trung tâm đào tạo “bác sĩ, điều dưỡng Kangaroo” uy tín của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

1
Đúng như tên gọi, phương pháp Kangaroo ra đời từ năm 1978 tại Colombia bằng ý tưởng chăm sóc con trong túi của những chú kangaroo. 

6
Để thực hiện cách chăm sóc này, cha mẹ phải địu con trước ngực, sau cho da kề da liên tục suốt ngày, đồng thời chỉ nuôi con bằng loại thức ăn truyền thống, đó là sữa mẹ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: “Trước đây những đứa trẻ sơ sinh chỉ ở mãi trong lồng ấp và cách ly trong khoa sơ sinh cho đến khi trưởng thành, đủ sức khoẻ mới được về với mẹ. Thời gian cách xa đứa con càng lâu thì bà mẹ có thể bị mất sữa, đồng thời tình mẫu tử cũng ảnh hưởng. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ bỏ con của những bà mẹ sinh non tăng cao, nhất là với gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi phát triển phương pháp chăm sóc Kangaroo, rủi ro ấy giảm đi rất nhiều, đứa trẻ cũng đỡ bị nhiễm khuẩn bởi được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo. Trẻ được liên tục kề cận bố mẹ, được yêu thương ấp ủ. Bố mẹ được hướng dẫn cách phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của trẻ và cách xử trí. Về phía bệnh viện, chúng tôi cũng thuận lợi phần nào về việc phân phối giường bệnh, giảm nguy cơ quá tải”.

10
Nhận ra tính ưu việt của phương pháp Kangaroo, lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ đã dành hẳn một dãy lầu để tập trung phát triển nó.

12
 Mỗi buổi chiều, lớp dạy kỹ năng làm làm bố, mẹ kangaroo đều đặn được mở ra để những sản phụ không bỡ ngỡ khi phải chăm sóc con liên tục 24/24.

11
Nhiều trẻ sanh thiếu tháng còn quá yếu, không thể tự bú mẹ.

Vừa chăm chú nghe bác sĩ giảng, chị T. (24 tuổi, quê Đồng Nai) vừa cẩn thận nâng ống dẫn sữa vào dạ dày con, vì đứa trẻ vẫn chưa thể tự bú. Chị kể: “Suốt thời gian mang thai, vì nghĩ mình chỉ bị động thai nhẹ như kết quả của những lần đi khám trước đó nên em không suy nghĩ nhiều. Thế nhưng mới 7 tháng, em đã bị vỡ nước ối và đau bụng. Sinh con ra không thở được, lại bị suy hô hấp, bác sĩ bảo khả năng sống của con rất thấp. Nửa tháng trời con nằm trong lồng ấp, em bị cách ly hoàn toàn, chỉ ở ngoài vắt sữa nhờ người nhà, em lo lắng đến lên máu. Đến lúc gặp lại con, nước mắt em cứ tuôn dài. Bởi vậy, em coi phương pháp kangaroo này như sự bù đắp cho khoảng thời gian xa cách con”.

15
Khoảnh khắc gặp lại đứa con sau nhiều ngày cách ly rất khó diễn tả với những bà mẹ trẻ.

Cùng chung cảnh ngộ này, chị Băng (22 tuổi, quê Bạc Liêu) cũng khóc hết nước mắt khi gặp lại đứa con sanh non gần 3 tháng sau hơn 30 ngày xa cách. “Lúc mới sinh con em chỉ nhỏ xíu như ổ bánh mì, yếu ớt lắm, phải ở trong lồng ấp theo dõi nghiêm ngặt. Sợ em kích động nên bác sĩ không cho gặp. Vì nhà làm ruộng nên tụi em phải gởi con lại để về quê. Cứ cách 2-3 bữa, chồng em lại lủi thủi phóng xe từ Bạc Liêu lên thành phố, thăm con vài tiếng rồi chạy về, thương muốn đứt ruột. Vậy mà chỉ sau hai tuần ấp con trên người, bé từ 1.1kg đã lên được 1.8kg, cựa quậy, bú sữa ngon lành. Hôm nay là ngày cuối cùng còn ở đây, một lát là xuất viện rồi” – người mẹ trẻ vui mừng nói.

Những ông bố biết..."ấp"

Đáng chú ý, tại phòng học chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo còn xuất hiện những ông bố cực kỳ cá tính đến học cách “ấp” con. Anh Hiếu (33 tuổi, quê TP.HCM) rất hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng. Anh chia sẻ, phải nghe thật kỹ để biết cách bế con đúng, lỡ sai tư thế thì tội nghiệp con.

3
Vì thương con, những ông bố sẵn sàng bỏ qua tâm lý ngại ngùng khi đến với "lớp học Kangaroo".

5
Anh Lên (25 tuổi, chồng chị Băng) đã rành rọt chuyện “ấp” con. Anh hài huớc chia sẻ: “Cách ôm con chuẩn nhất là để con nằm tư thế như con ếch, đồng thời cằm mình phải chạm trán đứa bé. Hơi mỏi nhưng vì cục cưng phải ráng chứ biết sao giờ”.

Cầm chiếc gương trước mặt, ông bố Trương Hoàng Khang đang chăm chú nhìn xem mặt con có dấu hiệu tím tái không. Hỏi về cảm giác đang trải qua, người đàn ông thật thà đáp: “Cứ kỳ kỳ, khó chịu làm sao ấy. Bụng nặng nề như mang thai. Thằng nhóc lại cựa quậy suốt, có đêm không ngủ được, tôi phải thức trắng với nó. Nhìn cảnh này mới thấy thương vợ mình 9 tháng 10 ngày cực khổ”.

8
Nhờ những tháng ngày nằm trong bệnh viện, anh Khang thêm trân quý người phụ nữ bên cạnh mình.

Thú vị hơn là trường hợp của anh Nguyễn Đắc Nghĩa (31 tuổi, quê Trà Vinh) khi anh cùng đón hai con trai sinh đôi kháu khỉnh chào đời. “Thằng em được 2.1kg tên Nhị Long, trong khi anh Nhất Long có 1.4kg, nên bác sĩ cho ấp”, mẹ vợ anh Nghĩa cho biết. 

Việc sanh cùng lúc hai cháu bé có thể khiến cho gia đình này bận rộn hơn, bởi giờ đây bà nội và bà ngoại bé Nhất Long cũng thay phiên đảm nhận nhiệm vụ đeo túi địu cháu. Sống đến từng tuổi này, đã từng bế rất nhiều đứa trẻ nhưng đây là lần đầu tiên hai người bà giữ cháu bằng cách ngộ nghĩnh như vậy.

2
Người cha này vẫn còn bỡ ngỡ, rụt rè khi áp sát con vào ngực.

4
Một người bà đảm nhận nhiệm vụ cao cả.

13
Vì hai đứa nhỏ cùng ra đời nên vợ anh Nghĩa chủ yếu chăm bé lớn, còn phần “ấp” con để dành cho anh và bà nội, bà ngoại. Người đàn ông ngượng nghịu đeo khăn vào, bảo chưa bao giờ ẵm đứa trẻ nào nhỏ xíu như vậy, nên sợ lắm.

14
Nhờ hơi ấp của "người mẹ bất đắc dĩ", bé con nhanh chóng khoẻ mạnh, ngủ ngon lành.

9
Phương pháp Kangaroo giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó bền chặt.

Theo BS Từ Anh, dù mẹ là người tốt nhất để chăm sóc con bằng phương pháp Kangaroo, tuy nhiên cần có có sự hỗ trợ từ phía gia đình, nhất là người cha. Đó cũng là biện pháp giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó bền chặt hơn.

Sau 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, hình ảnh những “ông bố, bà mẹ kangaroo” đã tồn tại một cách êm đềm mà ý nghĩa, như một biểu tượng đích thực của tình yêu và sự chở che củ cha mẹ dành cho thiên thần bé nhỏ...


Chia sẻ