Ngộ nghĩnh những mô hình độc đáo trong cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ”

Saga,
Chia sẻ

Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ 2016 đã thu hút số lượng bài dự thi kỷ lục với gần 450.000 ý tưởng, được đánh giá là mang tính “thời sự” hơn, gần gũi và thân thiện hơn với cuộc sống thường ngày.

Sau khi 60 ý tưởng tốt nhất được lựa chọn vào Vòng mô hình, các bạn nhỏ lại tiếp tục được thể hiện trí tưởng tượng phong phú cũng như sự khéo léo của mình. Dưới sự hỗ trợ của thầy cô và gia đình, các bạn nhỏ đã khiến Ban Giám khảo đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi “mô hình hóa” ý tưởng một cách tinh tế, chi tiết và đầy tính chuyển động.

Chất liệu mà các bạn nhỏ sử dụng để làm mô hình đều là những vật dụng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như bình xịt, ống nước nhựa cũ, giấy bìa, vỏ chai lọ, vải, xốp, đồ chơi cũ, đất nặn hay thậm chí cả những động cơ mini tận dụng sẵn có trong nhà để tạo tính chuyển động cho mô hình. Có “mục sở thị” chế tác của các nhà phát minh nhí mới thấy hết được sự sáng tạo, cẩn thận và đam mê khi các bạn nhỏ tỉ mỉ cắt và tô màu cho từng chi tiết.

Nhóm 2 bé Quỳnh Ngân và Nguyệt Minh ở Ninh Bình đã miệt mài hoàn thiện “Máy thu và xử lý bão trong lòng đất” trong khoảng thời gian gần 1 tháng. Khi cùng làm việc, đã có những khó khăn nhất định khi 2 bạn đưa ra ý kiến và hướng giải quyết khác nhau, nhưng khi đó, thầy cô hoặc phụ huynh là những người ra góp ý kiến để tạo sự đồng thuận, giúp hai bạn hoàn thành tác phẩm.

Quỳnh Ngân và Nguyệt Minh đã tự mình hoàn thành nhiều chi tiết khó như phong cảnh, tạo hình cây cối, nhà cửa, cỗ máy, ống dẫn… nhưng liên quan đến hệ thống điện để giúp bộ máy có thể chuyển động thì các bạn cần nhờ đến sự hỗ trợ của bố. Với ý tưởng độc đáo, vận dụng sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình chuyển đổi thành mô hình mà “công trình” này đã nhận được đánh giá cao từ Ban giám khảo và tiếp tục lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi.

Ý tưởng “Máy thu và xử lý bão trong lòng đất” được “hiện thực hóa” với mô hình sinh động

Hay như bé Phạm Thị Xuân Mai – Long An với mơ ước tạo ra một rô bốt hình con nhện có thể bay được trên không trung và giăng những mạng lướiđể hút được những tia nắng mặt trời đặc biệt là tia tử ngoại, tia cực tím…đồng thời nó còn hút cả những tia sét vào mùa mưa tích thành dòng năng lượng tạo thành điện năng để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Mô hình “Nhện giăng lưới tích điện” của bé Xuân Mai

Từ những phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải ngày càng nghiêm trọng khiến môi trường sống bị phá hoại nhất là biển, bé Đào Mạnh Cường – Lào Cai đã xây dựng nên ý tưởng “Thùng rác thông minh trên biển”, với các cánh quạt hút nước giống như máy bơm nước để hút các loại rác trôi nổi trên biển vào trong để đem đi xử lý, giảm tải việc ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các con vật ở dưới biển.

Chất liệu Cường tận dụng là khung tranh ảnh, túi ni lông cũ và băng dính, ghim để tạo nên mô hình mô phỏng biển, dùng màu bột vẽ khung cảnh biển và cắt dán hình các con vật ở biển, rong rêu. Để tạo mô hình thùng rác em đã tận dụng các chai đựng cồn đã dùng hết và cánh quạt ở đồ chơi cũ để tạo nên khung ngoài thùng rác, lõi đựng ở trong em tận dụng vải lưới vụn để có thể giữ rác được.

Ảnh mô hình của Đào Mạnh Cường

Thông qua cuộc thi hết sức sáng tạo này, các em nhỏ có được những trải nghiệm mới mẻ cũng như cơ hội phát triển những kĩ năng thực tế và rèn luyện tính kiên trì, chấp nhận thử thách để đạt được thành công.

 
Tính nguyên bản giữa tranh vẽ và mô hình cũng là yếu tố quan trọng trong tiêu chí chấm điểm
Các thành viên Ban giám khảo đã làm việc rất nghiêm túc, say sưa để chọn ra những “tác phẩm” xứng đáng nhất

Sau khi lựa chọn nghiêm túc, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra được 30 mô hình xuất sắc nhất của cả 2 nhóm để bước vào Vòng Chung kết dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/8 tới (Danh sách 30 mô hình lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi tại link https://honda.com.vn/cuoc-thi-y-tuong-tre-tho/).

Chia sẻ